Dòng sự kiện:
Ngân hàng tức tốc 'bơm' vốn
10/05/2025 16:35:40
Nhóm khách hàng cá nhân nhu cầu vay vốn đang phục hồi rõ rệt nhờ thị trường BĐS khu vực phía Nam khởi sắc trở lại. Phân khúc doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cho thấy tín hiệu tăng trưởng tích cực về nhu cầu tín dụng.

Nhu cầu vay vốn tăng

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 15/4, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16,23 triệu tỷ đồng, tăng 3,95% so với cuối năm 2024. Con số này tích cực hơn kết quả của thời điểm này năm ngoái (tăng 1,21%). Nếu so với cùng kỳ, tín dụng toàn hệ thống tăng 18,19%.

Trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ở mức 16%, với kỳ vọng tạo lực đẩy mạnh mẽ cho nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng gia tăng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đây được xem là bước đi quan trọng trong nỗ lực hỗ trợ phục hồi kinh tế và thúc đẩy các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất, hạ tầng, công nghệ và tiêu dùng nội địa.

Kết quả tích cực ngay trong quý đầu năm đang tiếp thêm niềm tin cho các ngân hàng trong việc hoàn thành chỉ tiêu tín dụng cả năm.

Tín dụng tăng trưởng mạnh từ đầu năm.

Tại đại hội cổ đông mới đây, bà Ngô Thu Hà - Tổng Giám đốc SHB - cho biết, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 16% trong năm nay là hoàn toàn khả thi với đà tăng hiện tại. Để đạt được mục tiêu này, SHB đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, phát triển các gói tín dụng phù hợp từng nhóm khách hàng, đồng thời mở rộng cho vay vào các lĩnh vực được Chính phủ khuyến khích như hạ tầng, tín dụng xanh, công nghệ cao và logistics.

Ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch Hội đồng quản trị MB - trong đại hội vừa qua cho biết, ngân hàng này đã chủ động xây dựng kịch bản tăng trưởng từ sớm, với kế hoạch tín dụng năm 2025 dự kiến đạt 24-25%, dựa trên hạn mức định hướng 16% được Ngân hàng Nhà nước phân bổ từ đầu năm. Đây là mức tăng trưởng tham vọng, nhưng theo ông Thái là khả thi nhờ nền tảng công nghệ mạnh mẽ và định hướng tín dụng phù hợp với bối cảnh kinh tế.

Theo lãnh đạo MB, ngân hàng hiện có 8,5% dư nợ tín dụng xanh và đặt mục tiêu nâng tỷ lệ này lên 9,5% trong vòng ba năm tới. Ngân hàng cũng đẩy mạnh tiếp cận nhóm "người yếu thế" - gồm các cá nhân, hộ kinh doanh vùng sâu vùng xa, startup siêu nhỏ thông qua nền tảng số và ứng dụng AI như App MBBank, BIZ MBBank.

Tại đại hội cổ đông của ACB, ông Từ Tiến Phát - Tổng Giám đốc ACB - chia sẻ góc nhìn thận trọng hơn. Ông cho biết 3 tháng đầu năm ghi nhận nhiều yếu tố tích cực như GDP tăng gần 7%, lạm phát được kiểm soát, và đầu tư nước ngoài có dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, sang quý 2, thông tin Mỹ áp thuế quan đối ứng đã gây tâm lý lo ngại trên thị trường. ACB lập tức rà soát danh mục khách hàng để đánh giá ảnh hưởng. Dù vậy, ngân hàng vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 16-18% trong năm nay.

Theo ông Phát, nhóm khách hàng cá nhân nhu cầu vay vốn đang phục hồi rõ rệt nhờ thị trường bất động sản khu vực phía Nam khởi sắc trở lại. Ngoài ra, phân khúc doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) cũng cho thấy tín hiệu tăng trưởng tích cực về nhu cầu tín dụng.

Kiến nghị lãi suất thấp

Theo báo cáo mới nhất từ Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam, mặt bằng lãi suất cho vay trung bình trong toàn hệ thống tính đến tháng 5 này chỉ giảm khoảng 0,4% so với đầu năm. Thậm chí, một số ngân hàng lớn như BIDV và Agribank còn ghi nhận mức tăng nhẹ lãi suất cho vay, lần lượt khoảng 1,48% và 0,4%.

Tăng trưởng tín dụng quý I đạt 3,93%, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước, cho thấy nhu cầu vay vốn phục hồi, nhưng đi cùng đó là yêu cầu thẩm định khắt khe hơn. Mặt khác, chi phí vốn đầu vào vẫn ở mức cao do ngân hàng phải giữ mức lãi suất hấp dẫn cho khách hàng tổ chức lớn, cùng với tỷ lệ nợ xấu cao và chi phí dự phòng gia tăng, gây sức ép lên biên lợi nhuận.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, so với đỉnh năm 2023, mức lãi suất hiện nay đã giảm đáng kể, nhưng vẫn phổ biến quanh 6 - 8%/năm với vay thế chấp và 13-18%/năm với vay tiêu dùng. Mặt bằng này được coi là "vùng đệm" hợp lý, vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế, vừa đảm bảo an toàn hệ thống trong bối cảnh thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều biến số.

Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh các nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, đều bị xáo động bởi chính sách thuế quan áp dụng cho hàng nhập khẩu mà Mỹ đưa ra, các doanh nghiệp kiến nghị cần một mức lãi suất tốt hơn hiện nay.

Thông tin tại họp báo Chính phủ ngày 6/5, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước và các nhà băng đang chuẩn bị để triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng (tương đương 20 tỷ USD) cho vay lĩnh vực hạ tầng và công nghệ số. Gói tín dụng quy mô lớn này nhằm tạo nguồn lực tài chính cho các doanh nghiệp đầu tư vào dự án hạ tầng trọng điểm và công nghệ số, sản xuất thông minh.

Đặc biệt, các ngân hàng cho vay lãi suất ưu đãi dự kiến thấp hơn ít nhất 1% so với mức bình quân hiện tại (6,34% tính tới ngày 10/4), duy trì trong 2 năm để doanh nghiệp thuận lợi trong triển khai dự án.

 Tác giả: Ngọc Mai

Theo: Tiền Phong
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến