Báo cáo tình hình tài chính ngân sách tháng 2 của Bộ Tài chính mới công bố cho biết trong tháng gần nhất, nền kinh tế vẫn chịu nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, tuy nhiên số thu ngân sách Nhà nước trong tháng và lũy kế từ đầu năm vẫn tăng so với năm liền trước.
Cụ thể, tính riêng tháng 2, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 138.500 tỷ đồng, trong đó, số thu nội địa đóng góp 114.600 tỷ, giảm 26,2% so với tháng trước. Ngược lại, thu từ dầu thô ước đạt 4.900 tỷ đồng và thu từ cân đối hoạt động xuất nhập khẩu đạt 19.000 tỷ, đều tăng so với tháng 1.
Như vậy, tính chung 2 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách đã đạt 323.800 tỷ, tương đương 22,9% so với dự toán và tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là số thu ngân sách cao nhất từ trước đến nay tính trong 2 tháng đầu năm.
Theo báo cáo, số thu ngân sách tăng thêm đến từ cả 3 nguồn thu chính, trong đó, riêng thu từ đầu thô 2 tháng đầu năm đã đạt xấp xỉ 8.100 tỷ, bằng 28,6% dự toán và tăng tới 57,2% so với cùng kỳ. Theo Bộ Tài chính, mức tăng thu này là nhờ giá dầu thô bình quân tháng 2 đạt khoảng 83 USD/thùng, cao hơn 23 USD so với dự toán và cao hơn gần 60% so với cùng kỳ. Trong khi đó, sản lượng khai thác trong giai đoạn này lại giảm gần 9% so với cùng kỳ, chỉ đạt 1,3 triệu tấn, bằng 18,6% kế hoạch.
Ngoài số thu tăng mạnh từ dầu thô, thu nội địa 2 tháng đầu năm cũng tăng 7,6%, đạt 270.800 tỷ, bằng 23% dự toán.
Giá dầu thô tăng cao giúp tăng thu ngân sách nhưng cũng làm giá xăng dầu trong nước tăng cao khiến áp lực lạm phát tăng. Ảnh: Chí Hùng.
Đối với nguồn thu từ cân đối hoạt động xuất nhập khẩu, số ghi nhận được sau 2 tháng đầu năm nay là 45.000 tỷ, bằng 22,6% dự toán và tăng 29,4% so với cùng kỳ. Mức thu này đạt được trên cơ sở tổng số thu thuế đạt 69.100 tỷ và hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ khoảng 24.100 tỷ đồng giai đoạn này.
Ở chiều ngược lại, tổng chi ngân sách tháng 2 là 106.300 tỷ và lũy kế 2 tháng đầu năm là 228.200 tỷ đồng, bằng 12,8% dự toán, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 44.600 tỷ, dù tăng gần 90% so với cùng kỳ năm trước nhưng số chi này chỉ đạt 8,5% so với dự toán Quốc hội quyết định. Nguyên nhân khiến số chi đầu tư phát triển thấp so với kế hoạch do các bộ, ngành, địa phương chủ yếu tập trung triển khai phân bổ kế hoạch vốn được giao trong 2 tháng đầu năm. Ngoài ra, giai đoạn này cũng trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên đã ảnh hưởng đến việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư.
Ngoài ra, các khoản chi trong 2 tháng đầu năm nay còn có 20.300 tỷ chi trả nợ lãi, bằng 19,6% dự toán và giảm 4,3%; chi thường xuyên 163.300 tỷ, bằng 14,7% dự toán và tăng 0,9% so cùng kỳ.
Với mức thu - chi kể trên, ngân sách Nhà nước ghi nhận mức bội thu 95.600 tỷ đồng sau 2 tháng đầu năm.
Đáng chú ý, tại báo cáo này, Bộ Tài chính cho biết giá xăng dầu đang ghi nhận xu hướng tăng mạnh từ đầu năm do ảnh hưởng từ giá thế giới. Cuối tháng 2, Bộ đã có công văn gửi Bộ Công Thương đề nghị tăng sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá tại các kỳ điều hành tới để kìm chế mức tăng giá xăng dầu trong nước trong bối cảnh giá thế giới tiếp tục tăng cao.
Tác giả: Quang Thắng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy