Dòng sự kiện:
Ngân sách nhà nước: đằng sau các con số
09/12/2018 12:14:37
Nghị quyết của Bộ Chính trị và của Quốc hội năm 2016 đề ra là bội chi ngân sách không quá 3,9% GDP và nợ chính phủ không quá 54% GDP.

Bản dự thảo ngân sách năm 2019 trình Quốc hội mới đây cho thấy dự toán bội chi ở mức 3,6% GDP và hai năm 2017, 2018 vừa qua đều cho thấy dự toán bội chi đều dưới 4% (xem bảng 1). Không những thế, số liệu ước thực hiện cũng gần như thế, thấp hơn hẳn những năm trước đó (nhiều năm cao từ 5-6%). Sự thật như thế nào?

Tình hình thực ra không sáng sủa như thế. Phân tích kỹ hơn cho thấy một số vấn đề lớn.

1. Thay đổi cách làm thống kê ngân sách


Theo sự hiểu biết của người viết và qua trao đổi với một chuyên gia làm thống kê ngân sách ở Bộ Tài chính, bộ đã thay đổi cách làm thống kê kể từ năm 2017. Trong khoản chi trả nợ chỉ có chi trả lãi chứ không bao gồm cả chi trả nợ gốc như trước đây. Đây có thể là lý do chi trả nợ và viện trợ giảm hẳn xuống năm 2017 (chỉ còn 100.000 tỉ đồng so với 176.000 tỉ đồng năm 2016). Trong số chi trên, viện trợ không đáng kể, dưới 1% nên có thể bỏ qua.

Như thế có thể nói, tỷ lệ bội chi từ năm 2017 trở đi không thể so sánh với những năm trước đó. Việc giảm tỷ lệ bội chi là giảm ảo. Thử nghiệm ước tính, chi trả nợ lãi và gốc tăng theo tốc độ trung bình năm 13,7% (2016/2009, theo tính toán của người viết) thì năm 2017 chi trả nợ là 199.000 tỉ đồng, cao hơn con số trong bảng 1 là 99.000 tỉ đồng, và tỷ lệ bội chi sẽ là 5,5%, tức là cao hơn trước chứ không giảm.

Nếu dựa vào Báo cáo 195/BC-CP ngày 15-5-2018 gửi Quốc hội thì con số trả nợ là 253.000 tỉ đồng trong năm 2017, như vậy bội chi còn cao hơn, lên tới 6,5% GDP.

Nói chung, ngưỡng bội chi ngân sách so với GDP mà các tổ chức khuyến nghị là không nên vượt qua là 3%. Thậm chí tỷ lệ này có tính luật ở các nước thuộc EU. Nhưng bội chi ngân sách Việt Nam vẫn tiếp tục vượt tỷ lệ khuyến nghị trên dù với cách làm thống kê mới.

2. Thống kê về trả nợ chính phủ


Không chỉ có sự khác biệt về phương pháp thống kê (sẽ bàn thêm sau), số liệu ngân sách chi trả nợ rất khác biệt giữa quyết toán ngân sách và báo cáo về nợ công do cùng Bộ Tài chính công bố.

Khác biệt giữa báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội năm 2018 đã nói đến ở trên, bảng 2 ở dưới cho thấy khác biệt giữa báo cáo quyết toán của Bộ Tài chính và Bản tin nợ công cũng của Bộ Tài chính của những năm 2011-2015, tức là trong những năm đã được quyết toán (thường là 2-3 năm sau so với năm được báo cáo).

Kể từ năm 2012 thì sự khác biệt về trả nợ chính phủ rất lớn, và như thế, số thực bội chi và tỷ lệ bội chi cũng cao hơn hẳn so với báo cáo về ngân sách, nếu số liệu trong Bản tin nợ công là đúng. Đặc biệt thông tin trong Bản tin nợ công cho thấy trả nợ gốc chiếm đến 70% trả nợ, và như thế tỷ lệ bội chi sẽ cao hơn hẳn trước đây nếu tính cả trả nợ gốc.

Nhưng câu hỏi quan trọng là: đâu là thống kê thực?

3. Nguyên tắc quốc tế trong thống kê ngân sách


Thực ra, nguyên tắc quốc tế trong thống kê ngân sách đã thay đổi so với trước đây, tức là chi phí thường xuyên chỉ gồm trả lãi. Trả nợ gốc hay vay thêm nằm trong phần cân đối thanh toán tài chính, để từ đó có thể tổng kết lại thành nợ thuần (net borrowing/net lending) cuối năm.

Thí dụ, nếu chi bao gồm cả trả lãi và trả nợ gốc là 100 (trong đó chi trả nợ gốc là 10), và số chi này cao hơn thu là 80, như vậy, bội chi (20) chính ra số tiền mà chính phủ phải vay thêm. Tuy nhiên do chính phủ đã trả nợ gốc (10) trong số chi 100 thì tổng nợ thuần của chính phủ trong năm chỉ tăng lên 10. Bội chi nói lên mức chi vượt thu trong năm. Nợ thuần nói lên mức tăng trách nhiệm chi trả trong năm. Như thế để phân tích cần có số liệu trên cơ sở cả hai ý niệm.

Một thí dụ nữa để làm rõ ý niệm: chính phủ vay 50 nhưng tiền nhận được chưa tiêu, lúc đó tăng nợ thuần là 0, vì nợ thuần là tích sản trừ tiêu sản, mà ở đây tích sản là tiền mặt (50), còn tiêu sản là nợ (50). Đây là vấn đề phức tạp khá khó hiểu trong thống kê tài chính quốc gia (các bạn có thể đọc sơ vấn đề này trong tài liệu của IMF https://www.imf.org/external/pubs/ft/pam/pam49/pam4902.htm)

Điểm quan trọng nữa cũng cần nhấn mạnh là khi nguyên tắc làm thống kê thay đổi thì toàn bộ thống kê trong quá khứ cũng phải thay đổi theo để người sử dụng như đại biểu Quốc hội có thể kiểm tra và phân tích. Và sự thay đổi này cũng cần được thông báo rộng rãi.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến