Các doanh nghiệp hàng không đang trải qua thời kỳ u ám nhất trong lịch sử.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi dự án Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay.
Ngân sách năm 2022 dự kiến giảm thu 1.585 tỷ
Trong dự thảo Nghị quyết lần này, Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định mức thuế bảo vệ môi trường với nhiện liệu bay từ 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022 là 1.500 đồng/lít, giảm 50% so với biểu thuế bảo vệ môi trường tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018.
Mức thuế bảo vệ môi trường theo Nghị quyết số 579.
Như vậy, mức giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay tăng từ mức 30% hiện nay lên 50% trong dự thảo Nghị quyết lần này.
"Giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay ở mức 50% sẽ khiến giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 1.585 tỷ đồng, gồm thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng. Tính toán này dựa trên cơ sở sản lượng nhiên liệu bay khoảng 80 triệu lít/tháng". Bộ Tài chính. |
Theo tính toán của Bộ Tài chính, dự kiến số thu thuế thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay giảm khoảng 1.440 tỷ đồng, từ đó, giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 1.585 tỷ đồng, gồm thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng.
"Tính toán trên cơ sở sản lượng nhiên liệu bay tiêu thụ bình quân từ tháng 1/2020 đến tháng 9/2021 trong cả giai đoạn từ khi xảy ra đại dịch đến nay khoảng 80 triệu lít/tháng", dự thảo nêu rõ.
Theo phân tích của Bộ Tài chính, khi hàng không bị "bủa vây" khó khăn bởi đại dịch, hiều quốc gia nhanh chóng áp dụng biện pháp nới lỏng chính sách thuế, phí cho ngành hàng không. Thậm chí, các nước đó còn mạnh tay bơm tiền nhằm bù đắp chi phí cho các doanh nghiệp hàng không.
Ví dụ: tại Hồng Kông, cơ quan quản lý sân bay (AA) đưa ra các gói cứu trợ tổng cộng 4,6 đôla Hồng Kông (HKD), tương đương 593 triệu USD để hỗ trợ các hãng hàng không và dịch vụ hàng không.
Gói cứu trợ mới nhất trị giá 2 tỷ HKD, tương đương 258 triệu USD, bao gồm mua trước khoảng 500.000 vé từ hãng hàng không có trụ sở tại Hồng Kông để bơm thanh khoản. Vé sau đó được bán cho du khách và người dân Hồng Kông khi thị trường phục hồi.
Trước đó, gói cứu trợ 1 tỷ USD Hong Kong dưới hình thức miễn trừ khoản phí điều hành bay trị giá 670 triệu USD Hong Kong cho năm 2019, 2020 và 330 triệu USD Hong Kong. Miễn trừ hoàn toàn đối với phí đỗ máy bay, giảm 40% phí hạ cánh máy bay chở khách trong 4 tháng.
Chính phủ liên bang Úc mạnh tay đưa ra các biện pháp cứu trợ ngành hàng không gồm hoàn lại và loại bỏ phí tiêu thụ nhiên liệu, phí dịch vụ hàng không và phí an ninh khu vực lên tới 715 triệu AUD. Cho phép các sân bay liên bang cho thuê được giảm một phần thuế đất đến ngày 31/12/2020.
Chính phủ Úc còn khởi động chương trình Hỗ trợ Mạng lưới Hàng không Du lịch trị giá 1,2 triệu USD để thúc đẩy nhu cầu du lịch giữa các tiểu bang và hỗ trợ phục hồi kinh tế trong khu vực của Úc.
Tăng khả năng chống đỡ cho các hãng bay
Dù giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay gây hụt thu ngân sách, nhưng theo Bộ Tài chính, chính sách này sẽ góp phần giảm chi phí bay, gián tiếp tạo nguồn tài chính cho doanh nghiệp hàng không vận hành hoạt động trong bối cảnh suy yếu về dòng tiền, âm về thanh khoản.
Theo Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu giúp doanh nghiệp giảm 155 tỷ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2020 và dự kiến giảm 164 tỷ đồng trong năm 2021.
Đồng thời, phù hợp với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch, gián tiếp tạo sức bật cho những ngành nghề khác.
Không chỉ đóng vai trò huyết mạch trong hệ thống giao thông vận tải, ngành hàng không có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, thúc đẩy phát triển một số ngành nghề khác như dịch vụ, thương mại, đặc biệt là du lịch.
Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng: "Việc giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay xuống còn 1.500 đồng/lít sẽ góp phần gián tiếp khuyến khích phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn khác".
Mặt khác, việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay không ảnh hưởng đến mục tiêu bảo vệ môi trường do chính sách chỉ áp dụng trong thời điểm xảy ra dịch Covid-19 nên Bộ này khẳng định sẽ không làm gia tăng mức tiêu thụ nhiên liệu bay.
Bên cạnh đó, thời gian qua do thực hiện chính sách giãn cách xã hội nên ngành hàng không phải hạn chế hoạt động, thậm chí có thời điểm gần như “đóng băng”. Do đó, chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ 1/8/2020 đến hết ngày 31/12/2021 chưa thể phát huy hết mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp.
Trên thực tế, số thu thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay từ tháng 8/2020 đến tháng 9/2021 mới giảm tổng cộng 1.072 tỷ đồng.
Dự báo tình hình dịch bệnh có thể còn kéo dài trong khi khả năng tài chính của các doanh nghiệp vận tải hàng không hiện nay hết sức khó khăn, sẽ khiến quá trình phục hồi diễn ra chậm hơn.
Theo đánh giá của Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam, dự báo lỗ năm 2021 sẽ lớn hơn khoản lỗ 16.000 tỷ của năm 2020, số tiền nộp ngân sách giảm khoảng 10.000 tỷ đồng.
Vì vậy, "để phát huy mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp hàng không vượt qua giai đoạn khó khăn do tác động của dịch Covid-19 trong giai đoạn tiếp theo, khi hoạt động kinh doanh trở về trạng thái bình thường mới, cần thiết thực hiện chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2022", Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Trước đó, để tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không trước tác động của dịch Covid-19, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 979/2020/UBTVQH14 ngày 27/07/2020 và Nghị quyết 1148/2020/UBTVQH14 ngày 21/12/2020. Theo đó, giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ 1/8/2020 đến hết 31/12/2021, áp dụng mức 2.100 đồng/lít.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đem lại hiệu ứng tích cực nhất định cho ngành hàng không nói chung và doanh nghiệp vận tải hàng không nói riêng.
Đồng thời, đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19. Từ đó, góp phần giúp doanh nghiệp vận tải hàng không giảm chi phí nhiên liệu đầu vào, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong giai đoạn khó khăn.
Tác giả: Ánh Tuyết
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy