Fintech đã trở thành đại diện cho một cuộc cách mạng số làm thay đổi hoàn toàn phương thức kinh doanh của ngành ngân hàng. Từ đó đến nay, mối quan hệ giữa ngân hàng và các công ty Fintech đã có những chuyển biến nhanh chóng đáng kinh ngạc.
Ở Việt Nam, các công ty Fintech được cấp phép chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thanh toán
Fintech - đối thủ đáng gờm của ngân hàng
Fintech được sử dụng chung cho tất cả các công ty sử dụng Internet, điện thoại di động, công nghệ điện toán đám mây và các phần mềm mã nguồn mở nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của hoạt động ngân hàng và đầu tư. Khi mới ra đời, các công ty Fintech thường không được khối ngân hàng coi trọng. Tuy nhiên, với việc tạo ra những thay đổi chóng mặt trên thị trường tài chính toàn cầu, các công ty Fintech đã được xem là đối thủ đáng gờm của các tổ chức tín dụng.
Tháng 3/2016, PwC công bố kết quả khảo sát cho thấy, 83% các doanh nghiệp dịch vụ tài chính truyền thống cho rằng một phần trong hoạt động kinh doanh của họ có nguy cơ rơi vào tay các công ty Fintech độc lập, riêng trong lĩnh vực ngân hàng thì tỷ lệ này lên tới 95%. Ở chiều ngược lại, bản thân các công ty Fintech cho rằng họ có thể giành được 33% hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tài chính - ngân hàng truyền thống.
Theo khảo sát được công bố năm 2017 của Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng (BCBS), các công ty Fintech đã tham gia vào hầu hết các dịch vụ của ngân hàng từ tín dụng, huy động đến thanh toán và quản lý đầu tư. Cụ thể, có khoảng 41% các doanh nghiệp Fintech cung cấp các dịch vụ liên quan đến thanh toán, lưu ký bảo lãnh; 27% các dịch vụ bổ trợ trong dịch vụ tài chính; 18% trong cho vay, tiền gửi và huy động vốn; 9% là dịch vụ quản lý đầu tư và 5% là các dịch vụ khác.
Tại châu Âu, 8 ngân hàng hàng đầu đã sa thải khoảng 100 nghìn nhân viên vào đầu năm 2016 sau khi triển khai ứng dụng Fintech. Cùng với đó, các ngân hàng như Barclays, Credit Suisse, Deutsche Bank và Standard Chartered đã mất khoảng 420 tỷ USD giá trị thị trường bởi sự lên ngôi của Fintech.
Ở Việt Nam, việc sử dụng các loại ví điện tử (Momo, Ví Việt…) hay các cổng thanh toán trực tuyến (Payoo.vn, OnePay, Baokim.vn…) giúp việc thanh toán diễn ra thuận tiện. Các công cụ này được tích hợp kèm với nhiều dịch vụ như nộp tiền điện thoại, thanh toán hoá đơn, nhắc nợ thanh toán định kỳ, quản lý tài chính cá nhân… giúp nó trở thành một "trợ lý tài chính" đắc lực cho người dùng. Hơn nữa, thay vì sử dụng dịch vụ truyền thống của một ngân hàng, ứng dụng Fintech mang lại cơ hội trải nghiệm kết hợp những ưu điểm của nhiều tổ chức tài chính khác nhau.
Hợp tác là xu thế tất yếu
Tháng 5/2018, Công ty Tư vấn Solidiance công bố báo cáo “Unlocking Vietnam's Fintech Growth Potential” (giải phóng tiềm năng tăng trưởng của Fintech tại Việt Nam).
Solidiance cho biết, thị trường Fintech của Việt Nam cán mốc 4,4 tỷ USD vào năm 2017, và sẽ tăng lên mức 7,8 tỷ USD vào năm 2020. Báo cáo này cũng ghi nhận điểm cộng cho một số yếu tố bao gồm tỷ lệ người sử dụng Internet và smartphone lớn tại các đô thị, các loại ví điện tử ngày càng phổ biến, thu nhập và tiêu dùng gia tăng và thương mại điện tử phát triển. Những con số đã cho thấy sự phát triển hết sức nhanh chóng của thị trường Fintech tại Việt Nam.
Theo ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước, hiện nay trên cả nước có khoảng 88 công ty Fintech, trong đó Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép 27 công ty Fintech chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thanh toán. Ông Hòe khẳng định: “Tại Việt Nam, việc ngân hàng truyền thống bắt tay với công ty Fintech để cùng nắm bắt cơ hội và phát triển là xu hướng tất yếu".
Theo giới chuyên gia, các công ty Fintech có ưu thế về công nghệ, mô hình kinh doanh sáng tạo nhưng lại ít kinh nghiệm trong hoạt động tài chính - ngân hàng. Hệ thống kiểm soát, tuân thủ nội bộ chưa đầy đủ. Mạng lưới tiếp cận khách hàng còn nhiều hạn chế… Trong khi đó, các ngân hàng truyền thống lại có thế mạnh về mạng lưới khách hàng, nguồn nhân lực, bộ máy kiểm soát tuân thủ pháp lý chắc chắn hơn. Chính vì vậy, cái bắt tay giữa ngân hàng và Fintech sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp cho thị trường dịch vụ ngân hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Việc nắm bắt được những tác động của Fintech đối với hoạt động ngân hàng sẽ là tiền đề quan trọng giúp các nhà hoạch định chính sách, các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực ngân hàng và Fintech kiến tạo nên một thị trường tài chính phát triển lành mạnh, an toàn và hiệu quả trong tương lai.
Về phía các cơ quan quản lý, với mục tiêu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cũng như tạo một hệ sinh thái lành mạnh cho các công ty Fintech, năm 2017, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về lĩnh vực công nghệ tài chính. Động thái này được Solidiance đánh giá là một bước đi quan trọng và minh chứng cho cách tiếp cận nghiêm túc của Chính phủ trong việc phát triển một khuôn khổ hướng cho ngành Fintech phát triển. Công ty tư vấn này cho rằng, nếu Chính phủ thành công trong kế hoạch đạt 70% dân số trên độ tuổi lao động có tài khoản ngân hàng trong vòng hai năm tới, thì cũng sẽ đồng thời thúc đẩy thị trường Fintech, nơi mà các startup đã tạo ra sẵn những giải pháp như dịch vụ ngân hàng phong cách sống hay ví điện tử và các giải pháp thanh toán số.
Đánh giá về triển vọng của Fintech tại Việt Nam, đại diện Solidiance cho biết, Việt Nam sẽ nổi lên như người dẫn đầu trong khu vực về phát triển giải pháp đổi mới Fintech nhờ lượng dân số trẻ đông đảo, luôn cởi mở với công nghệ, sôi động và sẵn sàng đón nhận cái mới. Còn theo một số chuyên gia, 5 - 10 năm tới sẽ là giai đoạn bùng nổ của Fintech và nếu các ngân hàng không biết tận dụng Fintech như là “lối thoát hiểm” thì sẽ không được hưởng giá trị gia tăng.
Theo báo cáo 2018 Digital Yearbook công bố tháng 1/2018, với tổng số dân là 96,02 triệu người, tại Việt Nam đang có 64 triệu người dùng Internet, chiếm 67% dân số và tăng 28% so với tháng 1/2017. Có 55 triệu người dùng tích cực (Active Users) trên truyền thông xã hội (Social Media), chiếm 57% dân số và tăng 20% so với tháng 1/2017. 94% người sử dụng Internet hằng ngày và thời gian trung bình sử dụng Internet trên tất cả các thiết bị là 6 giờ 52 phút mỗi ngày. |
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy