Nhiều ngân hàng đang thu hơn nghìn tỷ đồng mỗi năm từ hoạt động bán chéo bảo hiểm. Ảnh: Chí Hùng.
Trong báo cáo cập nhật ngành ngân hàng quý I mới công bố, các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết trong năm 2022, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua kênh bancassurance (phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng) đã tăng 45% so với năm liền trước và tổng thu phí bảo hiểm tại các ngân hàng niêm yết đã tăng 16,4%.
Các ngân hàng dẫn đầu về doanh số bán bảo hiểm năm vừa qua gồm MBBank với 2.143 tỷ đồng; VIB ghi nhận 1.868 tỷ; Sacombank thu về 1.817 tỷ; ACB thu 1.716 tỷ; Vietcombank ghi nhận 1.691 tỷ đồng. Tương tự, các ngân hàng như HDBank, Techcombank, VPBank, VietinBank đều ghi nhận doanh số hơn nghìn tỷ từ hoạt động bán bảo hiểm năm vừa qua.
Theo các chuyên gia của VCBS, trong năm ghi nhận điều kiện hạn mức tăng trưởng tín dụng bị hạn chế, các ngân hàng đã có thêm động lực để đẩy mạnh nguồn thu từ hoạt động bán chéo bảo hiểm này.
Cũng trong năm 2022, một số ngân hàng đã chuyển từ mô hình giới thiệu bảo hiểm sang bán hàng trực tiếp với tỷ lệ hoa hồng cao hơn. Trong đó, các ngân hàng như MBBank, Techcombank hay VIB… đã xây dựng các nền tảng bán bảo hiểm số giúp giảm thời gian và tăng hiệu quả bán.
Trong khi đó, các ngân hàng Vietcombank, ACB, VietinBank, Sacombank và VPBank lại ghi nhận được một phần khoản phí Upfront (phí trả cho các hợp đồng hợp tác độc quyền với ngân hàng trong năm đầu tiên) cho hợp đồng bancassurance độc quyền đã ký kết.
Dự kiến trong năm nay, thị trường sẽ ghi nhận thêm các thương vụ ký kết hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền của HDBank và VIB.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, việc các cơ quan quản lý đang đẩy mạnh thanh, kiểm tra ngân hàng ép khách mua bảo hiểm có thể khiến hoạt động bán chéo bảo hiểm của ngân hàng năm nay gặp khó khăn hơn các năm trước đây.
Những năm gần đây, hoạt động bán chéo bảo hiểm đã trở thành nguồn thu ngoài lãi quan trọng của các ngân hàng. Nguồn thu này không chỉ đến từ khoản phí Upfront cho hợp đồng bancassurance độc quyền mà còn đến từ hoa hồng lớn trên mỗi hợp đồng bảo hiểm ký kết.
Theo cơ quan quản lý bảo hiểm, kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đã phát triển rất nhanh những năm qua và hiện đóng góp khoảng 20% tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ cùng 14% tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ cho toàn thị trường.
Tuy nhiên, tốc độ phát triển nhanh của hoạt động này cũng phát sinh một số bất cập trong việc quản lý chất lượng dịch vụ bảo hiểm qua kênh ngân hàng. Trong đó, hiện nay tình trạng nhân viên ngân hàng, ngân hàng ép khách mua bảo hiểm khi vay vốn hoặc tư vấn không đầy đủ khiến khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm tiền gửi ngân hàng vẫn diễn ra.
Để chấn chỉnh tình trạng trên, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều chỉ thị với các công ty bảo hiểm, ngân hàng yêu cầu tuân thủ quy định trong hoạt động phân phối bảo hiểm.
Bộ Tài chính cũng cho biết đã thực hiện thanh tra chuyên đề về phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm trong năm 2022. Qua thanh tra, cơ quan quản lý đã phát hiện một số sai phạm liên quan lĩnh vực này. Hiện cơ quan này đang trong quá trình hoàn tất kết luận thanh tra và sẽ có phương án xử lý phù hợp.
Tác giả: Quang Thắng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy