Dòng sự kiện:
Ngân hàng vẫn chật vật với nợ xấu
25/05/2021 10:21:50
Theo đánh giá của các chuyên gia, tác động của đợt Covid-19 mới, nợ xấu có thể trở nên đáng quan ngại hơn. Những thống kê về nợ xấu vẫn luôn ám ảnh với các ngân hàng.

Ảnh minh họa.

Hơn 93.000 tỷ đồng nợ xấu

Thống kê tổng nợ xấu của 30 ngân hàng đến hết ngày 31/3 lên đến hơn 93.000 tỷ đồng (chưa bao gồm nợ bán cho Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng VAMC), tương ứng mức tăng 5,3% so với cuối năm 2020.

Cụ thể, BIDV dẫn đầu với 21.700 tỷ đồng. Tiếp theo là VietinBank với 10.400 tỷ đồng và 8.900 tỷ đồng là nợ xấu ghi nhận tại VPBank. Vietcombank đứng vị trí thứ 4 với gần 7.700 tỷ nợ xấu. SHB ghi nhận 5.865 tỷ đồng và đứng ở vị trí thứ 5. Sacombank cũng đang có 5.292 tỷ đồng nợ xấu, MB là 4.185 tỷ đồng, VIB là 3.065 tỷ đồng, ACB là 2.954 tỷ đồng, và HDBank 2.835 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, trong nhóm 10 ngân hàng có nợ xấu cao nhất trong hệ thống hiện nay, nợ xấu của ACB tăng mạnh nhất lên đến 60,5%, tiếp đó là Vietcombank tăng 47,2%, MB tăng 28,8%, HDBank tăng 20,3%, NamABank tăng 19,2%...

Đáng nói, những con số nợ xấu nêu trên tại các ngân hàng chưa bao gồm các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Trong khi đó theo thống kê đến đầu tháng 4/2021, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 262.000 khách hàng với dư nợ khoảng 357 nghìn tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa những khoản nợ này không bị chuyển xuống nhóm nợ xấu theo như quy định.

Nợ xấu nhìn chung vẫn là một gánh nặng, thậm chí là mối lo của ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã cảnh báo qua công tác theo dõi, giám sát tình hình hoạt động của năm 2020, NHNN nhận thấy nợ xấu nội bảng các ngân hàng có xu hướng tăng.

Trong báo cáo vừa đưa ra, Phòng nghiên cứu Global Research của HSBC cũng nhận định, đã đến lúc cần đánh giá lại sức khoẻ của ngành ngân hàng Việt Nam. Theo nhóm nghiên cứu của HSBC cho rằng rủi ro nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam đang gia tăng. Tính cả các “khoản cho vay bị suy giảm giá trị”, nợ xấu ước tính tăng từ dưới 5% vào năm 2019 lên 7% năm 2020.

Theo đánh giá của các chuyên gia, tác động của đợt Covid-19 mới, nợ xấu có thể trở nên đáng quan ngại hơn. Các chuyên gia cho rằng sang quý II/2021 nợ xấu tiếp tục tăng tại một số ngân hàng.

Khó tìm người mua

Tại bản công bố thông tin của VAMC không ít khoản nợ xấu được rao bán liên tục nhưng vẫn chưa tìm được chủ mới.

Chẳng hạn VAMC thông báo đấu giá tài sản đảm bảo khoản nợ của công ty Thân Hồng Thanh Giang đến lần thứ 8, đấu giá khoản nợ nhóm khách hàng Công ty CPTM và Đầu tư Hồng Hà lần thứ 4 nhưng vẫn không có người mua.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng đánh giá, nền kinh tế chưa thực sự hồi phục, tác động của dịch Covid-19 vẫn còn và dịch chưa biết khi nào mới chấm dứt. Vì vậy, việc bán nợ xấu không dễ. Các tài sản giá trị thấp, ở mức khoảng vài tỷ đồng thì thanh khoản tương đối cao. Thế nhưng, những tài sản giá trị lớn hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng không dễ gì rao bán thành công, và thường phải mất nhiều lần rao rồi hạ giá mới thanh lý được.

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - TS Nguyễn Quốc Hùng cho biết, các tổ chức tín dụng đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc trong xử lý nợ xấu, đặc biệt liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm tại tòa và thi hành án.

Hiện nay, NHNN đang xây dựng Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, NHNN nên hướng về quan điểm tái cấu trúc: chất lượng tài sản là quan trọng nhất, chứ không phải là quy mô. Đây cũng là lý do nhiều quốc gia đang nhắm tới xu hướng phát triển các ngân hàng nhỏ nhưng chất lượng, gắn với hoạt động cho vay dân chúng, cho vay doanh nghiệp, chứ không phải các ngân hàng thiên về đầu tư, dựa quá nhiều vào các doanh nghiệp lớn.

Ngoài ra, để giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng, cơ quan quản lý cũng phải nâng dần chuẩn quản trị rủi ro với ngân hàng, yêu cầu các ngân hàng minh bạch về quản trị, nâng cao tính độc lập của ban điều hành.

Tác giả: H.Hương

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến