Dòng sự kiện:
Ngân hàng Việt với nỗ lực khẳng định mình
14/01/2019 15:00:26
Ngân hàng Việt Nam đang có những nỗ lực để khẳng định thương hiệu, tạo dấu ấn trên bản đồ tài chính thế giới.

Khẳng định thương hiệu

Việt Nam đã có một năm phát triển kinh tế ấn tượng với mức tăng trưởng GDP đạt 7,08%, lạm phát kiểm soát dưới 4%, dự trữ ngoại hối tiếp tục được nâng cao. Thị trường quốc tế đã công nhận việc quản lý kinh tế hiệu quả của Chính phủ Việt Nam, gần đây nhất thể hiện qua việc Fitch & Ratings nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam vào tháng 5/2018. Hồi tháng 8/2018, Moodys cũng đã nâng xếp hạng của 14 NHTM Việt Nam. Có được sự ghi nhận này là do hệ thống ngân hàng Việt Nam đang có những nỗ lực từng ngày để phát triển bền vững, hiệu quả, khẳng định thương hiệu, tạo dấu ấn trên bản đồ tài chính thế giới.

Ngân hàng Việt Nam đang có những nỗ lực để khẳng định thương hiệu, tạo dấu ấn trên bản đồ tài chính thế giới

CEO của một ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam nhìn nhận, những thành tựu này có sự đóng góp không nhỏ trong việc điều hành của NHNN và những cố gắng thực thi của hệ thống ngân hàng Việt Nam. “Quyết tâm trong triển khai thực hiện Đề án 1058 của Chính phủ về tái cơ cấu các TCTD và Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu thật sự đã tạo nên những chuyển biến đáng kể cho sự phát triển hiệu quả và lành mạnh của các định chế tài chính”, vị này chia sẻ.

Trong năm 2018, hệ thống ngân hàng Việt ghi nhận 3 nhà băng đáp ứng chuẩn mực an toàn vốn theo Basel II gồm Vietcombank, VIB và OCB. Con số này so với 10 NHTM được chấp thuận thí điểm Basel II là không nhiều. Song điều này cũng cho thấy một tín hiệu đáng mừng khi bản thân các nhà băng đã có sự chủ động và quyết tâm “cải thiện” để tiệm cận với các thông lệ quốc tế.

2018 cũng là năm đánh dấu một bước trưởng thành của hệ thống ngân hàng Việt Nam với chiến lược phát triển ngân hàng trong kỷ nguyên số, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng công nghệ, nghiên cứu áp dụng những thành tựu công nghệ mới như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, blockchain... Hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng đã có những cải tiến để nâng cao việc thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần trong thực hiện chiến lược tài chính toàn diện tại Việt Nam.

Giới chuyên gia nhìn nhận, các ngân hàng ngày càng chú trọng hơn trong việc cung cấp các giải pháp thúc đẩy phổ cập tài chính thông qua xây dựng các gói sản phẩm và dịch vụ cho doanh nghiệp, đặc biệt là gói giải pháp tài chính toàn diện.

Thêm nữa, hiện phần lớn các NHTM đã cung ứng dịch vụ thanh toán dịch vụ công qua kênh internet banking và mobile banking. Các dịch vụ như: thanh toán tiền điện, nước, cước phí điện thoại, viễn thông, phí bảo hiểm, thu học phí... qua ngân hàng đã giảm dần việc thu tiền mặt.

Đồng thời, NHTM cũng đã phối hợp với Tổng cục Hải quan cho việc nộp thuế, tỷ lệ nộp thuế điện tử chiếm khoảng 90% tổng thu ngân sách nhà nước của ngành Hải quan. Các ngân hàng cũng tích cực hợp tác với các DN lớn để tận dụng lợi thế của mỗi bên trong việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tới số đông khách hàng.

Cơ hội đi cùng thách thức

Ngày 8/3/2018, Hiệp định CPTPP (tiền thân là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP) đã được 11 nước tham gia ký kết. Ngày 30/12/2018, CPTPP chính thức có hiệu lực sau khi được phê chuẩn bởi quá bán (6/11 nước liên quan). CPTPP tạo nên khu vực kinh tế tự do rộng lớn với phạm vi thị trường gồm 500 triệu người dân, chiếm 13% GDP toàn cầu. Tài chính - ngân hàng được xem là một trong những lĩnh vực quan trọng cho sự phát triển chung của các nền kinh tế. Trong số các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia đàm phán/ký kết gần đây, CPTPP là hiệp định đầu tiên xác lập khuôn khổ pháp lý đầu tư trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng tại một chương riêng biệt. Đối với Việt Nam, trong lĩnh vực ngân hàng, việc tham gia CPTPP là cơ hội mở rộng.

Đại diện Standard Chartered cho hay, với vị thế là một thị trường tiếp nhận nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam có thể được hưởng các tác động tích cực từ các hiệp định thương mại như CPTPP, EVFTA cũng như có cơ hội làm việc với các công ty nước ngoài, được hỗ trợ trong thực hiện theo các thông lệ quốc tế, tăng cường khả năng của các DN nội địa. Tuy nhiên, Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở lớn, nên chắc chắn đi cùng cơ hội sẽ là những rủi ro và thách thức tương đương phải đối diện, đòi hỏi các lĩnh vực, trong đó có hệ thống ngân hàng phải không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng lực quản trị, khẳng định vị trí của mình trong khu vực và quốc tế.

Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia cho rằng, việc tham gia sân chơi CPTPP dĩ nhiên sẽ mang đến cho các nhà băng nội nhiều cơ hội mới, thị trường mới. Nhưng cơ hội đó sẽ không đến ngay, bởi những Hiệp định lớn như vậy cần có thời gian để các ngân hàng khai thác được thị trường mới qua một tiến trình tương đối lâu dài và khó khăn. Trong khi với CPTPP, các nhà băng Việt sẽ có sự cạnh tranh lớn từ sự góp mặt của các định chế tài chính giàu kinh nghiệm, với những sản phẩm, dịch vụ phong phú, công nghệ vượt trội... Thể chế cũng sẽ phải thay đổi để đáp ứng điều kiện mới của CPTPP.

Thực tế, các sản phẩm, dịch vụ truyền thống như tiền gửi huy động, cho vay... hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn chưa thật sự phát triển theo nhu cầu đa dạng của thị trường quốc tế. Các sản phẩm thanh toán quốc tế trước nay vẫn là thế mạnh được cung cấp chủ yếu bởi chi nhánh của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam; hoặc số ít NHTM lớn. Đặc biệt trong bối cảnh “số hoá” đang là xu hướng tất yếu thì sức ép toàn cầu hóa lên các nhà băng Việt càng lớn. Một trong những thách thức kỹ thuật quan trọng khi cung cấp dịch vụ ngân hàng số là thách thức an toàn thông tin mạng. Việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cũng là khó khăn mà hệ thống ngân hàng Việt phải đối diện. Pháp lý về nghiệp vụ và hoạt động ngân hàng số, công cụ thanh toán thay tiền mặt; hay pháp lý về xử lý rủi ro, nợ xấu; đổi mới pháp lý nghiệp vụ... đều là những vấn đề đáng quan tâm của ngân hàng nội.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến