Ngân hàng quy mô nhỏ gắng gượng tái cơ cấu
07/08/2014 10:09:48
Nhiều NH nhỏ đang rơi vào tình trạng bị chuyển từ lãi thành lỗ vì trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, nguyên do chủ yếu vẫn là khó kiểm soát nợ xấu phát sinh từ những khoản vay cũ.

Dự phòng cao, vì nợ xấu
 
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của NH Việt Á (VietA Bank) quý II/2014 lãi thuần đạt 150 tỷ đồng, giảm 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên do khoản trích lập dự phòng rủi ro của VietA Bank tính đến tháng 6/2014 lên gần 600 tỷ đồng. Tương tự, PGBank cũng báo lỗ gần 12 tỷ đồng trong quý II/2014 do phải trích lập dự phòng rủi ro hơn 100% lợi nhuận thuần. Không chỉ báo cáo lỗ, PGBank cho biết, nợ quá hạn đến ngày 30/6 vẫn còn hơn 1.700 tỷ đồng, chiếm 12% tổng dư nợ NH này. Như vậy, sau khi nợ xấu được đưa từ trên 9% về dưới 3% cuối năm ngoái, đến quý I/2014, tỷ lệ này của PGBank lại tăng trở lại ở mức 4%.

 
Trích lập dự phòng rủi ro “ăn mòn” lợi nhuận nhiều NH

Đến hết tháng 6/2014, tăng trưởng tín dụng của NH Quốc Dân (NCB) đạt 32,56% so với cuối năm 2013. Nhưng do nợ xấu cũng ở mức trên 3% nên cũng đòi hỏi khoản dự phòng rủi ro phải trích lập cao. Theo lãnh đạo NCB, nợ xấu tuy nằm trong tầm kiểm soát song vẫn trong xu hướng tăng, vì thế dự phòng rủi ro tiếp tục “ăn mòn” lợi nhuận. Cụ thể: 6 tháng đầu năm 2014, nếu không phải trích lập dự phòng rủi ro, tổng lợi nhuận của NCB có thể lên tới 598 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2013. Trong khi đó, sau khi trích lập dự phòng chỉ còn khoảng 3,76 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế…
 
Nhiều NH nhỏ cũng đang rơi vào tình trạng bị chuyển từ lãi thành lỗ vì trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, nguyên do chủ yếu vẫn là khó kiểm soát nợ xấu phát sinh từ những khoản vay cũ. Theo lãnh đạo một NH, để hạn chế rủi ro, các NH đang phải tăng cường kiểm soát rủi ro nợ xấu và kiên quyết không buông lỏng chất lượng tín dụng trước khi trao vốn cho khách hàng. Thế nhưng, nợ xấu phát sinh từ các khoản cho vay cũ rất khó kiểm soát do những yếu kém của DN ngày càng bộc lộ rõ nét hơn. “Con số trích lập dự phòng tăng lên cũng đồng nghĩa với việc lợi nhuận co hẹp”, vị lãnh đạo trên chia sẻ.
 
Thách thức vẫn chực chờ
 
Theo lãnh đạo các NH, nguồn vốn huy động tiếp tục tăng nhưng không thể cho vay “bằng mọi giá” để hạn chế thêm những rủi ro tín dụng mới phát sinh trong thời điểm này. Mặc dù, nguồn thu từ kinh doanh của các NH quy mô nhỏ vẫn phụ thuộc vào tín dụng đến 80-90%. Song chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra (NIM) của vốn tín dụng hiện chỉ còn khoảng 1-2%.
 
Trong khi đó, theo lãnh đạo các NHTM, NIM phải ở khoảng 3% mới đảm bảo cho NH trang trải chi phí và kỳ vọng có lãi. Trong khi mỗi đồng vốn đi ra, NH phải trích lập ngay 0,75% dự phòng chung, nhưng trong bối cảnh hiện nay NH vẫn đang phải trích lập cao hơn cho các khoản nợ xấu phát sinh. Do đó mức chênh lệch lãi suất đầu vào, đầu ra hiện không còn đảm bảo cho lợi nhuận. “Điều này lý giải vì sao giá vốn huy động 6-7%/năm hiện nay, cho vay ra 8-10%/năm là phù hợp để cho vay”, một cố vấn cao cấp của NH nói.
 
Còn theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, thị trường 6 tháng đầu năm có nhiều thách thức về biến động thời sự trong khu vực, cầu tiêu dùng yếu, số DN phá sản gia tăng… nên đã tiếp tục thu hẹp cơ hội phát triển thị trường. Trong khi, nợ xấu tăng trở lại và các cơ chế xử lý còn thiếu dẫn đến các nguy cơ tiềm ẩn rủi ro tăng cao. Thêm vào đó, chênh lệch mặt bằng lãi suất giữa các nhóm NH cũng ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và tốc độ xử lý tồn đọng chưa thích ứng có thể tạo ra những thách thức không nhỏ để hoàn thành các mục tiêu đưa ra. “OCB chỉ đạt 128 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm 2014. Mức này chưa đạt 50% so với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế mà NH xây dựng cho cả năm nay là 360 tỷ đồng”, ông Tùng nói.
 
Đồng quan điểm với việc chênh lệch lãi suất đầu vào, đầu ra hiện nay có thể bị dự phòng ăn hết lợi nhuận, Phó thống đốc NHNN - ông Nguyễn Phước Thanh cho biết, lợi nhuận NH những năm gần đây đi xuống rất mạnh, thậm chí có NH không đủ trích lập dự phòng rủi ro trong nhiều thời điểm.
 
Theo ông Nguyễn Phước Thanh, những NH lớn đang tái cơ cấu theo xu hướng đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu mà không phát triển mở rộng như những năm trước đây, trong đó tập trung mạnh vào mảng kinh doanh dịch vụ. Còn những NH quy mô nhỏ, yếu kém cần tái cấu trúc theo hướng giải quyết những khó khăn hiện tại để từng bước đủ sức cạnh tranh trên thị trường tài chính ngày càng cạnh tranh khốc liệt hơn. Như vậy, việc tăng nguồn vốn trích lập dự phòng rủi ro hôm nay có thể tạm thời giảm lợi nhuận những NH nhỏ, nhưng để kỳ vọng sẽ có một NH mạnh đủ sức chống chọi trên thị trường ngày mai.
 
Quỳnh Chi – thoibaonganhang.vn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến