Lĩnh vực giáo dục, đào tạo cần được ưu tiên đầu tư nguồn lực lớn từ ngân sách nhà nước.
380.561,22 tỷ đồng là con số tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo năm 2024.
Con số trên được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nêu trong báo cáo về hoạt động giáo dục và việc thực hiện ngân sách giáo dục năm 2024 của Chính phủ, vừa gửi tới các vị đại biểu Quốc hội.
Thay mặt Chính phủ ký báo cáo này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, tổng mức thu sự nghiệp của cơ sở giáo dục, đào tạo của địa phương và các bộ, ngành (thu toàn ngành) năm 2024 ước thực hiện 58.094,58 tỷ đồng, đạt 134% so với kế hoạch và bằng 119% so với năm 2023.
Trong đó, đối với các địa phương thì ước thực hiện tổng thu sự nghiệp giáo dục, đào tạo năm 2024 là 17.044,50 tỷ đồng, đạt 101,12% so với thực hiện năm 2023. Nhìn chung, nguồn thu tại địa phương năm 2024 tăng so với năm 2023, nhưng không đáng kể do năm 2024 thực hiện Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 28/7/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi từ tháng 9/2024, Bộ trưởng giải thích.
Đối với các bộ, ngành thì năm 2024 nguồn thu sự nghiệp tại các cơ sở đào tạo dự kiến tăng so với năm 2023, đạt khoảng 41.050,08 tỷ đồng, bằng khoảng 129,03% so với thực hiện năm 2023.
Về chi ngân sách, báo cáo nêu, tổng dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2024 cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo là 306.128 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 6,78% so với năm 2023. Trong đó, ngân sách trung ương là 24.568 tỷ đồng và ngân sách địa phương là 281.560 tỷ đồng.
Ước tổng chi đầu tư năm 2024 khoảng 74.433,22 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 19,6% tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục (tăng 5% so với thực hiện năm 2023).
Tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo là 380.561,22 tỷ đồng.
Theo cơ cấu vốn trung ương, địa phương, năm 2024, ngân sách trung ương chiếm 9,54% tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục (36.287,72 tỷ đồng) do các Bộ, ngành trung ương trực tiếp quản lý, sử dụng.
Phần đề xuất, kiến nghị, báo cáo nêu, với quan điểm đầu tư cho giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu, là yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững, lĩnh vực giáo dục, đào tạo cần được ưu tiên đầu tư nguồn lực lớn từ ngân sách nhà nước, để thực hiện nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị. Ưu tiên nguồn lực còn nhằm thực hiện các chính sách hỗ trợ học tập cho học sinh, sinh viên; chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đối với trẻ em, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
Chính phủ kiến nghị Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật, việc bố trí sử dụng ngân sách cho giáo dục đảm bảo phân bổ tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo kể cả chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển theo quy định; giám sát tình hình triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội trong việc bố trí nguồn lực để đảm bảo các điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đặc biệt là nguồn lực, điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên – báo cáo nêu.
Tác giả: Nguyễn Lê
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy