Dòng sự kiện:
Ngân hàng Việt đẩy mạnh số hoá, thúc đẩy tài chính toàn diện
01/06/2019 10:01:45
Tại sự kiện Banking Vietnam 2019 vừa qua, các chuyên gia và nhà quản lý đã thảo luận để cùng hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường kết nối nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Phát triển vượt bậc dịch vụ thanh toán điện tử

Theo Phó Thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, sự phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong những năm gần đây đã tạo điều kiện cho ngày càng nhiều khách hàng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, thông qua đó, gia tăng sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng, đặc biệt là các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần quan trọng trong việc giảm sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế. 

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu tại Hội thảo.

Theo NHNN, năm 2018 đánh dấu một năm thành công vượt bậc trong phát triển thanh toán điện tử của Việt Nam khi thanh toán Internet, thanh toán di động đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng về giá trị giao dịch, tương ứng tăng 19,5% và 169,5% so với năm 2017. Hãng kiểm toán PwC cũng đã xếp Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018.

Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán – NHNN cho biết, cơ sở hạ tầng phục vụ cho thanh toán không dùng tiền mặt cũng tăng trưởng ấn tượng. Tính đến hết năm 2018, số lượng thẻ đạt 147,3 triệu thẻ. Máy ATM, POS đạt lần lượt 18.587 và 243.123 máy.

Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng, tổ chức tiền gửi thanh toán tại Việt Nam đã ứng dụng các giải pháp, công nghệ tiên tiến nhằm giảm chi phí, tăng tốc độ thanh toán, tăng cường an toàn, bảo mật cho sản phẩm, dịch vụ, gia tăng trải nghiệm khách hàng như xác thực sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt...); thanh toán trên nền mã phản hồi nhanh (QR Code); thanh toán an toàn, thuận tiện qua mã hóa thông tin thẻ (Tokenization); thanh toán phi tiếp xúc (contactless payment) tốc độ và tiện lợi...

Toàn cảnh Hội thảo. 

Việc thanh toán bằng QR code hay còn gọi là một chạm, được các tổ chức quan tâm để thúc đẩy thanh toán qua điện thoại di động. Đến nay, đã có 16 ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán này, toàn thị trường có 30.000 điểm chấp nhận thanh toán QR code.

Giao dịch qua ATM trong quý I/2019 đạt 232,8 triệu giao dịch với giá trị 676.550 tỷ đồng, tăng khoảng 13% so với cùng kỳ năm ngoài. Giao dịch qua POS cũng tăng trưởng ấn tượng hơn 50% so với quý I năm ngoái, đạt 55,8 triệu giao dịch với 132.922 tỷ đồng.

Dư địa còn nhiều, cần cải thiện kết nối đồng bộ

Tuy nhiên, ông Nghiêm Thanh Sơn cho rằng việc thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn những  hạn chế như hạ tầng cơ sở kỹ thuật phục vụ cho hoạt động thanh toán điện tử chưa đồng bộ, mới tập trung ở các thành phố, đô thị, chưa đủ trang bị các thiết bị ở nông thôn, miền núi. Các phương tiện, dịch vụ thanh toán điện tử mới chưa được triển khai trên diện rộng để đáp ứng nhu cầu tại các vùng miền khác nhau.

“Người dân phần lớn vẫn sử dụng tiền mặt. Tâm lý e dè, ngại tìm hiểu, sợ rủi ro đã ngăn cản việc tiếp cận của người tiêu dùng với các hình thức thanh toán điện tử”, ông Nghiêm Thanh Sơn nói.

Các chuyên gia cho rằng, để tận dụng cơ hội và vượt qua những thách thức đối với thúc đẩy tài chính toàn diện trong xu hướng phát triển của hệ sinh thái thanh toán số, vai trò của Chính phủ là vô cùng quan trọng, đặc biệt trong thiết lập khuôn khổ pháp lý và thúc đẩy người dùng, đơn vị tham gia trực tiếp trong chu trình thanh toán số.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh phân tích, để thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, bên cạnh nhiều trụ cột khác, thanh toán điện tử sẽ là một trong những trụ cột quan trọng đóng góp vào triển khai thành công chiến lược này.

Việc thực hiện trụ cột thanh toán điện tử tại Việt Nam hiện cũng đã đạt được một số kết quả nổi bật. Hạ tầng thanh toán quốc gia đáp ứng tốt các yêu cầu phát triển của nền kinh tế với giá trị xử lý trong năm 2018 gấp 13 lần GDP, hạ tầng thanh toán bán lẻ được kết nối liên thông với các ngân hàng, hỗ trợ đắc lực cho các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như: thương mại, giao thông, dịch vụ công...

Ông Nguyễn Kim Anh lưu ý các ngân hàng cần chú ý xu hướng số hóa dịch vụ ngân hàng, lấy khách hàng làm trung tâm để khách hàng có thể tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng liên tục, mọi lúc, mọi nơi trên nhiều loại thiết bị di động.

“Các ngân hàng, tổ chức tiền gửi thanh toán phải đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ 4.0 nhằm cung cấp nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng mới; cung cấp các sản phẩm, dịch vụ an toàn, tiện lợi, cá nhân hóa với giá cả hợp lý; bảo vệ bí mật khách hàng, ngăn ngừa tấn công mạng”, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh.

Dưới góc độ ngân hàng thương mại, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank Phùng Nguyễn Hải Yến  cho rằng, việc các công ty viễn thông tham gia vào thanh toán là xu thế tất yếu vì mạng lưới thông tin của các đơn vị này khá rộng và đầy đủ, do đó, các ngân hàng cũng muốn hợp tác, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện cho người dân, cung cấp dịch vụ tài chính như thanh toán tiền điện, nước, hay phức tạp hơn là đầu tư tài chính…

Tuy nhiên, cần khắc phục tỉ lệ dùng tài khoản của người trưởng thành tại Việt Nam ở đô thị khá thấp, chỉ chiếm 31%, còn ở nông thôn chỉ khoảng 25%. Người dân, đặc biệt là vùng sâu vùng xa tiếp cận dịch vụ tài chính còn hạn chế, đáng chú ý là thói quen dùng tiền mặt diễn vẫn còn thường xuyên với tỉ lệ 90%.

Lãnh đạo NHNN thăm các gian hàng triển lãm trong khuôn khổ sự kiện Banking Vietnam 2019. Ảnh: VGP/Huy Thắng.

 

Còn ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho rằng, khó khăn hiện nay là sự kết nối ba bên và trao đổi hợp tác giữa ngân hàng – nhà cung cấp dịch vụ - khách hàng.

“Đơn cử, nếu ngân hàng muốn thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân khi trả tiền điện thì ngân hàng phải kết hợp được với ngành điện, kết nối hệ thống dữ liệu tích hợp”, ông Nguyễn Đình Thắng dẫn chứng.

Đại diện LienVietPostBank đề nghị cần sớm có chính sách phát triển hệ thống đại lý 24/7 để bất cứ thời điểm nào, kể cả nửa đêm khách hàng vẫn nạp được tiền. NHNN cần cho phép các ngân hàng tự chọn và tự xét duyệt các đại lý hỗ trợ nạp tiền mặt vào ngân hàng số, ví điện tử và được nhận một khoản phí. Khi cần, khách hàng vẫn có thể được phép rút tiền ra. 

Theo báo Chính Phủ

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến