Dòng sự kiện:
Ngân hàng Việt liên tục được nâng tín nhiệm: Chuyên gia nói gì?
09/05/2019 10:37:11
Từ đợt bất ổn lớn năm 2012 cho đến nay, có thể nói ngành ngân hàng vẫn đang trên đà hồi phục và được nâng hạng tín nhiệm dần lên. Đây là sự nỗ lực rất lớn của từng cá thể ngân hàng và toàn hệ thống.

Trong bối cảnh chính sách điều hành tiền tệ của Ngân hàng nhà nước (NHNN) được đánh giá là thành công ngoài mong đợi, đặc biệt trong đợt biến động của thị trường tài chính tiền tệ thế giới vừa qua. Điều này không chỉ đóng góp tích cực vào mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ mà còn làm tăng niềm tin của doanh nghiệp đối với ngành ngân hàng (NH).

Những năm gần đây các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới đều có đánh giá tích cực cũng như nâng hạng tín nhiệm cho Việt Nam và hệ thống ngân hàng. Việc các ngân hàng liên tục được nâng hạng tín nhiệm quốc tế đánh giá có ý nghĩa quan trọng cải thiện tích cực niềm tin của các nhà đầu tư đối với hoạt động của hệ thống ngân hàng. Đây là những điểm cộng rất lớn cho các TCTD Việt Nam.

Chuyên gia Kinh tế BIDV - TS. Cấn Văn Lực chia sẻ rằng, bức tranh vĩ mô từ năm ngoái tới nay các tổ chức quốc tế đều nâng hạng Việt Nam và họ có 5 tiêu chí để xem xét: tăng trưởng kinh tế; tăng thu nhập bình quân đầu người; thể chế; hệ thống tài chính NH; một số yếu tố khác như chính trị, độ mở kinh tế, sức chống chọi với cú sốc bên ngoài.

Chuyên gia Kinh tế BIDV - TS. Cấn Văn Lực

Chúng ta đạt được 4 điểm tốt và S&P đã nâng hạng: Kinh tế năm ngoái và nay tăng trưởng tốt, dự kiến khoảng 6,7% trong năm nay; thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 6%, cao hơn so với những nước đang xếp hạng tương tự chúng ta. Về tài khoá và tiền tệ đã có tiến triển, nợ công, nợ nước ngoài trong tầm kiểm soát.

Về hệ thống NH, đểm sáng là chính sách tỉ giá tương đối ổn định trong 3 năm qua và năm nay, dự trữ ngoại hối tăng tích cực trong thời gian qua, nâng cao uy tín của đồng nội tệ. Ngoài ra, cán cân vãng lai tốt, thu hút FDI liên tục.

Tuy nhiên, thể chế có nhiều cải tiến nhưng còn nhiều rào cản, đặc biệt là thuế, hải quan và thủ tục phá sản. Hệ thống tài khoá nợ nước ngoài kiểm soát nhưng vẫn còn cao so với quy mô nền kinh tế và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Với hệ thống ngân hàng, nợ xấu của chúng ta tích cực, nhưng vẫn còn cao, dù có Nghị quyết 42 nhưng vẫn còn vướng mắc. Hơn nữa, an toàn vốn cũng là vấn đề. Vốn của chúng ta tăng trưởng không tương ứng với nền kinh tế, do đó, cần quan tâm tăng vốn cho NH thương mại.

Nếu giải quyết điểm nghẽn đó có thể nâng hạng nền kinh tế và hệ thống ngân hàng trong thời gian tới.

Tất nhiên, ngân hàng không thể được xếp hạng tín nhiệm cao hơn tín nhiệm quốc gia, nhưng theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, “sức khoẻ” của các ngân hàng là căn cứ rất quan trọng để các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế quyết định nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

Một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng cho hay, những ngân hàng được thăng hạng đều có sự ổn định khá vững chắc về các chỉ tiêu an toàn thanh khoản, tỷ lệ khả năng chi trả tức thời và đều là những ngân hàng hoạt động hiệu quả trên thị trường liên ngân hàng và thị trường trái phiếu Chính phủ… góp phần vào sự ổn định về thanh khoản của toàn hệ thống trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô trong những năm gần đây.

Theo các chuyên gia, để tiếp tục thăng hạng các ngân hàng cần tiếp tục nâng cao năng lực tài chính. Đây là vấn đề rất quan trọng tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động ngân hàng có thể dễ dàng xoay xở khi thị trường có biến động.

Được biết,  một số ngân hàng đã có chiến lược phát triển riêng trong 10 năm tới. Vietcombank với mục tiêu trở thành ngân hàng số 1 Việt Nam. Vietinbank nhắm tới chuyển dịch cơ cấu khách hàng, tự động hóa dịch vụ… MB với tầm nhìn trở thành “ngân hàng thuận tiện nhất”. Techcombank tập trung vào các khoản thu nhập ngoài lãi, chú trọng khách hàng cá nhân trong hoạt động tín dụng…

Đến cuối tháng 4/2019 đã có bảy ngân hàng được phép áp dụng trước thời hạn các quy định về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN (được xây dựng dựa theo Basel II), đó là Vietcombank, VIB, OCB, MB, ACB, VPBank và TPBank. Kể từ đây, khả năng chịu đựng rủi ro, an toàn hoạt động của các ngân hàng này bước sang một trang mới theo sát thông lệ quốc tế.

Trong môi trường đầy biến động, kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, tạo thách thức đối với việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ.Bối cảnh diễn biến khó lường của kinh tế thế giới cùng những thuận lợi, thách thức đan xen của kinh tế trong nước, các ngân hàng cần triển khai đồng bộ các giải pháp về tài chính, quản trị và công nghệ. Những sáng kiến “thay đổi ngân hàng” cần là trọng tâm của các ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới.

Dưới góc độ nhìn nhận của một Ngân hàng nước ngoài, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC đánh giá, ngân hàng Việt may mắn vì đang ở trong tiềm năng thị trường tốt. Nhiều ngân hàng nước ngoài đang xếp hàng xin phép mở chi nhánh thâm nhập vào Việt Nam.

Để có những ngân hàng có quy mô trong khu vực không nhiều. Các NH đang có khăn trong định vị và có quy mô khác nhau, hiện chủ yếu theo chiến lược cạnh tranh về giá chứ không theo sự khác biệt. HSBC đã bán một số mảng và tập trung vào một số mảng. Các ngân hàng cần tìm mảng cạnh tranh thế mạnh để tạo sự khác biệt. Nếu không nhìn nhận thực tế vấn đề của các ngân hàng sẽ khó phát triển. Cần đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ. Chứ dựa trên các sản phẩm hiện nay thì khó. Cần số hóa ngân hàng để thay.

Ông Hải cũng lưu ý thêm, độ mở của nền kinh tế Việt Nam lớn. Bất kì diễn biến nào của nền kinh tế thế giới cũng tác động đến Việt Nam. Hiện sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam đã tốt hơn trước. Tuy nhiên nếu có chiến tranh thương mại thế giới xảy ra thì dư địa của chúng ta không được tốt, cần có sự chuẩn bị. Và ngành ngân hàng cũng phải có sự đi trước đón đầu.

Hoàng Dung
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến