Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,1% năm 2024. (Ảnh: Vietnam+)
Sáng 26/8 tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố Báo cáo Điểm lại - cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam.
Theo đó, chuyên gia WB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,1% trong năm 2024 và 6,5% trong hai năm 2025 và 2026, cao hơn so với mức 5% của năm 2023.
Các chuyên gia WB đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ cao hơn trong năm 2024 nhờ sự phục hồi trong hoạt động xuất khẩu các mặt hàng chế tạo chế biến, du lịch, tiêu dùng và đầu tư.
Trước đó, trong dự báo được đưa ra hồi tháng Tư, WB đã đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam chỉ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6% vào năm 2025.
Trên phương diện sản xuất, sản lượng công nghiệp chế tạo chế biến tăng trưởng 7% trên nền xuất phát điểm thấp, là động lực tăng trưởng cho cả năm, đóng góp đến 1/4 tăng trưởng GDP.
Lĩnh vực dịch vụ đóng góp trên 1/2 cho tăng trưởng GDP, tăng đến 7,4%. Ngoài ra, các dịch vụ liên quan đến xuất khẩu như vận tải và kho bãi được hưởng lợi do xuất khẩu hàng hóa phục hồi.
Trong khi đó, lĩnh vực nhà hàng khách sạn cùng tăng trở lại, khi số lượt du khách quốc tế đạt 8,8 triệu lượt trong tháng 6/2024, cao hơn lượng du khách ghi nhận trước đại dịch COVID-19.
Báo cáo cho thấy khả năng chống chịu của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh thách thức ngày càng gia tăng trên toàn cầu. Với tiêu đề "Vươn tới tầm cao mới trên thị trường vốn," báo cáo ghi nhận nền kinh tế vẫn chưa quay lại lộ trình tăng trưởng như giai đoạn trước đại dịch. Do đó, Chính phủ cần đẩy mạnh đầu tư công để vừa kích cầu ngắn hạn, vừa góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt hạ tầng - đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, giao thông và logistics - vốn đang là nút thắt cản trở tăng trưởng. Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho rằng cần theo dõi sát sao chất lượng tài sản của các ngân hàng do nợ xấu gia tăng.
Ông Sebastian Eckardt, Trưởng Ban Kinh tế vĩ mô, Thương mại và Đầu tư khu vực Đông Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới cho biết: "Trong nửa đầu năm nay, kinh tế Việt Nam được hưởng lợi do nhu cầu hàng xuất khẩu phục hồi. Để duy trì đà tăng trưởng từ nay đến cuối năm và các năm tới, các cấp có thẩm quyền cần tiếp tục cải cách thể chế, đẩy mạnh đầu tư công đồng thời quản lý, giảm sát các rủi ro trong thị trường tài chính."
Phát biểu tại buổi họp báo, bà Dorsati Madani, chuyên gia Kinh tế cấp cao của WB tại Việt Nam, cho rằng dự báo tăng trưởng 6,1% là rất tích cực, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn chưa quay về quỹ đạo tiềm năng đầy đủ. Bà Madani cho rằng sau khi phục hồi mạnh trong nửa đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam sẽ chậm lại trong thời gian tới, chịu ảnh hưởng từ xu hướng tăng trưởng chậm lại của các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.
Cùng với đó, cân đối tài khoản vãng lai được dự báo vẫn duy trì thặng dư nhỏ, đồng thời Chính phủ đang quay lại củng có cân đối ngân sách, còn lạm phát dự báo sẽ giảm từ 4,5% năm 2024 xuống còn 3,5% năm 2026.
Các chuyên gia WB đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ cao hơn trong năm 2024, nhờ sự phục hồi trong hoạt động xuất khẩu. (Ảnh: Vietnam+)
Về cơ hội, WB cho rằng trong điều kiện xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng và bất động sản có dấu hiệu phục hồi (sau khi giải quyết được tình trạng đóng băng thị trường trái phiếu doanh nghiệp và Luật đất đai có hiệu lực từ tháng Tám), nhu cầu trong nước sẽ vững lên vào nửa cuối năm 2024 khi tâm lý nhà đầu tư và người tiêu dùng được cải thiện.
Tuy vậy, một trong những rủi ro chính đối với tăng trưởng kinh tế là yếu tố bất định của tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể thấp hơn dự kiến, nhất là tăng trưởng của những đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc.
"Những diễn biến đó có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu các mặt hàng chế tạo chế biến của Việt Nam và ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng," ông Sebastian Eckardt quan ngại.
Đại diện của WB khuyến nghị Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công để tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần khuyến khích các ngân hàng cải thiện hệ số an toàn vốn đồng thời cải thiện xây dựng hạ tầng để thu hút đầu tư tư nhân. Việc đa dạng hóa thương mại để tăng cường hội nhập hơn nữa cũng sẽ là yếu tố giúp cải thiện khả năng chống chịu của kinh tế Việt Nam./.
Tác giả: Thúy Hà
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy