Dòng sự kiện:
Ngân hàng nội - ngoại: Cạnh tranh khốc liệt giành thị phần
18/07/2014 17:13:36
Trong 5 năm (từ năm 2008 đến năm 2013), số lượng doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng hơn 2 lần; quy mô hoạt động về tài sản, vốn, doanh thu cũng tăng tương đối mạnh qua các năm.

Trong 5 năm (từ năm 2008 đến năm 2013), số lượng doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng hơn 2 lần; quy mô hoạt động về tài sản, vốn, doanh thu cũng tăng tương đối mạnh qua các năm. 

 

Thị phần dường như đang được sắp xếp lại khi các ngân hàng quyết liệt giành thị phần của nhau. Nguồn: internet

 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ trọng đóng góp của các doanh nghiệp FDI trong GDP năm 2012 là 18,08%. Khối doanh nghiệp FDI đã có đóng góp tích cực vào sự phát triển của kinh tế cả nước, đặc biệt đối với kim ngạch xuất nhập khẩu (chiếm trên 60%) và cán cân thương mại của Việt Nam.

 

Châu Á vẫn là khu vực thu hút FDI nhiều nhất trên thế giới, trong đó Việt Nam đang nổi lên là thị trường thu hút FDI mạnh mẽ nhất trong khu vực, nếu tính tỷ lệ với GDP, Việt Nam là nước lớn xếp vị trí thứ hai về thu hút vốn FDI tại Đông Nam Á, sau Xin-ga-po. Tính đến 15/12/2013, đã có khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam  với tổng cộng khoảng 15.696 dự án.

 

Đối với Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), cùng với việc hỗ trợ của đối tác chiến lược Mizuho, đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp FDI đã không ngừng được mở rộng để tiếp tục cung ứng các sản phẩm, dịch vụ như: tiền gửi, tài khoản thanh toán, giao dịch mua bán ngoại tệ, chuyển tiền nội địa, trả lương qua tài khoản, phát hành thẻ ATM, thẻ tín dụng, vay tiêu dùng…; Nhóm khách hàng FDI chiếm vai trò khá quan trọng trong giao dịch đối với các tổ chức kinh tế nói chung, đặc biệt là hoạt động kinh doanh ngoại tệ và thanh toán xuất khẩu, bởi vậy, tiềm năng đẩy mạnh doanh số thanh toán xuất nhập khẩu đối với các khách hàng FDI tương đối lớn. Tuy nhiên, tỷ trọng về số lượng khách hàng và dư nợ của các khách hàng FDI vẫn chiếm tỷ lệ khá nhỏ trong cơ cấu khách hàng và tổng dư nợ của Vietcombank, chưa tương xứng với khả năng của Vietcombank và nhu cầu tiềm năng của các doanh nghiệp FDI mà Vietcombank có thể khai thác.

 

Tại Hội nghị phát triển khách hàng FDI năm 2014, ông Yutaka Abe, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho rằng, trong điều kiện các công ty đa quốc gia đang có xu hướng tìm kiếm, mở rộng sản xuất sang các quốc gia có nguồn lao động dồi dào và thị trường nội địa phát triển mạnh, đặc biệt như Việt Nam, với nhiều lợi thế về vị thế, thương hiệu, công nghệ, nguồn vốn và các mối quan hệ ổn định… Vietcombank có đầy đủ các điều kiện để tiếp cận và phát triển mạnh đối với nhóm khách hàng FDI nhiều tiềm năng này. Ông Yutaka Abe cũng nhấn mạnh, việc làm ăn kinh doanh ở thị trường ngoại quốc luôn tiềm ẩn những trở ngại và khó khăn cho các doanh nghiệp FDI, bởi dựa trên mạng lưới khách hàng, đối tác đã được phát triển vững chắc thời gian qua, Vietcombank hoàn toàn có thể giới thiệu để tạo mối quan hệ làm ăn lâu dài, hiệu quả cho nhóm khách hàng này cũng như xúc tiến, hỗ trợ công tác bán hàng cho họ, là cơ sở quan trọng để thiết lập và phát triển mở rộng quan hệ đối tác đối với nhóm khách hàng FDI.

 

Vai trò quan trọng của các doanh nghiệp FDI đối với sự phát triển nền kinh tế Việt Nam, với sự hiện diện của các doanh nghiệp FDI trong suốt thời gian qua, năng lực cạnh tranh ở cấp quốc gia Việt Nam luôn từng bước được cải thiện. Bởi vậy, có thể nhìn nhận rằng, khối FDI đang dần trở thành trụ cột của nền kinh tế Việt Nam cả ở hiện tại và trong tương lai. Việc phát triển khách hàng FDI cũng sẽ là sự cạnh tranh khốc liệt giữa các tổ chức tín dụng cả trong nước và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, với đầy đủ các lợi thế như thương hiệu, sự am hiểu cộng đồng doanh nghiệp trong nước, mối quan hệ rộng rãi và uy tín của Vietcombank cùng truyền thống, kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh đối ngoại, với một tinh thần quyết liệt và hành động đã được kỳ vọng mang tới thông điệp rõ ràng, công tác phát triển khách hàng FDI của Vietcombank trong thời gian tới sẽ đạt được những kết quả ấn tượng với mục tiêu là mang lại lợi ích tổng thể cho cả Vietcombank, các doanh nghiệp FDI cũng như nền kinh tế đất nước.

 

Hiện nay, hơn 66% kim ngạch xuất khẩu của nước ta nằm trong tay doanh nghiệp có vốn FDI. Điều này cho thấy, doanh nghiệp FDI cũng là những khách hàng giàu tiềm năng của hệ thống ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, bấy lâu nay, “miếng bánh” này nằm trọn trong tay khối ngân hàng nước ngoài.

 

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết, thị phần thanh toán của ngân hàng gần đây tiếp tục giảm sút, mặc dù xuất khẩu cả nước trong hai năm qua liên tục tăng. “Hai năm qua, tuy xuất khẩu tăng khá, nhưng chủ yếu là nhờ khu vực doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp này lại chủ yếu dùng dịch vụ thanh toán của ngân hàng nước họ, nên thị phần của ngân hàng trong nước bị ảnh hưởng tiêu cực”, ông Bình thừa nhận.

 

Khối ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh hiện đang tập trung chủ yếu cho vay các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, trong khi khối ngân hàng cổ phần tập trung cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, khách hàng cá nhân.

 

Tuy nhiên, thị phần dường như đang được sắp xếp lại khi các ngân hàng quyết liệt giành thị phần của nhau. Trong khi khối ngân hàng ngoại tích cực chào vay các doanh nghiệp trong nước, thì khối ngân hàng nội cũng tích cực tiếp cận doanh nghiệp FDI.

 

Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc, kiêm Giám đốc Khối nguồn vốn và ngoại hối, Ngân hàng VIB cho hay, VIB đang tập trung mở rộng khách hàng doanh nghiệp FDI. “Ngân hàng nước ngoài tuy có nhiều lợi thế về vốn, nhưng lại không có mạng lưới phân phối rộng bằng các ngân hàng Việt Nam. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp FDI lớn tại Việt Nam, khi cần ngân hàng có khả năng đáp ứng được chuỗi cung ứng của họ, thì ngân hàng ngoại khó thực hiện, trong khi VIB hoàn toàn có thể tham gia tài trợ chuỗi cung ứng đó”, ông Trung nói.

 

Ngoài VIB, nhiều ngân hàng trong nước khác cũng đang hướng tới doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ đến từ Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc.

 

Không chỉ ở khối khách hàng doanh nghiệp, trên thị trường bán lẻ, các ngân hàng nội - ngoại cũng cạnh tranh khốc liệt giành thị phần.

 

Ông Trần Thanh Quang, Phó tổng giám đốc Ngân hàng OceanBank cho rằng, đến năm 2015, khối ngân hàng ngoại sẽ tấn công mạnh thị trường bán lẻ sau khi đã đặt chân vững chắc vào thị trường Việt Nam.

 

Ngân hàng Nhà nước cũng nhận định, sau năm 2015, thị trường bán lẻ sẽ là đóng vai trò chủ đạo mà các ngân hàng nước ngoài tập trung khai thác, dù khối này hiện mới chiếm khoảng 10% thị phần bán lẻ. Hầu hết ngân hàng nước ngoài như: ANZ, HSBC, Standard Chartered... đều đánh giá rất cao triển vọng thị trường bán lẻ của Việt Nam và không giấu được tham vọng tăng thị phần trong lĩnh vực này.

 

Ông Keith Pogson, phụ trách dịch vụ tài chính ngân hàng, Công ty Ernst & Young  nhận định: “Ngân hàng ngoại có những lợi thế riêng như công nghệ, quy trình, sản phẩm. Trong khi đó, ngân hàng nội rất nhanh nhạy với sự thay đổi của thị trường, với lợi thế là có mạng lưới rất tốt, một số ngân hàng có thể vươn đến cả vùng nông thôn xa xôi, điều mà ngân hàng nước ngoài không thể làm được”.

 

Dù cuộc so găng ngân hàng nội - ngoại dự báo tiếp tục quyết liệt, song dường như các ngân hàng nước ngoài vẫn quyết tâm bám trụ lâu dài tại thị trường Việt Nam. Theo nhận định của các ngân hàng nước ngoài, Việt Nam vẫn là một trong những mảnh đất hấp dẫn đầu tư nhất châu Á.

 

Chính vì vậy, mặc dù gần đây, do tình hình trên biển Đông vẫn hết sức căng thẳng, song, với sự quyết liệt làm ổn định tình hình của Chính phủ và triển vọng kinh tế Việt Nam, các ngân hàng nước ngoài như ICBC (Trung Quốc), HuaNan (Đài Loan), BTMU (Nhật Bản), ANZ, HSBC… đều khẳng định niềm tin và cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Với việc tăng mạnh thị phần trên thị trường bán lẻ, khối ngân hàng ngoại quyết tâm bám trụ thị trường Việt Nam và coi đây là mảnh đất đầy hấp dẫn.

 

Trọng Triết - tapchitaichinh.vn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến