Dòng sự kiện:
Ngân sách dự toán bội chi 455.500 tỷ đồng năm 2023
01/01/2023 17:04:04
Tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt 4.400 USD và bội chi ngân sách Nhà nước khoảng 4,42% GDP… là những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô được đưa ra năm 2023.

Sau năm 2022 có bội thu, ngân sách Nhà nước lại dự toán bộ chi 455.500 tỷ đồng năm 2023. Ảnh: Hoàng Hà.

Bộ Tài chính vừa công bố báo cáo ngân sách dành cho công dân về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023 do Quốc hội quyết định. Trong đó, một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2023 được Quốc hội đưa ra là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) dự kiến đạt 6,5%; GDP bình quân đầu người khoảng 4.400 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP khoảng 25,4-25,8% và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%...

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng công bố dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023 với tổng dự thu đạt trên 1,62 triệu tỷ đồng. Nếu so với số liệu tổng thu ngân sách năm 2022 mới được Tổng cục Thống kê công bố, mức dự toán kể trên thấp hơn khoảng 164.000 tỷ.

Ở chiều ngược lại, sau năm 2022 với tổng chi ngân sách ước đạt trên 1,652 triệu tỷ, Quốc hội đã đưa mức dự toán chi năm sau lên tới 2,076 triệu tỷ đồng, tương đương mức tăng chi gần 33% so với năm 2021 (gần 514.000 tỷ).

Với tình hình thu - chi kể trên, dự toán ngân sách Nhà nước sẽ bội chi vào năm sau khoảng 455.500 tỷ, tương đương 4,42% GDP.

Cũng tại báo cáo ngân sách năm 2023, Quốc hội đưa ra mức dự toán tổng mức vay của ngân sách Nhà nước (bao gồm cả vay trả nợ gốc) năm sau là 648.213 tỷ đồng và dư nợ công đến hết năm vào khoảng 44-45% GDP.

Trong cơ cấu thu ngân sách năm tới, tỷ trọng đóng góp lớn nhất dự kiến vẫn từ thu nội địa với khoảng 1,334 triệu tỷ đồng (chiếm 82,3%). Trong khi đó, các mức dự toán thu từ cân đối hoạt động xuất nhập khẩu; dầu thô; viện trợ lần lượt là 239.000 tỷ; 42.000 tỷ và 5.500 tỷ đồng. Trong đó, dự toán thu từ dầu thô dựa trên cơ sở sản lượng khai thác trong nước gần 8 triệu tấn, giá dầu bình quân khoảng 70 USD/thùng.

Với dự toán chi, ngoài 1,172 triệu tỷ đồng dự toán chi thường xuyên, chiếm 56,5% tổng chi, mức chi cho đầu tư phát triển từ ngân sách năm sau dự kiến là 726.700 tỷ đồng, tương đương 35,5% tổng chi. Ngoài ra, số chi trả nợ lãi dự toán là 102.900 tỷ (5%); chi cải cách tiền lương, lương hưu, điều chỉnh một số chế độ trợ cấp, phụ cấp và các chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở (bao gồm chi tinh giản biên chế) là 12.500 tỷ (0,6%) và các khoản chi còn lại khác là 61.800 tỷ đồng (3%).

Theo Bộ Tài chính, cũng trong năm 2023, các chính sách tiền lương sẽ được triển khai. Trong đó, từ ngày 1/1/2023, sẽ thực hiện điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận 25-KL/ TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị. Sau đó, từ 1/7/2023, sẽ thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên 1,8 triệu đồng/tháng, đồng thời tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách đảm bảo và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp.

Ngoài ra, mức chuẩn trợ cấp người có công cũng dự kiến tăng, bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Tác giả: Quang Thắng

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến