Dòng sự kiện:
Ngành tài chính quyết tâm vượt dự toán, quản lý chi ngân sách chặt chẽ
28/01/2020 11:27:19
Năm 2020, ngành tài chính quyết tâm thu đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao để hoàn thành dự toán thu của cả 5 năm. Cùng với đó, ngành tổ chức điều hành, quản lý chi ngân sách Nhà nước chặt chẽ.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã chia sẻ với báo giới xung quanh vấn đề này.

-Thưa Thứ tưởng, tình hình trong nước và quốc tế năm 2020 dự báo vẫn còn nhiều thách thức. Bộ Tài chính đã lường những vấn đề này ra sao để hoàn thành các mục tiêu đề ra?

- Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc triển khai Kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016 - 2020. Trước hết, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện thể chế, nhất là trong các lĩnh vực thuế, tài chính doanh nghiệp, chứng khoán, bảo hiểm, đổi mới đơn vị sự nghiệp công; thúc đẩy cải cách hành chính, hiện đại hóa, góp phần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp; tổ chức thực hiện tốt Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7 và nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2020.

Năm 2020, ngành tài chính được Quốc hội giao dự toán thu là 1.512,3 nghìn tỷ đồng. Một trong những mục tiêu được ngành tài chính đặt ra trong năm 2020 là tăng thu NSNN khoảng 3% so với dự toán Quốc hội giao. Để hoàn thành mục tiêu trên là không hề dễ dàng. Bởi lẽ, ngành tài chính đang gặp phải thách thức không nhỏ trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với khó khăn từ bên ngoài cũng như nội tại, như thiên tai, dịch bệnh, bất ổn trong quan hệ thương mại khu vực và thế giới.

Cùng với đó, ngành tài chính sẽ tổ chức điều hành, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách; tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, nợ của chính quyền địa phương. Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách trong xây dựng pháp luật, thực thi công vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong thu, chi NSNN, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản; thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm toán.

Ngoài ra, toàn ngành tăng cường công tác quản lý giá, thị trường; tiếp tục phát triển đồng bộ các loại hình thị trường tài chính; đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả và đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, giá dịch vụ công; chủ động hợp tác, hội nhập tài chính quốc tế; thực hiện cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Đối với lĩnh vực hải quan, cần phải theo dõi sát tình hình hoạt động của doanh nghiệp xuất nhập khẩu, khả năng thu nộp NSNN; kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về chính sách thuế; tăng cường công tác quản lý thu, khai thác nguồn thu, chống thất thu; đẩy mạnh công tác quản lý thu nợ thuế, kiểm tra sau thông quan, phấn đấu hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách được giao.

Tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các vụ buôn lậu, gian lận về xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; chống thất thu qua trị giá, mã hàng hóa, chủng loại hàng hóa… Đây là một nhiệm vụ được đánh giá là sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2020 và những năm tới đây. Do vậy, rất cần có sự phối hợp, triển khai các giải pháp đồng bộ ở tất cả các cấp, các ngành, địa phương, cũng như của chính cộng đồng doanh nghiệp và người dân, nhằm vừa đảm bảo tạo điều kiện phát triển giao thương kinh tế, vừa nâng cao việc tuân thủ pháp luật, đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao trong bối cảnh nền kinh tế đất nước tiếp tục mở cửa hợp tác sâu rộng với các nền kinh tế trên thế giới. 

-Năm 2019 đã trôi qua với nhiều thách thức. Kinh tế thế giới, thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm lại; cạnh tranh chiến lược và căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn gia tăng. Trong khi đó, nội tại của nền kinh tế cũng gặp những khó khăn. Thứ trưởng có những nhìn nhận như thế nào về những nỗ lực mà ngành tài chính đã vượt qua?

- Trước hết, chúng ta hết sức phấn khởi với kết quả phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước đã tiếp tục hoàn thành toàn bộ các mục tiêu mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặt ra. Trong đó, riêng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã lần đầu tiên vượt mốc 500 tỷ USD. Đó là thành quả với sự nỗ lực, chung sức của toàn bộ hệ thống chính trị, của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, cũng như sự tin tưởng góp sức của các đối tác, tổ chức quốc tế.

Thu NSNN năm 2019 của ngành tài chính đã vượt 5% dự toán Quốc hội giao và là năm thứ 4 liên tiếp Bộ Tài chính hoàn thành vượt dự toán thu NSNN được Quốc hội giao (tính từ năm 2016 đến nay). Cơ cấu thu NSNN chuyển dịch tích cực như: Tỷ trọng thu nội địa tăng lên, tỷ trọng thu từ dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) giảm dần, qua đó thể hiện tính bền vững của nguồn thu NSNN. Việc liên tục vượt thu NSNN có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc đảm bảo các nhiệm vụ chi của Nhà nước, từ đó góp phần thực hiện tốt Kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016 - 2020. 

Chi NSNN được thực hiện chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả. Cơ cấu chi NSNN cũng chuyển biến tích cực theo hướng tăng chi cho đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên. Các chỉ số về bội chi NSNN và nợ công luôn được Bộ Tài chính kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả và đều nằm trong giới hạn Quốc hội cho phép. Tỷ lệ bội chi NSNN năm 2019 giảm xuống còn 3,4% GDP (chỉ số này năm 2018 là 3,46% GDP, dự toán Quốc hội giao là 3,6% GDP). Tỷ lệ nợ công năm 2019 cũng giảm xuống còn 56,1% GDP, trong đó nợ Chính phủ là 49,2%, nợ nước ngoài của quốc gia là 45,8%, đều thấp hơn mục tiêu Quốc hội giao tại Kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016-2020 lần lượt là không quá 65%, 54% và 50% GDP.

Cùng với đó, cơ cấu nợ công đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng bền vững. Cụ thể: Đa dạng hóa các nhà đầu tư trái phiếu Chính phủ, giảm tỷ trọng nắm giữ trái phiếu của ngân hàng thương mại xuống 47%; tăng tỷ trọng nắm giữ của các tổ chức tài chính khác lên 53%; phát hành trái phiếu kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên (bao gồm cả kỳ hạn dài 20 - 30 năm), giảm lãi suất huy động,…

Việc thu đúng, thu đủ vào NSNN, tích cực triển khai các giải pháp chống thất thu, kiểm soát chặt chẽ tỷ lệ bội chi NSNN và nợ công đã góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia và đảm bảo tính an toàn của nền tài chính đất nước.

-Thưa Thứ trưởng, năm 2019 mặt trận chống buôn lậu, gian lận thương mại nổi lên với nhiều vụ việc lớn được phát hiện, bắt giữ và xử lý. Thứ trưởng có thể chia sẻ về những nội dung chính của hoạt động này?

- Với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, năm 2019, các lực lượng chức năng đã điều tra phát hiện, bắt giữ và xử lý những vụ việc lớn, thu hút sự quan tâm của dư luận, trong đó đặc biệt là những vụ vận chuyển và tàng trữ trái phép chất ma túy, gian lận và giả mạo xuất xứ hàng hóa…  

Trong những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam đã có độ mở rất lớn trong hợp tác giao thương kinh tế với thế giới, cùng với chiều dài biên giới tiếp giáp với các nước cũng rất lớn cả ở trên biển và trên đất liền. Chính vì vậy, công tác đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới ngày càng diễn biến phức tạp và là vấn đề luôn được Chính phủ quan tâm chỉ đạo sát sao, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, các bộ, ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt và thực hiện nhiều giải pháp để phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn. 

Đặc biệt, trên mặt trận đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép các chất ma túy xuyên quốc gia, với mục tiêu là cương quyết không để Việt Nam trở thành điểm trung chuyển ma túy, Bộ Tài chính trong chức năng nhiệm vụ được giao đã chỉ đạo lực lượng hải quan quyết liệt, chủ động vào cuộc, tăng cường phối hợp với lực lượng công an, bộ đội biên phòng tổ chức lập và đấu tranh với nhiều chuyên án lớn, triệt phá thành công nhiều đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia được lãnh đạo Chính phủ; lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Tài chính biểu dương khen thưởng.

Năm 2019 (tính từ 16/12/2018 đến 15/12/2019), lực lượng kiểm soát hải quan toàn ngành đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý: 17.168 vụ vi phạm pháp luật về hải quan (tăng 3,22% so với năm 2018). Trong đó, có 487 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; 194 vụ ma túy; 14 vụ vi phạm sở hữu trí tuệ và hàng giả; 16.446 vụ vi phạm hành chính); trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 3.004 tỷ đồng (tăng hơn 76,7% so với năm 2018). Kết quả, qua công tác xử lý vi phạm, cơ quan hải quan đã thu nộp ngân sách hơn 477,8 tỷ đồng (tăng hơn 36% so với năm 2018). Cơ quan hải quan đã khởi tố 53 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 168 vụ. 

Đối với công tác đấu tranh chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chúng ta đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng lĩnh vực này sẽ còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Có thể thấy năm 2019, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc ngày càng “nóng”, xuất hiện dấu hiệu của việc giả mạo xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu của hàng hóa Việt Nam chuyển tải bất hợp pháp. Những gian lận này đã tác động ảnh hưởng làm cho khả năng một số hàng hóa của Việt Nam bị điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế đối kháng, qua đó gây mất uy tín của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế, ảnh hưởng chung đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, gây tổn hại đến nền kinh tế và thương hiệu Việt.

Trước tình hình đó, ngày 4/7/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 824/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ". Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch hành động số 1662/QĐ-BTC ngày 23/8/2019 để triển khai thực hiện, đồng thời chỉ đạo Tổng cục Hải quan nghiên cứu đưa ra các giải pháp cụ thể. Theo đó, cơ quan hải quan đã khoanh vùng có 15 nhóm mặt hàng có nguy cơ gian lận, giả mạo C/O cao. Kết quả, cơ quan hải quan đã điều tra làm rõ nhiều vụ việc gian lận C/O đối với nhiều nhóm mặt hàng nhôm, sắt thép, xe đạp, đồ điện tử, gỗ ván ép... mà thông tin báo chí đã đưa tin.

-Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến