Ngân hàng ăn đậm phí chuyển tiền
Theo phản ánh của nhiều khách hàng, hiện nay, phí chuyển tiền được các ngân hàng áp dụng ở mức rất cao. Đơn cử, tại Vietcombank, với mỗi giao dịch trong nước, khách hàng phải trả tối thiểu 10.000 - 30.000 đồng, tối đa lên tới 2 triệu đồng. Muốn tra soát hay điều chỉnh lệnh chuyển, khách hàng phải mất thêm 20.000 đồng/giao dịch. Với giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài, mức phí này còn cao gấp cả chục lần.
Được biết, nhiều ngân hàng lớn cũng áp dụng mức phí tương tự.
Tại một số ngân hàng nước ngoài, mức phí chuyển tiền còn cao hơn. Chẳng hạn, tại HSBC, phí chuyển tiền trong nước (giao dịch tại quầy) tối thiểu là 66.000 đồng, tối đa là 1,1 triệu đồng. Phí chuyển tiền nước ngoài 20 - 200 USD/giao dịch.
Mức phí này cao hơn rất nhiều nếu so với mức phí mà các tổ chức thanh toán quốc tế đang áp dụng. Được biết, hiện nay, khoảng 95% ngân hàng tại Việt Nam là thành viên của Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng thế giới (SWIFT). Theo đó, mỗi thành viên được cấp một mã giao dịch để có thể dễ dàng chuyển tiền cho nhau dưới dạng các bức điện chuyển tiền. Mức phí chuyển tiền với mỗi giao dịch được SWIFT tính khá rẻ. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là, phí chuyển tiền tại Việt Nam lại rất đắt.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề này, ông Alain Raes, Giám đốc điều hành SWIFT khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, hiện mức phí thấp nhất khi chuyển tiền qua hệ thống SWIFT là 0,02 euro (phí này được tính cho cả các giao dịch chuyển tiền quốc tế). Nếu so với mức phí chuyển tiền quốc tế ở Việt Nam, phí SWIFT đưa ra rẻ hơn nhiều lần. Điều này có nghĩa, nếu thực hiện chuyển tiền cho khách hàng qua SWIFT, các ngân hàng trong nước chỉ phải chi trả một phần rất nhỏ cho đối tác và ẵm trọn phần còn lại.
Lý giải thêm về mức phí giao dịch chuyển tiền còn cao ở Việt Nam, ông Alain Raes nói thêm: “Trong khi các quốc gia như Singapore áp dụng hệ thống SWIFT cho cả giao dịch quốc tế và giao dịch nội địa, thì nhiều nước như Việt Nam muốn sử dụng hệ thống độc quyền cho các giao dịch nội địa. Mức phí tính cho khách hàng sẽ phụ thuộc vào đó là loại giao dịch gì, ứng dụng công nghệ nào, dung lượng thông tin và cả các khoản chi phí thanh toán cho bên thứ ba”.
Nhiều người lựa chọn hình thức chuyển tiền chui
Mặc dù hầu hết các ngân hàng đều đang triển khai dịch vụ chuyển tiền, song mức phí quá đắt đỏ là nguyên nhân khiến nhiều người dân lựa chọn hình thức chuyển tiền chui. Tại Hà Nội, không khó để tiếp cận dịch vụ này tại “phố ngoại tệ” Hà Trung hay tại nhiều cửa hàng kinh doanh vàng bạc. Còn tại những địa phương tập trung lượng lớn lao động xuất khẩu, lực lượng chuyển tiền ngầm về sâu tận các thôn, xã, cạnh tranh khốc liệt với các ngân hàng.
Theo tìm hiểu, muốn nhận kiều hối tại ngân hàng, khách hàng phải khai báo thông tin đầy đủ và phải nộp phí, trong khi tại các công ty chuyển tiền chui, khách không phải khai báo, hoàn toàn miễn phí, thậm chí có thể nhận tiền tại nhà. Việc chuyển tiền ra nước ngoài tại các công ty chuyển tiền “chui” lại càng nhộn nhịp hơn. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), muốn chuyển tiền ra nước ngoài qua ngân hàng, người dân phải chứng minh mục đích chuyển tiền là hợp lý và phải chịu phí. Trong khi đó, nếu chuyển tiền qua thị trường phi chính thức, khách hàng không cần bất cứ loại chứng từ gì.
Trao đổi với phóng viên, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật Basico cho rằng, nhiều người dân vẫn chọn kênh chuyển tiền “chui” này để giao dịch vì thủ tục đơn giản, nhanh gọn, tỷ giá cao.
Trong khi đó, theo một thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cuối năm ngoái, có tới 25% kiều hối về Việt Nam được chuyển qua kênh phi chính thức.Trả lời câu hỏi của phóng viên, TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng CIEM cho biết: “Cạnh tranh về phí và tính thuận tiện chính là yếu tố khiến kênh chuyển tiền phi chính thức vẫn tồn tại và phát triển”.
Theo baodautu
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy