Tin liên quan
Nhức nhối mua sắm, sử dụng xe công tràn lan, sai mục đích
Theo ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính), hiện cả nước có gần 40.000 xe ôtô công (chưa bao gồm xe tại các đơn vị vũ trang, doanh nghiệp Nhà nước), chi phí trung bình 320 triệu đồng/xe/năm.
Như vậy, ước tính chi phí để nuôi toàn bộ số xe công trên, ngân sách nhà nước đang “è cổ” chi 12.800 tỷ đồng mỗi năm.
40.000 xe công hiện có đang tiêu tốn 12.800 tỉ ngân sách mỗi năm (ảnh minh họa)
Mặc dù cơ sở pháp lý điều chỉnh vấn đề này đã được quy định chi tiết tại Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg và Quyết định 61/2010/QĐ-TTg. Song trên thực tế, khá nhiều địa phương, đơn vị đã không chấp hành nghiêm túc chủ trương trên.
Cụ thể là, nhiều vấn đề tồn tại trong hoạt động mua sắm, sử dụng xe công hiện nay diễn ra phổ biến: sử dụng xe sai đối tượng, xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc với các chức danh không đủ tiêu chuẩn, dùng xe công vào việc riêng... gây thất thoát rất lớn cho ngân sách.
Nhiều xe công bị sử dụng sai mục đích, gây thất thoát ngân sách
Một điều đáng nói là tại Quyết định 59/2007/QĐ-TTg có quy định về việc khoán xe công. Theo đó, tiền phụ cấp xe công sẽ được tính vào lương cho các đối tượng từ cấp thứ trưởng (ở cấp tỉnh là từ Phó chủ tịch HĐND và UBND) trở xuống.
Song đến nay đã 8 năm, chỉ ghi nhận trường hợp duy nhất và tự nguyện của cá nhân vị nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Đức Thuận.
Ông Thuận đã không sử dụng chiếc xe Toyota Camry 2.4 mà cơ quan giao, thay vào đó ông nhận mỗi tháng 4,5 triệu đồng theo khoán. Trong gần 3 năm trả lại xe ô tô, vị Phó Chủ nhiệm chỉ chi dùng hết 1,5 triệu đồng/tháng tiền phương tiện đi lại, tiết kiệm cho ngân sách hàng trăm triệu đồng.
Ngoài ra, về phía cơ quan chỉ có tỉnh Thái Nguyên thực hiện quyết định này bằng việc ban hành quy định đơn giá thuê xe ô tô công tác, khung giá sử dụng các loại xe ô tô. Song cũng chỉ có 5 đơn vị thuộc tỉnh thực hiện.
Rà soát giảm 700 xe công giúp tiết kiệm 500 tỉ mua xe mới hàng năm
Như vậy, trong khi mức tiêu tốn cho xe công đang là gánh nặng cho ngân sách quốc gia, hành lang pháp lý hiện hành không phát huy hết hiệu quả, Bộ Tài chính vừa đưa ra các phương án tiết kiệm ngân sách quyết liệt.
Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết đã trình Thủ tướng ban hành Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg thay thế Quyết định 59, với nhiều quy định khắt khe và hợp lý hơn để quản lý việc mua sắm, sử dụng xe công hiện nay.
Theo đó, cơ quan này thống nhất nguyên tắc không tăng số lượng xe công và siết chặt điều kiện sử dụng hơn trước. Mỗi đơn vị sẽ chỉ có 1-2 chiếc xe phục vụ công tác chung.
Theo Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước, số lượng ô tô phục vụ công tác chung hiện có là 24.460 chiếc. “Nếu thực hiện Quyết định 32 này, tổng số 24.460 xe phục vụ công tác chung có thể sẽ giảm đi 7.000 chiếc. Như vậy mỗi năm, ngân sách sẽ tiết kiệm được khoảng 500 tỷ đồng tiền mua xe thay thế, chưa tính chi phí vận hành trong quá trình sử dụng”, ông Trần Đức Thắng tính toán.
Ông Trần Đức Thắng - Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) tại cuộc họp báo chiều 23/10 (ảnh: Diệp Chi)
Bên cạnh đó, Quyêt định cũng chỉ rõ: chỉ lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 và chức danh Thứ trưởng (hoặc tương đương) trở lên mới được dùng xe công đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc.
Quy định mới cũng đề ra định mức đối với việc thuê dịch vụ xe ôtô và khoán kinh phí sử dụng theo giá thị trường dựa trên khoảng cách thực tế từ nhà ở đến nơi làm việc hoặc khoảng cách thực tế đi công tác, đơn giá bình quân của phương tiện vận tải công cộng.
Thực hiện tinh thần Quyết định 32, trong vòng 6 tháng kể từ ngày QĐ có hiệu lực thi hành, các bộ, ngành, địa phương phải tiến hành rà soát tình hình sử dụng xe công hiện tại của đơn vị mình. Số lượng xe phục vụ công tác chung chỉ 1-2 xe, nếu thừa ra thì phải điều chuyển đến nơi thiếu trong nội bộ, nếu vẫn thừa thì chuyển lại Bộ Tài chính để đấu giá lấy tiền nộp lại ngân sách Nhà nước.
Bộ Tài chính cũng đề xuất định hướng mua sắm tài sản nhà nước (trong đó có xe công) theo phương thức tập trung. Kết quả được kỳ vọng là: từ hàng chục nghìn đầu mối mua sắm sẽ giảm còn khoảng 170 đầu mối mua sắm tập trung, gồm 2 đơn vị mua sắm tập trung cấp quốc gia, 42 đầu mối thuộc các Bộ, cơ quan trung ương và 126 đầu mối của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ước tính tiết kiệm chi ngân sách là 30.000 tỷ đồng mỗi năm. |
Diệp Chi
Nên đọc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy