Dòng sự kiện:
Ngân hàng tung gói hỗ trợ sau đợt dịch COVID-19 thứ ba
26/02/2021 17:27:07
Làn sóng thứ 3 của đại dịch COVID-19 đang khiến cộng đồng doanh nghiệp lao đao. Trước tình hình này, những 'ông lớn' ngân hàng như: BIDV, Vietcombank, VietinBank hay Agribank đang có những giải pháp để hỗ trợ...

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN.

Giảm lãi vay để chia sẻ khó khăn

Để tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) kinh doanh xuất nhập khẩu vượt qua khó khăn, từ ngày 24/2 – 30/9, BIDV triển khai gói tín dụng ngắn hạn lãi suất ưu đãi, với quy mô 10.000 tỷ đồng. Theo đó, khách hàng vay vốn kỳ hạn đến 3 tháng, lãi suất được hưởng từ 3,8%/năm đến tối đa 5,5%/năm; kỳ hạn trên 3 tháng đến 6 tháng, lãi suất vay từ 4%/năm đến tối đa 6%/năm; kỳ hạn trên 6 tháng đến 9 tháng từ 4,5%/năm đến tối đa 6,5%/năm.

Trước đó, BIDV đã triển khai các gói tín dụng ngắn hạn và trung dài hạn ưu đãi dành cho khách hàng SME với quy mô hơn 100.000 tỷ đồng. BIDV đang đẩy mạnh hỗ trợ khách hàng SME chuyển đổi số, thuận tiện khi giao dịch trong nước và quốc tế bằng dịch vụ ngân hàng số BIDV iBank hay kết nối phần mềm kế toán ERP với hệ thống ngân hàng. 

Theo tính toán của Vietcombank, tổng khách hàng được Vietcombank giảm lãi suất kể từ ngày 22/2 – 22/5 là 105.000 khách hàng với quy mô tín dụng là 350.000 tỷ đồng, chiếm trên 40% dư nợ của Vietcombank. Cụ thể: Vietcombank giảm đồng loạt lãi suất tiền vay cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của khách hàng trong thời gian trên. 

Cụ thể: Đối với khách hàng doanh nghiệp, Vietcombank giảm tới 10% số tiền lãi phải trả ngân hàng cho các khách hàng bị ảnh hưởng tiêu cực mức độ mạnh bởi dịch COVID-19; giảm tới 5% số tiền lãi phải trả ngân hàng cho các khách hàng còn lại bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Đối với khách hàng cá nhân, ngân hàng giảm lãi suất 0,2%/năm cho các khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất kinh doanh. "Năm 2021, Vietcombank cam kết tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Mục tiêu mà ngân hàng này đặt ra trong năm nay là vừa kinh doanh hiệu quả và vừa đồng hành, chia sẻ với người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn”, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết.

Theo ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank, ngân hàng sẽ chủ động làm việc với khách hàng doanh nghiệp, người dân để đánh giá tác động của dịch bệnh, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp với từng khách hàng, nhóm khách hàng, tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh; tiếp tục hỗ trợ khách hàng như điều hành lãi suất cho vay, phí dịch vụ ở mức hợp lý để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân.

Về hoạt động tín dụng trong thời gian tới, Agribank tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp mở rộng tín dụng đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực ưu tiên; đồng thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

“Năm 2021, LienVietPostBank sẽ triển khai các gói tín dụng, sản phẩm cho vay phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh theo định hướng của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước - NHNN, góp phần tích cực vào việc ổn định kinh tế; tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động phi tín dụng. Để đón đầu xu thế trong lĩnh vực ngân hàng, LienVietPostBank tiếp tục phát triển thêm nhiều tính năng, tiện ích ưu việt trên nền tảng ngân hàng số, mang đến sự thuận tiện tối đa và trải nghiệm thú vị cho người dùng với mục tiêu đưa sản phẩm công nghệ số trở nên phổ biến, được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi trên thị trường”, ông Huỳnh Ngọc Huy, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cho biết.

Khơi thông tín dụng bất động sản

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và tại Việt Nam ảnh hưởng hầu hết tới các ngành kinh tế, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc xem xét lùi lộ trình đối với tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn là cần thiết tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng (TCTD) hỗ trợ tốt hơn cho khách hàng vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch.

Phía NHNN cũng tiếp tục áp dụng các biện pháp đồng bộ hướng tới các chuẩn mực quốc tế, trong đó tập trung vào các chỉ số an toàn, cả vi mô và vĩ mô, giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (BĐS) cũng như cá nhân vay vốn mua nhà, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường.  “Lĩnh vực BĐS tiềm ẩn rủi ro nên NHNN luôn theo dõi, kiểm soát chặt chẽ, điều hành một cách chủ động, linh hoạt để tín dụng BĐS tăng trưởng lành mạnh, bền vững”, đại diện NHNN cho biết.

"Lạm phát năm 2021 dự kiến ở mức 3,5%, lãi suất huy động tiệm cận mức thấp nhất trong lịch sử, nhưng lãi vay vẫn có thể giảm thêm do tác động của độ trễ chính sách. NHNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm chi phí đi vay để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh kinh tế phục hồi", báo cáo Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, đợt bùng phát dịch COVID-19 tại Việt Nam trong thời gian qua có thể khiến cầu tín dụng yếu đi nên lãi suất vẫn duy trì ở vùng thấp hiện tại và có thể còn giảm thêm nếu dịch bệnh phức tạp hơn.

“Định hướng của Chính phủ, NHNN tiếp tục giữ mặt bằng lãi suất ổn định, nhằm vừa ổn định vĩ mô, vừa hỗ trợ doanh nghiệp nên mặt bằng lãi suất sẽ chỉ nhích nhẹ và có thể chỉ ở từng thời điểm. Kinh tế Việt Nam năm nay được nhiều tổ chức quốc tế dự báo sẽ phục hồi nhanh, đạt được tốc độ tăng trưởng khoảng 6,7% - 6,8%. Khi đó, nhu cầu về vốn của nền kinh tế, doanh nghiệp sẽ tăng; nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ, nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng sẽ nhiều từ đó đẩy mặt bằng lãi suất tăng theo”, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết.

Tác giả: Minh Phương

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến