Dòng sự kiện:
Ngân hàng tung vốn ưu đãi, nhưng áp lực lãi suất thực vẫn cao
14/02/2023 12:30:55
Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng đã quay trở lại bình thường sau Tết, rất cần vốn, song áp lực lãi suất thực tế vẫn ở mức cao dù ngân hàng có nhiều ưu đãi.

Đưa vốn ưu đãi ra thị trường

Trong thời điểm các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng quay trở lại với guồng máy hoạt động bình thường sau Tết nguyên đán, lãi suất vay ưu đãi sẽ là cơ hội để các khách hàng tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng phục vụ cho hoạt động của mình.

Thông thường cứ dịp đầu năm là các doanh nghiệp và cá nhân đều tìm kiếm nguồn vốn để phục vụ hoạt động kinh doanh. Có người không vay được ngân hàng còn phải tìm đến các nguồn vay bên ngoài, thậm chí cả tín dụng đen với lãi suất cao chót vót.

Chị Nguyễn Ánh Loan (TP.HCM) chia sẻ, chị có một chuỗi cửa hàng tạp hóa tại thành phố Thủ Đức. Năm 2022, chị gặp khó khăn vì sức mua chậm, vay ngân hàng lại khó. Đến tận tháng giáp Tết chị mới quyết tâm đầu tư thêm và chấp nhận vay bên ngoài với lãi suất 3%/tháng, tức là tương đương đến 36%/năm để gia tăng nguồn hàng.

Năm nay ngay sau Tết, chị Loan đã mở cửa trở lại. Sức mua mới được 2 tuần, nhưng tín hiệu khá tích cực, vì thế chị đang tìm kiếm nguồn vốn ngân hàng để vay thêm 2 tỷ đầu tư luôn từ đầu năm.

“Nghe nói các ngân hàng đầu năm đều có room tín dụng cao nên việc vay vốn sẽ dễ hơn, tôi đang tìm ngân hàng để thế chấp ngôi nhà đang ở lấy tiền mở rộng kinh doanh. Vay bên ngoài lãi suất cao quá, “liều” thì vay để kinh doanh đợt Tết chứ ra Tết tôi cũng đã gom đủ để trả cho họ rồi. Hiện tại tôi đang tìm nguồn ngân hàng, lãi suất có cao đi nữa cũng chẳng bằng nửa của vay bên ngoài”, chị Loan nói.

Thực tế, mặt bằng lãi vay các ngân hàng đang trên thị trường hiện nay cho vay lãi suất phổ biến là 12-13%/năm cho các khoản vay trung, dài hạn. Mức này cao hơn khá nhiều so với cùng thời điểm năm ngoái do mặt bằng lãi suất huy động đã lên rất cao, có thời điểm tới 10,5%/năm. Hiện lãi suất huy động đã hạ nhiệt nhưng theo các nhân viên ngân hàng, lãi suất cho vay chưa thể giảm ngay.

Trước nhu cầu vốn gia tăng, một số ngân hàng đã "tung" ra gói tín dụng lãi suất ưu đãi. Đây là tín hiệu rất tích cực cho các khách hàng muốn bổ sung vốn để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nông nghiệp hoặc đầu tư trang thiết bị ngay từ quý I/2023.

Ngân hàng Bản Việt mới đây đã đưa ra chương trình cho vay với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với lãi suất cực ưu đãi chỉ từ 10,5%/năm.

Theo đó, chương trình vay “Vay vốn ưu đãi, kinh doanh siêu lãi” mang đến gói vay với hạn mức 1.000 tỷ đồng, lãi suất chỉ 10,5%/năm dành cho khách hàng vay vốn từ ngày 01/2/2023 đến 30/4/2023 (hoặc đến khi chương trình hết hạn mức).

Mức lãi suất ưu đãi này được áp dụng tối đa 03 tháng tính từ thời điểm giải ngân. Có thể nói đây là mức lãi suất vay khá cạnh tranh trên thị trường hiện tại, không chỉ đối với các ngân hàng có cùng quy mô tương ứng.

Khách hàng có nhu cầu bổ sung vốn ngắn hạn hoặc trung dài hạn cho sản xuất kinh doanh, sản xuất nông nghiệp, đầu tư trang thiết bị máy móc, hay những khách hàng cần vốn để phục vụ đời sống tiêu dùng của cá nhân như nhận chuyển nhượng nhà đất để ở, xây mới hoặc sửa nhà, chung cư để ở, mua sắm tiêu dùng…đều được áp dụng mức lãi suất ưu đãi từ gói vay 1.000 tỷ đồng trên.

Ông Ngô Minh Sang, Giám đốc khối Khách hàng cá nhân Ngân hàng Bản Việt chia sẻ: "Việc bổ sung vốn đúng thời điểm, kịp thời cho khách hàng sẽ là cơ hội tốt để khách hàng hoàn thành những dự định về kinh doanh cũng như dự định cá nhân ngay trong quý I và cả năm 2023".

Quả thực, lãi vay cao đang là mối lo của các doanh nghiệp và cá nhân có nhu cầu vốn trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Vì thế, MBBank vừa giảm lãi suất vay tới 1%/năm để hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp có doanh thu dưới 100 tỷ đồng.

Khách hàng có thể thực hiện đăng ký vay vốn bằng tính năng Giải ngân online ngay trên nền tảng BIZ MBBank để được hưởng lãi suất ưu đãi giảm đến 1%/ năm.

Hay tại Sacombank, từ nay đến hết ngày 30/6/2023 triển khai chương trình cho vay mua ô tô với lãi suất ưu đãi chỉ từ 8,5%/năm dành cho nhiều khách hàng.

Khách hàng cá nhân có thể vay đến 100% giá trị xe và thời gian vay kéo dài đến 10 năm. Cụ thể, Sacombank hỗ trợ lãi suất cố định chỉ từ 8,5%/năm, đây là mức lãi suất thấp và cạnh tranh nhất trên thị trường hiện nay.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), lượng xe bán ra trong năm 2022 đạt 509.141 chiếc, một dấu mốc mới của nền công nghiệp xe hơi Việt Nam sau 30 năm phát triển. Với doanh số bán xe đạt mức kỷ lục trong năm 2022 được nhận định trở thành bước đệm cho năm 2023. Việc giảm lãi suất trên đáp ứng nhu cầu sở hữu ô tô của người dân ngày một gia tăng.

Trước đó, từ cuối năm 2022, 16 ngân hàng thưng mại cam kết giảm tiền lãi với số tiền là 3.312 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và người dân, với mức lãi suất giảm từ 0,5% - 3%/năm. Thế nhưng, với mặt bằng lãi suất cho vay bình quân ở mức 12 - 15%/năm khiến khách hàng, nhất là đối với cá nhân có nhu cầu vay tiêu dùng, mua nhà, kinh doanh nhỏ, lẻ ngao ngán.

Áp lực lãi suất thực vẫn cao

Anh Nguyễn Văn Công (TP.HCM) cho biết, có ý định định mua xe ô tô để tranh thủ chạy xe công nghệ kiếm thêm thu nhập, nhưng do khả năng tài chính chưa đủ nên tìm đến ngân hàng để nhờ hỗ trợ khoảng 70% giá trị xe gần 800 triệu đồng thì được nhân viên tín dụng tư vấn, lãi suất vay trong năm đầu tiên là 13%/năm, lãi suất sau 1 năm lên 15%/năm, trả góp năm đầu 10-15 triệu đồng/tháng.

Thực tế hiện nay cũng cho thấy, mặt bằng lãi suất cho vay đã tăng lên mức cao ở nhiều ngân hàng, trong đó có cả những khoản vay cũ cũng được nhà băng điều chỉnh tăng lãi suất sau khi chi phí đầu vào tăng theo lãi suất huy động kể từ tháng 10/2022 đến nay.

Hiện xu hướng lãi suất tiền gửi bắt đầu có dấu hiệu giảm nhiệt, nhưng chỉ ở mức độ nhẹ và các nhận định đưa ra, phải đến đầu quý III/2023, lãi suất tiền gửi mới có thể giảm dần sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giãn lộ trình tăng lãi suất USD.

Trong khi đó, lãi suất cho vay thường có độ trễ so với lãi suất đầu vào, do đó trước mắt khách hàng khó có thể kỳ vọng lãi vay giảm và nguồn vốn giá rẻ khó có thể được ngân hàng áp dụng mức lãi suất ưu đãi phổ biến trong bối cảnh hiện nay.

TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, với mức lãi suất cho vay hiện nay quanh 15%/năm thì dù hạn mức tín dụng được tăng trưởng ở mức cao hơn năm trước khách hàng cũng sẽ khó có thể tiếp cận được dòng vốn này.

Điều này sẽ tác động đến tăng trưởng của nền kinh tế khi nguồn vốn dành cho thị trường hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng, trong khi các kênh dẫn vốn khác như trái phiếu, cổ phiếu đang gặp nhiều khó khăn.

Còn đối với những khách hàng chấp nhận vay vốn NH với lãi suất quanh 15%/năm chủ yếu chỉ giải quyết vấn đề thanh khoản chứ mức lãi này chưa khuyến khích vay tiêu dùng, còn sản xuất kinh doanh, đầu tư thì không thể.

Chứng khoán SSI nhận định, lãi suất huy động tại một số ngân hàng tăng mạnh từ tháng 10/2022 lên khoảng 9 - 10%/năm, kéo theo lãi suất cho vay cũng tăng mạnh lên khoảng 14 - 15%/năm đối với cho vay cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Lãi suất cho vay cao đã phần nào tác động tiêu cực đến nhu cầu vay mới trong giai đoạn cuối năm qua.

Thế nhưng, SSI cũng cho rằng chỉ khi các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kết thúc thì lãi suất tiền đồng trong nước mới có thể hạ nhiệt, có thể là trong nửa cuối năm 2023.

Trong khi đó, lạm phát Việt Nam năm 2022 được kiểm soát ở mức 3,15%, định hướng năm 2023 dưới 4,5%. Còn lãi suất tiết kiệm tăng từ 9,5 - 13%/năm kể từ tháng 10/2022 và duy trì mức tối đa 9,5%/năm hiện nay. Vì vậy, giới phân tích nhận định, lãi suất huy động vốn của các nhà băng cao gấp đôi, gấp ba so với lạm phát.

Điều này đẩy lãi vay đối với khách hàng lên 12 - 15%/năm, thậm chí cao hơn khiến người cần vốn khó có thể chống chịu nổi khi chi phí lãi vay quá cao hay nói cách khách là lãi suất thực của Việt Nam hiện nay cao hơn nhiều so với quốc tế.

Tổng thư ký Hiệp hội Hiệp hội ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho hay, bản thân ngân hàng cũng muốn giảm lãi suất cho vay để không bị ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng khiến nợ xấu gia tăng, đòi hỏi trích dự phòng lớn.

Thế nhưng, có một thực tế hiện nay là giảm được lãi vay hay không còn phụ thuộc vào lãi suất huy động. Còn mức lãi suất huy động dù đang ở mức 9,5%/năm, nhưng các ngân hàng cũng khó khăn trong việc thu hút vốn.

Hơn nữa, trong bối cảnh các nước trên thế giới tăng lãi suất, chẳng hạn mới đây Mỹ mới tăng lãi suất thêm 0,25%/năm và sẽ còn tiếp tục tăng mà Việt Nam đi ngược lại, giảm lãi suất là bài toán khó cho hệ thống ngân hàng

Đầu tháng 2/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tăng thanh khoản cho hệ thống ngân hàng bên cạnh việc hút ròng. Thanh khoản thị trường bớt căng, room tín dụng đã mở ra với định hướng 14 - 15% trong năm nay và sẽ có điều chỉnh phù hợp tình hình thực tế.

Tuy nhiên, vấn đề hiện tại là lãi suất cho vay vẫn quá cao, làm ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh doanh và sản xuất của các doanh nghiệp. Theo các chuyên gia, tình trạng này nếu tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Tác giả: Vân Linh

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến