Dòng sự kiện:
Ngành ngân hàng kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát
25/01/2021 06:18:22
Với mục tiêu kiên định, ngành ngân hàng đã góp phần kiểm soát lạm phát bình quân dưới mức 4% theo đúng mục tiêu Quốc hội đề ra, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức cao so với các nước.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Nhiệm kỳ 2015-2020, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đã có những tác động không thuận lợi đến hoạt động của ngành ngân hàng.

Tuy nhiên, các cấp ủy và cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ ngành ngân hàng đã nỗ lực vượt mọi khó khăn, hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Bí thư Đảng ủy cơ quan Ngân hàng Trung ương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết trong 5 năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, Ngân hàng Nhà nước luôn kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ, đúng thời điểm và với liều lượng hợp lý để phản ứng nhanh nhạy, phù hợp với diễn biến kinh tế thế giới và trong nước.

Kết quả đã góp phần kiểm soát lạm phát bình quân dưới mức 4% theo đúng mục tiêu Quốc hội đề ra, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức cao so với các nước trên thế giới và khu vực; thị trường tiền tệ, ngoại hối, thị trường vàng cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất cho vay trong 5 năm qua giảm 3,7% so với giai đoạn 2011-2015; tỷ giá và thị trường ngoại hối tương đối ổn định, dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng cao; tình trạng USD hóa giảm dần, niềm tin vào đồng Việt Nam ngày càng được củng cố.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh đây là những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao xếp hạng tín nhiệm của quốc gia. Cùng với việc điều hành chính sách tiền tệ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, suốt 5 năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã luôn quan tâm, chỉ đạo toàn hệ thống tăng cường cải cách thủ tục hành chính.

Bởi vậy 5 năm liền, Ngân hàng Nhà nước đứng đầu trong số các bộ, ngành về chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), từ đó góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân theo chủ trương của Chính phủ.

Với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, hệ thống ngân hàng đã tích cực thực hiện Đề án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu, từ đó nâng cao hiệu quả chu chuyển vốn trong nền kinh tế.

Các giải pháp, chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đã đi đúng hướng (bình quân tín dụng tăng 15%/năm, riêng năm 2020 ước tăng khoảng 11%, đây là mức tăng phù hợp trong bối cảnh cầu tín dụng của nền kinh tế còn yếu do tác động của đại dịch COVID-19).

Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng còn thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ thanh toán, thực hiện các giải pháp an ninh và bảo mật hệ thống công nghệ thông tin, đảm bảo thanh toán an toàn, hiệu quả cho doanh nghiệp và người dân.

Đặc biệt, năm 2020, trước bối cảnh doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, thiên tai, bão lũ, hạn mặn, Ngân hàng Nhà nước đã đặt nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh là trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành, bởi vậy, đã vào cuộc rất sớm.

Cụ thể, ngay sau khi đại dịch COVID-19 xảy ra, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19. Đây là những giải pháp kịp thời, rất thiết thực đối với doanh nghiệp và người dân và được các tổ chức tín dụng đồng tình ủng hộ và triển khai quyết liệt.

Trên cơ sở nhận định, phân tích, đánh giá những thuận lợi, khó khăn của nhiệm kỳ tới, Đảng ủy cơ quan Ngân hàng Trung ương xác định nhiệm kỳ tiếp theo 2020-2025 tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, tập trung vào thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, những khâu đột phá; nâng cao chất lượng hoạt động của cấp ủy, nâng cao chất lượng chi bộ và chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Đồng thời, ngành tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, có chiều sâu Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện các quy định của Trung ương về trách nhiệm nêu gương và 3 Nghị quyết chuyên đề của Đảng ủy cơ quan Ngân hàng Trung ương về chính trị tư tưởng, tính tiên phong, gương mẫu và công tác dân vận. Xây dựng Đảng bộ, chi bộ trong sạch vững mạnh toàn diện.

Đặc biệt, năm 2021, đại dịch COVID-19 nhiều khả năng còn diễn biến phức tạp, triển vọng kinh tế thế giới và trong nước còn khó lường, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, thiên tai, bão lũ và biến đổi khí hậu; tiếp tục tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ người lao động.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm chỉ tiêu lợi nhuận để có điều kiện giảm lãi suất cho vay; mở rộng tín dụng đi đối với an toàn, hiệu quả; thúc đẩy nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.

Mặt khác ngành dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ thế giới và trong nước để phản ứng kịp thời, đảm bảo cung ứng đầy đủ thanh khoản cho nền kinh tế; sử dụng đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để đảm bảo đạt mục tiêu lạm phát bình quân khoảng 4% theo mục tiêu của Quốc hội.

Ngoài ra, ngành ngân hàng cũng tiếp tục thực hiện tốt các mặt hoạt động khác để nâng cao hiệu quả chu chuyển vốn cho nền kinh tế; chủ trì phối hợp với các bộ, ngành triển khai hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thực hiện chủ trương không để ai bị bỏ lại phía sau của Chính phủ./.

Tác giả: Thùy Dương

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến