Dòng sự kiện:
Ngân hàng Việt: Sinh lời cao hơn không đồng nghĩa bảo toàn vốn tốt
03/01/2019 12:00:10
Ngành ngân hàng đã khép lại một năm 2018 với con số tăng trưởng lợi nhuận khá ấn tượng.

2018, lợi nhuận toàn ngành tăng trưởng tới 40%

Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính năm 2018 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) vừa công bố cho biết, tổng lợi nhuận sau thuế của các định chế tài chính ước tăng 33% so với năm 2017.

Trong đó, lợi nhuận của các tổ chức tín dụng ước tăng 40%; lợi nhuận các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ tăng 18,1%. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của hệ thống tổ chức tín dụng nhanh hơn so với đà tăng của tổng tài sản hệ thống tổ chức tín dụng (khoảng 11,5% so với cuối năm 2017).

Tổng tín dụng ước tăng khoảng 14 - 15% trong năm 2018 (năm 2017 tăng 17,6%). Ðây là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, nhưng phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Theo các tổ chức tín dụng báo cáo, dư nợ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 16,6% tổng tín dụng của toàn hệ thống; dư nợ cho vay phục vụ đời sống chiếm 18,8% tổng dư nợ của hệ thống tổ chức tín dụng.

Báo cáo từ các tổ chức tín dụng cũng cho thấy, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2018 giảm nhẹ so với cuối năm 2017, bình quân toàn ngành ở mức 2,4% (cuối năm 2017 là 2,5%). Dự phòng rủi ro tín dụng tăng khoảng 30,1% so với cuối năm 2017.

Tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng so với nợ xấu báo cáo cải thiện lên mức 78,2% (năm 2017: 65,4%). Bên cạnh đó, giá trị xử lý nợ xấu năm 2018 tăng khoảng 30% so với năm 2017 (không bao gồm nợ bán cho VAMC). Trong đó, sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng chiếm 59,8%; thu nợ từ khách hàng chiếm 33,2%; bán phát mại tài sản chiếm 3%, còn lại bằng các hình thức khác.

 

“Một số ngân hàng thương mại đã tất toán toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC hoặc chủ động mua lại các khoản nợ đã bán cho VAMC để tự xử lý. Sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu, hệ thống tổ chức tín dụng xử lý được khoảng 30% nợ xấu xác định tại thời điểm 15/8/2017”, ông Nguyễn Văn Thùy, Phó trưởng ban Ban Nghiên cứu và điều phối chính sách giám sát, NFSC nhận định. 

… Nhưng an toàn vốn vẫn đáng quan ngại?

Nhận định về tình hình tài chính của ngành ngân hàng, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng, khả năng sinh lời và chất lượng tài sản đã được cải thiện rất nhiều trong năm 2018, tuy nhiên, an toàn vốn vẫn là một vấn đề đáng quan ngại.

Theo ông Hải, tỷ lệ nợ xấu giảm qua hàng năm kể từ mức đỉnh trong năm 2012. Tuy nhiên, phần lớn sự suy giảm này là nhờ bán nợ cho VAMC.

Quá trình này được hỗ trợ thông qua những cải cách mà Chính phủ thi hành, bao gồm những biện pháp tạo thuận lợi cho cả ngân hàng và VAMC để thu giữ tài sản thế chấp khi người đi vay phá sản. Ðiều này làm gia tăng khả năng thu hồi tài sản từ nợ xấu. Chất lượng tài sản đã được cải thiện trong những năm gần đây, đặc biệt khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các biện pháp đảm bảo về vĩ mô để giảm cho vay trong những lĩnh vực ít năng suất hay có tính chất đầu cơ như bất động sản.

“Một số biện pháp vĩ mô này phải kể đến Thông tư 06/2016/TT-NHNN gia tăng tỷ trọng rủi ro của các khoản vay bất động sản từ 150% tới 200% của bảng cân đối tài sản bắt đầu từ năm 2017. Ngân hàng Nhà nước cũng hạ tỷ lệ vốn ngắn hạn ngân hàng có thể sử dụng để tài trợ cho các dự án trung dài hạn từ 60% của năm 2016 tới 40% bắt đầu từ năm 2019.

Những cải cách này đã góp phần gia tăng chất lượng tài sản của ngân hàng, trong khi đảm bảo các bong bóng không được hình thành trong nền kinh tế. Ngoài ra, thị trường bất động sản ấm lên trong vài năm gần đây cũng giúp các ngân hàng xử lý các tài sản thế chấp bằng bất động sản”, ông Hải nói.

Mặt khác, cũng theo ông Hải, khả năng sinh lời cao hơn không nhất thiết dẫn tới khả năng an toàn vốn tốt hơn đối với nhiều ngân hàng.

Tỷ lệ an toàn vốn trung bình trong ngành ngân hàng đã giảm dần trong các năm qua khi tài sản ngân hàng gia tăng nhanh không đi cùng với khả năng ngân hàng tăng vốn cấp 1.

Vấn đề này thậm chí còn lớn hơn ở những ngân hàng quốc doanh lớn nhất vốn nắm khoảng 50% tổng dư nợ của nền kinh tế lại là nơi CAR có thể giảm xuống dưới mức tối thiểu 8% khi Basel II được áp dụng vào năm 2020 (tháng 5/2018, CAR trung bình của các ngân hàng quốc doanh là 9,4%).

“Vốn hóa các ngân hàng quốc doanh, do đó, là một ưu tiên và có thể trở thành một rủi ro hiện hữu khi chúng ta tiến gần tới mốc 2020. Nếu các ngân hàng không thể nâng đủ vốn vào thời điểm đó, Chính phủ có thể phải bơm vốn. Theo tính toán của IMF, việc gia tăng vốn này có thể làm giảm 1 - 1,5% GDP”, ông Hải nhấn mạnh.

Ông Hải khuyến nghị, thiếu vốn là một rủi ro gia tăng của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh chiến lược tăng trưởng của Chính phủ do tín dụng dẫn dắt.

Thu hút thêm đầu tư vốn, đặc biệt là từ những nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có vai trò quan trọng trong việc gia tăng khả năng an toàn vốn cho các ngân hàng quốc doanh. Tuy nhiên, điều này sẽ đặt ra yêu cầu cấp thiết về cải cách, như cải thiện chất lượng và sự minh bạch của sổ sách kế toán cũng như những biện pháp đảm bảo vĩ mô để tiếp tục giảm nợ xấu và giải tỏa các tài sản thế chấp. 

Theo Đầu tư chứng khoán

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến