Dòng sự kiện:
Ngân hàng ồ ạt tăng vốn điều lệ tiềm ẩn nhiều mối lo
22/11/2018 18:00:14
Tuy nhiên, TS Cấn Văn Lực đánh giá, việc tăng vốn NH là cần thiết, song tăng vốn ồ ạt trong năm 2018 cũng tiềm ẩn nhiều mối lo

Kế hoạch tăng vốn “khủng” ngay trong năm nay

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, từ nay đến cuối năm 2020, các NH phải tăng vốn tự có dự kiến gấp 1,8 - 2 lần mới có thể đáp ứng quy định của Basel II. Còn theo hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch, hệ thống NH Việt Nam có thể thiếu nguồn vốn khoảng 20 tỷ USD, tương đương 9% GDP, để đáp ứng các tiêu chuẩn của Hiệp ước vốn Basel II.

Hiện có 4 trong tổng số 34 NH có vốn điều lệ đạt trên 1 tỷ USD (Ảnh TL)

Trước yêu cầu ngày càng cao về việc phải tăng vốn, thời gian gần đây nhiều ngân hàng đã tích cực tìm các giải pháp để tăng vốn nhằm đáp ứng theo quy định mới.

Techcombank chốt chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 1:2 trong quý III/2018 để tăng vốn lên mức 34.965 tỷ đồng.

Mới đây, NHTM CP Quân đội (MB) đã được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 18.155 tỷ đồng lên 21.604 tỷ đồng, Để thực hiện, MB duy trì cổ tức 11% (6% bằng tiền mặt và 5% bằng cổ phiếu), đồng thời phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 14%.

Vietcombank mới đây cũng được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ lên hơn 39.575 tỷ đồng (tương ứng phát hành thêm tỷ lệ 10%) theo phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ đã được cổ đông thông qua.

BIDV dự kiến phát hành riêng lẻ hơn 600 triệu cổ phiếu cho KEB Hana - một ngân hàng Hàn Quốc.

Việc tăng vốn NH là cần thiết, song tăng vốn ồ ạt trong năm 2018 cũng tiềm ẩn nhiều mối lo (Ảnh TL)

Hiện có 4 trong tổng số 34 NH có vốn điều lệ đạt trên 1 tỷ USD, bao gồm VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank.

Với kế hoạch tăng vốn “khủng” ngay trong năm nay, dự kiến khi hoàn tất, vốn điều lệ của hàng loạt NH cũng sẽ đạt ngưỡng tỷ USD.
Nổi bật là VPBank, thông qua kế hoạch tăng vốn tới 70% lên mức 25.200 tỷ đồng (theo kế hoạch đầu năm, mức tăng vốn tối đa theo kế hoạch của ngân hàng này là 27.800 tỷ đồng.

NHTMCP Phương Đông (OCB) tăng 50% lên 7.500 tỷ đồng, SeABank tăng 65% lên 9.000 tỷ đồng... ABBank muốn tăng vốn gấp đôi lên 10.638 tỷ đồng. Hay như LienVietPostBank đã hoàn thành tăng vốn từ 6.460 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng và dự kiến tăng tiếp lên mức 10.368 tỷ đồng trong năm nay, thông qua phát hành gần 287 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu.

Sẽ có hàng loạt các hệ lụy?

TS Cấn Văn Lực đánh giá, việc tăng vốn NH là cần thiết, song tăng vốn ồ ạt trong năm 2018 cũng tiềm ẩn nhiều mối lo. Một lượng cổ phiếu khổng lồ được tung ra thị trường sẽ gây ra áp lực: Nhà đầu tư bị quá tải; khi doanh thu và lợi nhuận không đạt được như kế hoạch hoành tráng mà lãnh đạo các NH đưa ra, giá cổ phiếu bị pha loãng rủi ro và thiệt thòi lớn nhất sẽ thuộc về các cổ đông. Các chỉ số như tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản có bình quân (ROA), tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) giảm mạnh. Đó là chưa kể tới hàng loạt hệ lụy như sở hữu chéo, nợ xấu… mà ngành NH lao tâm giải quyết tới nay vẫn chưa xong.

Trước đó, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính nói rằng các ngân hàng "hứng thú" với việc tăng vốn không chỉ nhằm đáp ứng chuẩn Basel II tới đây, mà còn nhằm mục đích tăng hạn mức cho vay tối đa của mình.

Theo quy định hiện hành, ngân hàng chỉ được cho vay tối đa với một khách hàng không quá 15% vốn tự có. Như vậy, những ngân hàng có vốn điều lệ nhỏ 3.000-5.000 tỷ sẽ khó tiếp cận với những khách hàng lớn với các khoản vay hàng nghìn tỷ đồng.

"Khi vốn của một ngân hàng là 5.000 tỷ ngân hàng đó chỉ được cho vay tối đa với một khách hàng không quá 750 tỷ (15%), nhưng khi vốn 20.000-30.000 tỷ thì mức tín dụng tối đa sẽ là 3.000-4.000 tỷ. Điều này cũng giúp quy mô tín dụng các ngân hàng tăng trưởng trong tương lai.

 Theo Công luận

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến