Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh
Ngày 8/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 986/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chiến lược nêu rõ quan điểm của Chính phủ coi hệ thống tiền tệ, ngân hàng và hoạt động của các TCTD là huyết mạch của nền kinh tế, tiếp tục giữ vai trò trọng yếu trong tổng thể hệ thống tài chính Việt Nam… Xác định vai trò, trọng trách lớn, ngành Ngân hàng đã lập tức triển khai Chương trình hành động của Ngành thực hiện Chiến lược.
Yêu cầu cụ thể của Chương trình hành động mà NHNN đặt ra cho các đơn vị nhằm đạt được những mục tiêu Chiến lược đã đề ra, đang được triển khai như thế nào, phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc phỏng vấn Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh.
Phó Thống đốc có thể cho biết những mục tiêu lớn mà Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra?
Theo Chiến lược, mục tiêu tổng quát phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được đề cập theo hai cấp độ, phù hợp với tính chất và chức năng hoạt động về mặt thể chế, đó là: Hiện đại hóa NHNN Việt Nam theo hướng: có mô hình tổ chức hợp lý và cơ chế vận hành đồng bộ, hiệu lực và hiệu quả, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có đầy đủ vị thế pháp lý và trách nhiệm giải trình. Theo đó có ba trụ cột cơ bản trong quản lý nhà nước của NHNN.
Thứ nhất, về CSTT phải đảm bảo thực hiện mục tiêu ưu tiên là kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng bền vững; Thứ hai, hoạt động thanh tra, giám sát phải đảm bảo an toàn, lành mạnh hệ thống các TCTD, NHNN thể hiện được vai trò chủ chốt bảo đảm ổn định tài chính; Thứ ba, lĩnh vực thanh toán thực thi vai trò giám sát các hệ thống thanh toán, là trung tâm thanh toán và quyết toán cho các hệ thống thanh toán và hệ thống giao dịch tài chính, tiền tệ trong nền kinh tế.
Đối với các TCTD, Chiến lược đặt mục tiêu phát triển hệ thống các TCTD theo hướng: các TCTD trong nước đóng vai trò chủ lực; hoạt động minh bạch, cạnh tranh, an toàn, hiệu quả bền vững; cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình; dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến, phù hợp với chuẩn mực hoạt động theo thông lệ quốc tế.
Phấn đấu đến năm 2025, hệ thống các TCTD đạt trình độ phát triển của nhóm bốn nước dẫn đầu khu vực ASEAN; năng động, sáng tạo để thích ứng với quá trình tự do hóa và toàn cầu hóa; đáp ứng nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng ngày càng gia tăng của nền kinh tế. Năm 2030, bảo đảm mọi người dân và doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận đầy đủ, thuận tiện các dịch vụ tài chính, ngân hàng có chất lượng, thực hiện tài chính toàn diện, đóng góp tích cực cho phát triển bền vững...
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Chiến lược chỉ rõ ngành Ngân hàng cần thực hiện đồng bộ 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp: tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, ngân hàng trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập. Tăng cường năng lực, nâng cao vị thế, tính tự chủ và trách nhiệm giải trình của NHNN. Đổi mới khuôn khổ chính sách tiền tệ, quản lý ngoại hối và vàng. Phát triển, quản lý và giám sát các hệ thống thanh toán quan trọng trong nền kinh tế. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
Phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, tạo cơ sở nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Phát triển hệ thống các TCTD đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế. Hoàn thiện mô hình các tổ chức tài chính khác hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng. Tăng cường ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực. Tăng cường hợp tác quốc tế và đẩy mạnh tiến trình hội nhập quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng. Đồng thời tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông của NHNN.
Chiến lược chia ra ba giai đoạn để các đơn vị thực hiện nhiệm vụ, giải pháp nói trên: giai đoạn 2018 - 2020; giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030. Đồng thời ngành Ngân hàng sẽ có một số các dự án, chiến lược bộ phận, đề án quan trọng cần triển khai ứng với mỗi giai đoạn cụ thể. Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược cũng sẽ chi tiết phân công nhiệm vụ và thời hạn hoàn thành để thực hiện từng nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Thưa Phó Thống đốc, cụ thể yêu cầu NHNN đặt ra đối với các đơn vị nhằm thực hiện Chương trình hành động của Ngành thực hiện Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng?
Để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng theo từng giai đoạn, NHNN đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 34/QĐ-NHNN) nhằm triển khai chỉ đạo của NHNN đến các đơn vị thuộc ngành Ngân hàng.
Chương trình hành động nhằm triển khai chỉ đạo của NHNN đến các đơn vị thuộc ngành Ngân hàng trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp mà Chiến lược đặt ra. Đây là căn cứ cho các đơn vị, vụ, cục trực thuộc NHNN, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Hiệp hội Ngân hàng, Hiệp hội QTDND xây dựng, điều chỉnh kế hoạch, chương trình hành động để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của đơn vị mình theo đúng định hướng Chiến lược đã đề ra. Chương trình hành động cũng là căn cứ để NHNN tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết và đánh giá rút kinh nghiệm việc tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng.
NHNN yêu cầu các đơn vị quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm đổi mới và phát triển cũng như các mục tiêu mà Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đề ra để thống nhất hành động trong toàn ngành Ngân hàng; Triển khai đầy đủ các nhiệm vụ giải pháp đề ra trong Chiến lược tới các đơn vị trong toàn Ngành. NHNN sẽ giám sát quá trình thực hiện, đánh giá thường xuyên kết quả thực hiện các mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn, mức độ và khả năng đạt được mục tiêu; điều chỉnh mục tiêu phù hợp với bối cảnh khi cần thiết để đảm bảo tính khả thi cao.
Chương trình hành động cũng cụ thể hóa các yêu cầu trong việc tổ chức thực hiện Chiến lược; Tập trung giải quyết các vấn đề trọng tâm, trọng điểm đồng thời bao quát được nhiệm vụ lâu dài; Thể hiện tính chủ động, sáng tạo của từng đơn vị và sự hợp tác giữa các đơn vị trong và ngoài ngành Ngân hàng trong thực hiện mục tiêu Chiến lược đặt ra; Đảm bảo sự nhất quán với việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Đảng, các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Các đơn vị có trách nhiệm xây dựng chiến lược phát triển của mình phù hợp với quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng. Chủ động xác định thời kỳ và các giai đoạn của chiến lược phát triển của đơn vị mình dựa trên phân công trách nhiệm triển khai Chương trình hành động mà NHNN đã chỉ đạo đến từng đơn vị với mục tiêu cụ thể phải đạt được trong từng giai đoạn.
Cụ thể, về tổ chức thực hiện: Thứ nhất, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền phổ biến Chiến lược và Chương trình hành động trên các phương tiện truyền thông đại chúng; tổ chức các buổi hội nghị hội thảo để phổ biến nội dung Chiến lược… Thứ hai, giám sát và đánh giá thực hiện Chiến lược phát triển và Chương trình hành động: NHNN sẽ đánh giá, tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng; Mức độ và khả năng đạt được mục tiêu của Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đặt ra cho từng giai đoạn và cuối thời kỳ Chiến lược; Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai và đề xuất bổ sung điều chỉnh các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp (nếu cần thiết).
Việc giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược phát triển thông qua các báo cáo chuyên đề hàng năm của các đơn vị về tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược phát triển; báo cáo tổng kết, sơ kết theo từng giai đoạn 2018 - 2020, giai đoạn 2021 – 2025, và báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng vào năm 2030. Tùy diễn biến thực tế, các đơn vị cũng phải thực hiện các báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Ban Lãnh đạo NHNN. NHNN cũng sẽ tiến hành các hình thức kiểm tra, khảo sát tại chỗ tình hình triển khai Chiến lược phát triển của các đơn vị.
Ngoài những yêu cầu cụ thể trên, NHNN có lưu ý gì cho các đơn vị thực hiện Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng?
Các đơn vị cần quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thống đốc về Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến toàn thể cán bộ, nhân viên để mỗi cán bộ hiểu, nắm rõ về ý nghĩa, mục tiêu và sự thành công của Ngành khi thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng. NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố cần theo dõi, nắm bắt tình hình thực hiện Chiến lược của các TCTD trên địa bàn để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn.
Các đơn vị cần tiếp tục thực hiện tốt các chương trình lớn của ngành Ngân hàng hiện nay để tạo cơ sở cho thực hiện tốt các mục tiêu mà Chiến lược phát triển đặt ra như: Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020” và hướng đến nâng cao năng lực hoạt động theo tiêu chuẩn quốc tế - Basel II vào năm 2021 - 2025; Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020; Đề án Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế; Đề án Chiến lược tổng thể quốc gia về tài chính toàn diện; Đề án Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội; Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam…
Cùng với đó, các TCTD tiếp tục tập trung nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, ưu tiên tín dụng vào các lĩnh vực: Nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao… qua đó, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vốn cho người dân, doanh nghiệp, thực hiện tốt vai trò là huyết mạch của nền kinh tế.
Với việc thực hiện thành công các mục tiêu Chiến lược phát triển theo từng giai đoạn ngành Ngân hàng Việt Nam được kỳ vọng sẽ tạo nên những bước phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến khó lường, những thuận lợi đan xen không ít rủi ro, thách thức của cách mạng công nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ…
Trân trọng cảm ơn Phó Thống đốc!
Theo Thời báo ngân hàng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy