Dòng sự kiện:
Ngân hàng thừa tiền
23/06/2020 20:15:18
Thanh khoản dư thừa khi dịch bệnh, nhiều nhà băng ngại nợ xấu không đẩy mạnh cho vay mới còn doanh nghiệp cũng dè dặt đi vay.

"Thừa tiền" là từ được nhắc đến khi nói về thanh khoản của hệ thống ngân hàng gần đây. Trong báo cáo tuần thị trường tiền tệ ngày 15-19/6, SSI Research đánh giá thanh khoản dồi dào của hệ thống khiến lãi suất liên ngân hàng xuống thấp chưa từng có, chỉ còn 0,25-0,4%/năm.

Trong khi đó, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, hệ thống liên ngân hàng trong tuần giữa tháng 6 giao dịch hơn 279.000 tỷ đồng, cũng tập trung chủ yếu vào hai kỳ hạn này với lãi suất chỉ ở mức 0,19% và 0,35% trên năm. 

Nguyên nhân, theo giới phân tích, xuất phát từ cả phía người đi vay và phía cho vay. Người đi vay hạn chế mở rộng do ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn tới nhu cầu của thị trường thấp, trong khi các nhà băng cũng có cách tiếp cận thận trọng với kênh tín dụng do lo ngại nợ xấu.

Giao dịch tại quầy một ngân hàng thương mại tại TP HCM (Ảnh: Anh Tú)

Covid-19 tác động mạnh lên bức tranh kinh tế và sức khỏe doanh nghiệp trong nửa đầu năm. Theo khảo sát của cơ quan thống kê, nhiều doanh nghiệp cho biết phải thu hẹp sản xuất, ưu tiên trả nợ để giảm gánh nặng tài chính hơn là vay thêm vốn. Nhiều chuyên gia cũng đánh giá, lãi suất cho vay không phải là điểm nghẽn hiện nay mà vấn đề là nhu cầu vốn của doanh nghiệp thấp. 

Họp báo đầu tháng 6, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, hệ thống ngân hàng chỉ mong có khách hàng đủ tiêu chuẩn để cho vay. Tuy nhiên khi Covid-19 diễn biến phức tạp, nền kinh tế bị ảnh hưởng nên nhu cầu vay vốn giảm. Đến giữa tháng 6, tín dụng cho nền kinh tế chỉ tăng 2,13% so với cuối năm 2019, chưa tới một nửa mức tăng cùng kỳ năm trước. 

Chủ một doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hà Nội cho biết, trong giai đoạn hiện nay rất khó để tìm ra phương án kinh doanh hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp thay vì mở rộng đã chuyển sang "ngủ đông", cố gắng để duy trì hoạt động và tính thanh khoản.

Ở phía ngân hàng, muốn giải ngân nhưng các nhà băng cũng thận trọng với diễn biến dịch bệnh. Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Kinh tế tổng hợp Ban kinh tế Trung ương giải thích, cho vay là hoạt động bán hàng của ngân hàng nên không có chuyện từ chối cho vay nhưng vấn đề là các nhà băng cũng phải đảm bảo an toàn, khả năng thu hồi.

Như trường hợp của VPBank, lãnh đạo ngân hàng cho biết việc phát triển khách hàng mới được nhà băng này thực hiện thận trọng, chiến lược là tập trung vào nhóm khách hàng cũ đã xác định được rủi ro. Riêng với phân khúc tín dụng tiêu dùng của FE Credit, tín dụng trong những tháng đầu năm tăng rất thấp so với cùng kỳ do công ty này không phát triển khách hàng mới mà chỉ tập trung bán chéo sản phẩm cho những khách hàng cũ.

Ông Nguyễn Hưng, Giám đốc TPBank cũng cho hay, tính đến hết tháng 5, nhiều khách hàng không triển khai kinh doanh nên tiền gửi của ngân hàng vẫn tăng nhưng cho vay không tăng tương xứng.

Trong báo cáo cuối tháng 4, Ngân hàng Nhà nước đã lo ngại nợ xấu sẽ tăng do những tác động của Covid-19. Theo tính toán, trường hợp dịch bệnh được kiểm soát trong quý I, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, đã bán cho VAMC và nợ đã phân loại sẽ ở mức 2,9-3,2% vào cuối quý II và 2,6-3% vào cuối 2020.

Trường hợp dịch được kiểm soát trong quý II, tỷ lệ này sẽ tăng lên 4% và 3,7% tương ứng cuối quý II và cuối năm nay. "Thậm chí, nợ xấu có thể cao hơn, ảnh hưởng đến tiến độ cơ cấu, xử lý của các ngân hàng và khả năng phục hồi các nhà băng yếu kém", báo cáo Ngân hàng Nhà nước nêu. 

Theo: VnExpess
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến