Năm 2021, ngành y tế tiếp tục căng mình chống dịch ở tất cả các mặt trận để ngăn chặn đà lây lan của những biến chủng ngày càng nguy hiểm của SARS-CoV-2. Nhằm hạn chế số ca mắc và tử vong, đồng thời duy trì được cuộc sống bình thường mới, đã có nhiều chiến lược phòng chống dịch được đưa ra, đúc kết thành những bài học kinh nghiệm để tạo sự chủ động trong ứng phó với dịch bệnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh/Vũ Khuyên
Song trong năm 2021, ngành y tế cũng ghi nhận những nốt buồn khi hàng nghìn nhân viên y tế xin nghỉ việc, hàng loạt cán bộ lãnh đạo bị xử lý kỷ luật, khởi tố, bắt giam vì các vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực mua sắm, đấu thầu, đòi hỏi phải có giải pháp để cải tổ bộ máy, giúp trong sạch đội ngũ để có thể vực dậy từ chính đại dịch.
“Thêm một lần nữa bày tỏ tình cảm sâu sắc, lời cảm ơn chân thành đội ngũ thầy thuốc, những chiến sỹ áo trắng đã có mặt trên tuyến đầu của cuộc chiến đấu bằng tất cả tinh thần trách nhiệm, tấm lòng, nghĩa cử, sự hy sinh vượt mọi khó khăn của các lực lượng. Con số lên tới 25.000 người - đây là đợt huy động lực lượng lớn nhất của ngành y tế. Không có lời nào nói hết được sự hy sinh đó", đó là lời tri ân mà ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư thành ủy TP.HCM gửi tới ngành y tế trong lần ông ra Hà Nội công tác cách đây chưa lâu.
So với 3 đợt dịch đầu tiên năm 2020, đợt dịch lần thứ 4 xuất hiện cùng biến chủng Delta từ cuối tháng 4 đã để lại những tác động trực tiếp và nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt từ sức khỏe đến đời sống kinh tế, xã hội của người dân. Riêng tâm dịch TP.HCM, có số ca mắc lên đến gần 500.000 người, số ca tử vong chiếm đến 2/3 tổng số ca tử vong trong cả nước. Trong hoàn cảnh cam go đó, Bộ Y tế đã kêu gọi và huy động hàng vạn nhân viên y tế lên đường chi viện cho TP.HCM với mục tiêu sớm đẩy lùi dịch bệnh, trả lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Là một trong những bệnh viện có hàng trăm nhân viên y tế được huy động vào Trung tâm Hồi sức Covid số 16 cùng 600 y bác sỹ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tại TP.HCM, PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc bệnh viện Phụ sản Trung ương khẳng định, trong đại dịch, tinh thần sẵn sàng lên đường đã khắc họa đậm nét sứ mệnh của đội ngũ thầy thuốc áo trắng.
"Chưa bao giờ ngành y tế có cuộc vận động lớn thế này, chưa bao giờ tinh thần của cán bộ nhân viên y tế lại thể hiện một cách rõ nét sứ mệnh chữa bệnh cứu người. Dịch bệnh lần đầu tiên có trên thế gian này, số người chết không từ một ai, cứ vận động là đi, đi không đòi hỏi điều gì, đi để chống dịch, đó là sự thật", PGS.TS Trần Danh Cường chia sẻ.
Giai đoạn cao điểm chống dịch, các giải pháp chuyên môn chưa từng có trong tiền lệ như: Cách ly, điều trị F0 tại nhà; xét nghiệm thần tốc, phân tầng điều trị, thiết lập trạm y tế lưu động, trung tâm hồi sức tích cực. Chiến lược phòng chống dịch luôn được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với thực tiễn theo từng hoàn cảnh, diễn biến của dịch.
Đặc biệt, trong năm 2021, lần đầu tiên thực hiện thông qua chiến lược vaccine thần tốc với quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại Việt Nam mà nhờ đó đã mang lại những tín hiệu tích cực.
Đến thời điểm này, gần 90 triệu người đã được tiêm vaccine Covid-19, trong đó gần 70 triệu người đã tiêm đủ liều, chiếm gần 70% dân số được tiêm phòng, trở thành một trong những quốc gia có độ bao phủ vaccine cao, vượt mục tiêu mà Tổ chức Y tế thế giới đề ra. Nhờ bao phủ được vaccine, số bệnh nhân nặng trong quý 4 đã giảm 70% so với tháng quý 3 năm 2021. Nhờ bao phủ vaccine, hàng loạt các tỉnh, thành phố đã nới lỏng giãn cách, khôi phục lại cuộc sống bình thường mới từ cuối tháng 9, đầu tháng 10. Để ứng phó với biến chủng Omicron cùng nhiều biến thể mới của SARS-CoV-2, từ giữa tháng 12/2021, Việt Nam tổ chức tiêm vaccine liều bổ sung cho người cao tuổi, người bệnh nền và lực lượng tuyến đầu chống dịch. Dự kiến đến tháng 2 năm 2022 sẽ bao phủ mũi 3 cho 80% dân số. |
Tuy vậy, với số ca mắc và tử vong vì dịch Covid-19 từ cuối tháng 11 đến nay liên tục tăng cao, câu chuyện phòng chống dịch để hạn chế số ca mắc mới và tử vong không còn là việc của riêng ngành y tế. GS.TS Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng tổ Hội chẩn bệnh nhân Covid 19 nặng, Tiểu Ban Điều trị bệnh nhân Covid-19 quốc gia, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần sự kết nối bài bản hơn, tỉ mỉ hơn giữa các cấp, các ngành mới có thể tạo sức mạnh khống chế dịch bệnh.
“Mặc dù các cấp chính quyền đã quan tâm đến y tế nhưng hiện nay thuốc men, dụng cụ bảo hộ... cho các bệnh viện vẫn thiếu. Ở nơi nào các cấp chính quyền thực sự quan tâm sâu sát, chỉ đạo quyết liệt thì sẽ rất tốt như Nghệ An, Đà Nẵng. Còn một số tỉnh chính quyền chưa quyết liệt, đi vào làm việc thì không có gì cả nên tỷ lệ tử vong còn cao. Sự kết nối tỉ mỉ chi tiết chúng ta không có, trạm y tế phường với vài ba nhân viên phải phụ trách hàng vạn dân. Do vậy cần huy động lực lượng xã người về hưu, tình nguyện viên, tổ chức tôn giáo, mỗi người một tay một chân, xã hội chúng ta nhiều người tham gia vào hơn thì thành quả chúng ta sẽ tốt hơn", GS.TS Nguyễn Gia Bình cho hay.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, từ những bài học rút ra trong công tác phòng chống dịch, ngành y tế đang tập trung củng cố, đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng để đảm bảo năng lực ứng phó với các dịch bệnh trong tương lai.
“Chúng tôi sẽ trình Quốc hội đề án sắp xếp lại bộ máy y tế cơ sở trong đó tăng đầu tư, và phải đầu tư thực sự cho y tế cơ sở để khi xảy ra việc còn có thể xoay xở. Rồi hệ thống y tế dự phòng đáp ứng dịch bình thường, nhưng đại dịch hoàn toàn khác, nên y tế dự phòng cũng phải đầu tư, sắp xếp lại bộ máy, vấn đề chế độ chính sách, rồi vấn đề chuẩn bị hậu cần, chuẩn bị trang thiết bị, giờ ngành y tế phải theo hướng đẩy mạnh tất cả những cái đó để chủ động hơn trong đại dịch”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Bên cạnh những thành quả lớn lao, ngành y tế cũng ghi nhận những nốt buồn khi lần đầu tiên ghi nhận số cán bộ, nhân viên y tế xin nghỉ việc lên tới hàng nghìn người, nhiều nhất là tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam do áp lực công việc quá lớn, trong khi thu nhập chỉ ở mức 5-6 triệu/người/tháng.
Nốt buồn thứ 2, đó là việc trong năm, ngành y tế có số cán bộ bị kỷ luật, khởi tố, bắt tạm giam với số lượng lớn. Điển hình là vụ vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại bệnh viện Tim Hà Nội, Viện mắt TP.HCM, Sở Y tế Cần Thơ, dược phẩm Cửu Long... Mới nhất là hai cán bộ CDC Hải Dương liên quan đến đường dây thổi giá kit test COVID-19 của công ty Việt Á.
Nhìn nhận về nguyên nhân dẫn tới thực tế đau lòng này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, một phần do cơ chế, do sự hướng dẫn và đặc biệt những vi phạm này mang tính cá nhân, mặc dù quy định đấu thầu rất cụ thể nhưng vẫn có sai phạm rồi tham ô, tham nhũng vẫn xảy ra.
Khắc phục tình trạng này, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo đảm công khai, minh bạch, để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, xử lý nghiêm các sai phạm. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường giám sát với đơn vị trên địa bàn để ngăn ngừa, phòng chống, xử lý các trường hợp vi phạm.
“Tới đây chúng ta ban hành Nghị định về đấu thầu, về giá, Thủ tướng liên tục có chỉ đạo đảm bảo công khai minh bạch, phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm trong mua sắm. Tôi trân trọng đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra giám sát việc này. Chúng ta mặc dù rất đau đớn nhưng vẫn phải làm theo các quy định của pháp luật, làm sao lành mạnh hóa quy định trong đấu thầu, mua sắm làm sao đảm bảo phòng chống dịch, đảm bảo chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân", Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ thêm.
Đại dịch Covid-19 vừa là thử thách vừa là cơ hội để ngành y tế kiểm soát, thanh lọc các cán bộ vi phạm, tái cơ cấu lại bộ máy, xây dựng hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng vững mạnh, từ đó lấy lại niềm tin yêu, trân trọng của nhân dân đối với đóng góp to lớn của đội ngũ y tế trên mặt trận phòng chống dịch và bảo vệ sức khỏe nhân dân./.
Tác giả: Thúy Ngà
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy