Dòng sự kiện:
Ngập nợ, đại gia Đức Long Gia Lai vẫn đem 2.400 tỷ đồng cho người khác vay
19/09/2021 08:50:03
Đức Long Gia Lai đang cho nhiều tổ chức, cá nhân vay tổng cộng 2.410 tỷ đồng, không hề có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của bên thứ ba trong khi bản thân doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Bản thân khó khăn, vẫn đi cho vay 2.400 tỷ đồng

Báo cáo tài chính kiểm toán của Công ty Cổ phần Đức Long Gia Lai (mã chứng khoán: DLG) tiết lộ nhiều vấn đề của doanh nghiệp phố núi này.

Đức Long Gia Lai đã cho một số tổ chức, cá nhân vay với số tiền 2.410 tỷ đồng. Các khoản cho vay này không có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của bên thứ ba.

Trong đó, công ty cho nhiều đối tượng vay ngắn hạn 1.192 tỷ đồng và vay dài hạn 1.218 tỷ đồng. Khoản cho vay lớn nhất trị giá hơn 580 tỷ đồng lại không được thuyết minh cụ thể mà chỉ chú thích "cho các đối tượng khác vay".

Ngoài các doanh nghiệp, hai cá nhân cũng vay của Đức Long Gia Lai số tiền rất lớn với giá trị các khoản vay lần lượt là 108 tỷ đồng và 132 tỷ đồng mà không cần tài sản thế chấp hay bảo lãnh. Phần lớn các khoản cho vay trên có lãi suất trên 10%/năm.

Lý giải về vấn đề cho vay không cần tài sản thế chấp, lãnh đạo công ty cho biết HĐQT đã được đại hội cổ đông thường niên ủy quyền quyết định thực hiện các hợp đồng giao dịch với đối tượng, người có liên quan. Tất cả các khoản cho vay có giá trị nhỏ hơn 35% tổng tài sản công ty.

Ngoài các khoản cho vay "hào phóng" nói trên, doanh nghiệp phố núi còn bị kiểm toán nhấn mạnh khoản lỗ lũy kế 842 tỷ đồng đến cuối tháng 6. Các khoản nợ ngắn hạn cũng đã vượt tài sản ngắn hạn trên báo cáo tài chính của Đức Long Gia Lai 239 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn một số khoản nợ phải trả, vay đã quá hạn thanh toán với tổng giá trị ước tính 1.808 tỷ đồng.

Trụ sở của Đức Long Gia Lai tại TP Pleiku, Gia Lai (Ảnh: DLG).

"Các điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn", kiểm toán viên nêu ý kiến về tình hình của doanh nghiệp phố núi.

Nợ nần chồng chất

6 tháng đầu năm nay, Đức Long Gia Lai đạt doanh thu thuần 903 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Công ty cũng có lợi nhuận sau thuế 23 tỷ đồng, nhưng không thấm tháp vào đâu so với khoản lỗ lũy kế hơn 800 tỷ đồng.

Xuất phát điểm là một xí nghiệp chế biến gỗ thành lập năm 1995 rồi phát triển thành tập đoàn đa ngành, hiện Đức Long Gia Lai hoạt động trải dài trên nhiều lĩnh vực từ bất động sản, cơ sở hạ tầng (dự án BOT, BT), sản xuất linh kiện điện tử, năng lượng.

Tình hình tài chính của doanh nghiệp phố núi xấu đi từ năm 2019 khi lần đầu báo lỗ 7 tỷ đồng. Năm ngoái, công ty lỗ ròng hơn 900 tỷ đồng, lập kỷ lục buồn trong lịch sử hoạt động sau khi phải trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, hạch toán lỗ từ thanh lý chứng khoán kinh doanh, lỗ sau khi thanh lý các khoản đầu tư tài chính hàng trăm tỷ đồng.

Đến cuối tháng 6, tổng tài sản của Đức Long Gia Lai đạt gần 8.200 tỷ đồng. Nhưng nợ phải trả lên tới gần 5.700 tỷ đồng. Đặc biệt, các khoản vay ngắn hạn, dài hạn lên tới gần 3.900 tỷ đồng.

Trong đó, các chủ nợ lớn nhất của doanh nghiệp gồm BIDV, Sacombank, VietinBank. Ngoài hàng loạt tài sản của doanh nghiệp bị đem đi thế chấp cho ngân hàng vay vốn, vợ chồng Chủ tịch HĐQT Bùi Pháp cũng bảo lãnh cho công ty vay vốn.

Cho nhiều cá nhân vay không cần tài sản đảm bảo hay bảo lãnh, bản thân Đức Long Gia Lai cũng được một cá nhân là ông Trịnh Đình Trường cho vay 138 tỷ đồng tín chấp, không lãi suất.

Sau năm 2020 với khoản lỗ kỷ lục hơn 900 tỷ đồng, năm nay Đức Long Gia Lai chỉ đặt mục tiêu dè dặt doanh thu 2.000 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 50 tỷ đồng. So với kế hoạch này, công ty hoàn thành gần 50% chỉ tiêu kinh doanh sau một nửa thời gian.

Trả lời cổ đông tại họp hội thường niên năm nay, ban lãnh đạo Đức Long Gia Lai vẫn khẳng định định hướng chiến lược của doanh nghiệp là đúng đắn, phù hợp. Tuy nhiên, công ty lý giải đại dịch Covid-19, thiên tai xảy ra trong năm 2020 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, ban lãnh đạo doanh nghiệp phố núi còn cho rằng công cuộc phòng chống tham nhũng có hiệu lực, hiệu quả, đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai các thủ tục đầu tư của tập đoàn. Đây là nguyên nhân chính làm cho kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp không đạt kế hoạch đề ra.

Thị giá cổ phiếu DLG hiện tại chỉ hơn 3.000 đồng (Ảnh: TV).

Lãnh đạo công ty cũng cam kết với cổ đông tiếp tục tái cấu trúc các ngành nghề, tái cấu trúc tài chính toàn diện, thoái vốn, chuyển nhượng các dự án, tài sản đầu tư kém hiệu quả, tập trung nguồn lực và mời gọi các đối tác là các doanh nghiệp lớn trong nước tham gia đầu tư vào những dự án tiềm năng.

Dù ban lãnh đạo Đức Long Gia Lai chia sẻ tin tưởng trong tương lai không xa, cổ phiếu DLG sẽ tăng trưởng trở lại về mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu), thị giá hiện tại của DLG chỉ vỏn vẹn 3.400 đồng. Vốn hóa thị trường tương ứng của doanh nghiệp chỉ còn hơn 1.000 tỷ đồng.

Tác giả: Việt Đức

Theo: Dân Trí
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến