Dòng sự kiện:
Ngành Tài chính chỉ ra 6 thách thức thời gian tới
20/09/2018 17:04:32
Thách thức lớn nhất là tỷ lệ động viên ngân sách chưa bền vững dù thu nội địa chiếm 82% tổng thu ngân sách.

Ngày 20/9 tại Hà Nội, Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2018 với chủ đề “Tái cấu trúc nền tài chính quốc gia hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững của Việt Nam” được Bộ Tài chính tổ chức với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Liên minh châu Âu (EU). Đây là diễn đàn thường niên do Bộ Tài chính tổ chức từ năm 2017.


Diễn đàn đã cùng thảo luận, chia sẻ các nghiên cứu, quan điểm để hình thành một hệ thống các luận cứ khoa học cho việc đề xuất, kiến nghị về tái cấu trúc nền tài chính quốc gia hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, những năm qua, tái cấu trúc nền tài chính quốc gia đã đạt được những kết quả tích cực: Đã chặn được đà giảm sút của thu ngân sách xuất hiện trong các năm 2010-2015, đã tái cơ cấu nợ, chuyển nợ, giữ vững được nợ trung và dài hạn, hình thành thị trường trái phiếu Chính phủ liên thông thị trường tiền tệ, đảm bảo công bằng minh bạch, giảm được bội chi ngân sách…

Bên cạnh đó, công tác tái cấu trúc nền tài chính quốc gia đã đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh và công bằng xã hội. Các cấu phần của nền tài chính quốc gia đã từng bước được tái cấu trúc nhằm phát triển đất nước theo hướng nhanh, toàn diện và bền vững.

Nhưng Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn chỉ ra ngành Tài chính đang đối mặt với 6 thách thức trong thời gian tới.

Thách thức lớn nhất là tỷ lệ động viên ngân sách chưa bền vững dù thu nội địa chiếm 82% tổng thu ngân sách. Một bộ phận nguồn thu, nhất là nguồn thu của nhiều địa phương phụ thuộc vào bán tài sản công, quyền sử dụng đất; tình trạng chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại còn là nguy cơ lớn.

"Từ khi cơ quan thuế triển khai Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết, năm 2017 đã tăng thu thêm 300 triệu USD,  giảm lỗ 2,2 tỷ USD từ cả DN trong và ngoài nước." Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết.

Thách thức thứ hai là về hiệu lực, hiệu quả quản trị quản lý NSNN và tài sản công. 

Thứ ba, dù nợ công giảm còn 61,3% GDP, nợ nước ngoài quốc gia còn 49,7% nhưng nghĩa vụ nợ dự phòng, rủi ro tỷ giá, nhất là bảo lãnh Nhà nước với DN… vẫn tiếp tục là những thách thức thách thức lớn trong các năm tới.

Thứ tư, hiệu quả, hiệu lực quản trị quản lý vốn Nhà nước tại khu vực DNNN đang là thách thức lớn cho sự bền vững nền tài chính.

Thách thức thứ năm là xây dựng thể chế để sao cho giải quyết được thách thức lớn nhất của nền kinh tế hiện nay đó là giảm chi phí vốn cho khu vực DN.

8 tháng qua, trái phiếu Chính phủ được đấu giá thời hạn 10 năm với lãi suất 4,12%. Nhưng chi phí cho vay đầu tư trung và dài hạn của NHTM là 9,6%. Nếu đứng ở góc độ tài chính, khi cộng đồng DN còn cơ bản dựa vào tín dụng với dư nợ tín dụng ngân hàng bằng 1,4% GDP trong khi tỷ lệ hợp lý là 0,6-0,8%. Do đó, để nền tài chính bền vững thì phải giải quyết được vấn đề này. 

Thách thức thứ 6 là phải tạo thuận lợi cho thương mại hơn nữa. Dù đã có nhiều tiến bộ được các tổ chức quốc tế ghi nhận, xếp hạng môi trường kinh doanh tăng vượt được 80 bậc trong 3 năm qua lên đến vị trí thứ 83 nhưng theo thông lệ quốc tế, xếp hạng 1-20 là tiên tiến, ở các xếp từ 60 đến 80 là thứ hạng trung bình.    

Các tham luận ở Diễn đàn chỉ ra vẫn còn sự mâu thuẫn đan xen giữa các mục tiêu nhanh, toàn diện và bền vững. Tăng trưởng kinh tế ở mức thấp hơn tiềm năng, năng lực cạnh tranh quốc gia còn thấp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm.

Trước những khó khăn và thách thức trên, yêu cầu tái cấu trúc tài chính quốc gia nhằm hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững lại càng trở nên cấp thiết.

Tại Diễn đàn lần này, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá thực trạng tái cấu trúc tài chính công ở Việt Nam, nhận diện mối quan hệ tác động hai chiều giữa tái cấu trúc tài chính công và phát triển toàn diện bền vững; Từ đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất và thông điệp chính sách cụ thể nhằm góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn kinh tế - tài chính mà xã hội đặt ra.

Để tái cấu trúc nền tài chính quốc gia, cần huy động hợp lý và kịp thời, đầy đủ các nguồn thu ngân sách Nhà nước trên cơ sở tiếp tục cải cách hệ thống thuế, phí phù hợp với kinh tế thị trường theo hướng công khai, công bằng, thống nhất và đồng bộ.

“Chính sách tài chính, thuế phải mang tính chiến lược, hướng vào mục tiêu phát triển dài hạn, giảm gánh nặng thuế phí, lệ phí cho DN, tạo động lực khuyến khích sản xuất, tăng quy mô, mở rộng diện thu ngân sách Nhà nước”, ông Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam phát biểu.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến