Dòng sự kiện:
Ngân hàng tự làm Basel II
29/08/2019 10:02:23
Theo các ngân hàng đã và đang xây dựng theo các chuẩn mực Basel II, mỗi ngân hàng trong quá trình thực hiện Basel II có những khó khăn mà không thể san sẻ cho nhau...

Ảnh minh hoạ

NHTMCP Bản Việt (Vietcapital Bank) vừa thông báo đã trình NHNN cho phép áp dụng Basel II sớm hơn dự kiến vào cuối quý III/2019. Theo đó, các bước “tính toán mức độ an toàn vốn theo phương pháp tiêu chuẩn Basel II” đã hoàn tất ở mức độ triển khai dự án, hiện ngân hàng tiếp tục triển khai các mô hình đánh giá an toàn vốn nội bộ ICAAP (Internal Capital Adequacy Assessment Process) theo yêu cầu của Thông tư 13/2018/TT-NHNN.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng tập trung vào việc hoàn thiện các chính sách rủi ro và cơ cấu tổ chức quản trị rủi ro, cân bằng giữa hoạt động kinh doanh và quản lý rủi ro để đảm bảo ba yếu tố: an toàn, hiệu quả và bền vững trong hoạt động của ngân hàng.

Trước đó, vào tháng 7/2019, ngân hàng này và đối tác tư vấn KPMG Việt Nam đã đưa vào đánh giá nghiệm thu theo quy trình kiểm định quốc tế và quyết định đưa mô hình vận hành chính thức từ đầu 8/2019. Ngân hàng Bản Việt tự tin, hoàn toàn có đủ khả năng hoạt động an toàn theo thông lệ tiên tiến của các nước phát triển trên thế giới để phòng ngừa các rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động có thể xảy ra. Đồng thời cho thấy những nỗ lực không ngừng của ngân hàng trong việc xây dựng sự tin cậy đối với khách hàng của mình và các đối tượng hữu quan.

Việc Vietcapital Bank chủ động rà soát và triển khai xây dựng mô hình quản trị rủi ro theo chuẩn mực Thông tư 41/2016/TT-NHNN (Thông tư 41) và Thông tư 13/2018/TT-NHNN về việc áp dụng chuẩn mực Basel II và đã hoàn thành một số hạng mục của lộ trình. Như vậy, tự thân các ngân hàng đã nhận thấy nhu cầu hoạt động theo chuẩn mực quốc tế để nâng mình lên là rất cần thiết trong bối cảnh thị trường có nhiều cạnh tranh.

Từ Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ đưa giải pháp thực hiện Chuẩn mực vốn Basel II là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động cho các ngân hàng.

Theo đó, Thông tư 41 có thể tóm lược trong ba trụ cột: vốn, quản lý rủi ro, công bố thông tin để thực hiện Basel II. Hiện có 9 NHTM trên cả nước đã chính thức triển khai xây dựng Basel II, trong đó có NHTMCP Phương Đông (OCB) đã chủ động xây dựng Basel II theo tiêu chí của Thông tư 41 và đã được NHNN công nhận đạt chuẩn Basel II theo các tiêu chí thông tư này.

Theo các ngân hàng đã và đang xây dựng theo các chuẩn mực Basel II, mỗi ngân hàng trong quá trình thực hiện Basel II có những khó khăn mà không thể san sẻ cho nhau. Nếu những NHTM có vốn nhà nước chi phối khó tăng vốn trong khi tiêu chí này các NHTM tư nhân lại có thể sắp xếp được.

Vấn đề quản lý rủi ro của các ngân hàng lớn thường vướng phải những khoản vay và đầu tư giá trị lớn chưa chắc đã an toàn (theo tiêu chuẩn Basel II) hơn so các ngân hàng quy mô nhỏ. Chưa kể các khoản phải thu của NHTM trong các yêu cầu tái cơ cấu nợ vay cho DN để ổn định kinh tế vĩ mô. Vấn đề khó nói nhất là công bố thông tin thì hầu hết các ngân hàng Việt Nam đều gặp phải và phải có thời gian mới lấp đầy khoảng trống rất nhạy cảm trong nghề tài chính theo các chuẩn mực quốc tế.

Thông tư 13/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của NHTM có hiệu lực thi hành trong năm nay đã hoàn thiện phần quản lý rủi ro trong hoạt động của NHTM. Theo đó, quy định phân định rất rõ vai trò của ban điều hành, ban kiểm soát và hội đồng quản trị có giới hạn mà điều này hầu hết các ngân hàng đều vấp phải.

Từ đó, hạn chế tối đa tình trạng một cổ đông chi phối có thể triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường vượt quá các quy định cho phép dẫn đến những rủi ro quản trị ngân hàng. Riêng chương đánh giá mức độ đủ vốn của NHTM thời hiệu thi  hành vào năm 2021, điều này như Ngân hàng Bản Việt đưa ra đang tiếp tục triển khai các mô hình đánh giá an toàn vốn nội bộ ICAAP.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến