Không những vậy, chính quyền sở tại thành phố Vinh để công trình sai phạm tồn tại kéo dài suốt hơn 2 năm qua, khi tiến hành rốt ráo kiểm tra thì không thể xử phạt vì đã để hết thời hiệu?
Thửa đất số 89, tờ bản đồ số 25, diện tích 346,95m2 đã được gia đình ông Hồ Sỹ Tiến sử dụng (nhà tích mũi tên xanh) và (nhà tích mũi tên đỏ) được xây dựng sai phép trên đất vườn do ông Lê Đình Lý – Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An sử dụng từ khi xây xong đến nay.
Cấp phép cho dân xây dựng nhà sai phép trên đất vườn
Theo tìm hiểu được được biết, ông Hồ Sỹ Tiến có thửa đất tổng diện tích 346,95m2 được UBND thành phố Vinh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng số 344393 ngày 21/6/2004 thuộc thửa đất số 89, tờ bản đồ số 25. Trong tổng diện tích 346,95m2, chỉ được 150m2 đất ở còn lại là đất vườn, nhưng trước đó ông Tiến đã xây dựng một căn nhà 2 tầng kiên cố trên khoảng 186m2 tại thửa đất này tại địa chỉ số 11, đường Tôn Thất Tùng, Hưng Dũng, thành phố Vinh (Nghệ An).
Đến đầu năm 2017, do có nhu cầu về nhà ở cho con cái, ông Hồ Sỹ Tiến lại tiếp tục làm hồ sơ cấp phép xây dựng một căn nhà 3 tầng ngay trên thửa đất số 89 mà trước đó ông đã tiến hành xây dựng căn nhà 2 tầng trên 150m2 phần đất ở.
Theo quy định, để tiếp tục xây dựng nhà thứ 2 trên khu đất 346,95m2 thuộc thửa đất số 89, gia đình ông Tiến phải làm các thủ tục sang nhượng, tách thửa, xin chuyển đổi mục đích sử dụng (từ đất vườn sang đất ở) cũng như các thủ tục nghĩa vụ thuế với Nhà nước vì 150m2 đất ở của thửa đất này đã được ông Tiến sử dụng xây căn nhà 2 tầng trước đó khá nhiều năm nhưng gia đình ông Tiến lại cố tình bỏ qua các quy định trên.
Kỳ lạ hơn, phần diện tích mà gia đình ông Tiến xin cấp phép xây nhà ở đây vẫn đang là đất vườn chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất ở, chưa đóng thuế cho Nhà nước nhưng ông Lê Sỹ Chiến - Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh vẫn cấp Giấy phép xây dựng số 122 ngày 18/01/2017 cho ông Hồ Sỹ Tiến được phép xây dựng căn nhà thứ 2 trên thửa đất số 89 này.
Bên cạnh đó, theo Giấy phép xây dựng số 122 thì ông Tiến được phép xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ (cấp III) với chiều cao 4 tầng là 15,65m (trong đó tầng 1 là 3,6m; tầng 2,3,4 là 3,3m; mái 1,7m). Tổng diện tích sàn 331,09m2 (trong đó diện tích tầng 1, 2,3 là 101,92m2; tầng 4 là 25,33m2).
Giấy phép là vậy, nhưng trong quá trình xây dựng, gia đình ông Tiến đã cố tình xây vượt tầng, vượt diện tích, không đúng với giấy phép được cấp.
Cụ thể, trong Giấy phép cho xây dựng 3 tầng với ô cầu thang (tầng 4 với diện tích 25,33m2) nhưng hiện trạng căn nhà lại được đổ bằng hết tầng 4, làm hết tầng áp mái (tầng 5) khiến diện tích vượt phép ở 2 tầng này lên đến cả trăm m2. Ngoài ra tại các tầng 1,2,3 Giấy phép cho xây dựng là 101,92m2/tầng nhưng thực tế đã vượt lên rất nhiều khiến tổng diện tích sàn gấp nhiều lần.
Theo tìm hiểu được biết, ông Hồ Sỹ Tiến là bố vợ ông Lê Đình Lý, hiện tại đang làm Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An. Ngôi nhà 5 tầng mà ông Hồ Sỹ Tiến xin cấp phép và tiến hành xây dựng nói trên do gia đình ông Lê Đình Lý sử dụng từ cuối năm 2017 đến nay.
Chính quyền “tắc trách” hay cố tình “nhắm mắt làm ngơ” để hết thời hiệu xử lý?
Việc xây nhà trái phép của ông Tiến dù được cấp phép xây dựng trên đất nông nghiệp và tổ chức xây dựng không đúng với Giấy phép xây dựng, nhưng suốt khoảng thời gian xây dựng ngôi nhà kéo dài gần 1 năm (khoảng cuối năm 2017 xây xong và dọn vào ở) mà các lực lượng chính quyền phường Hưng Dũng, đội Trật tự đô thị thành phố, phòng Quản lý đô thị thành phố Vinh cũng như phía UBND thành phố không hề kiểm tra, phát hiện sai phạm nói trên.
Mãi đến khoảng cuối năm 2019 (tức là khoảng gần 3 năm sau) khi dư luận và nhân dân tố cáo sự việc sai phạm. UBND thành phố Vinh mới chỉ đạo UBND phường Hưng Dũng kiểm tra, xác minh.
Ngày 23/12/2019, Chủ tịch phường Hưng Dũng Nguyễn Như Hải có Báo cáo số 471/BC.UBND với nội dung hết sức sơ sài, chung chung, không “dám” nhắc đến xây dựng sai phép, vượt tầng, xây dựng trên đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích tại căn nhà 5 tầng này.
Ngày 21/01/2020, UBND thành phố Vinh có văn bản chỉ đạo Chủ tịch UBND phường Hưng Dũng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao tại công văn số 471, nếu vượt thẩm quyền thì trình cấp có thẩm quyền theo quy định.
Tiếp đó, ngày 4/3/2020, UBND phường Hưng Dũng có Báo cáo số 62/BC.UBND gửi UBND thành phố với nội dung cụ thể: “Hiện trạng, gia đình ông Hồ Sỹ Tiến đã xây dựng nhà ở trái phép trên đất vườn chưa được chuyển quyền mục đích sử dụng đất ở, mà ngang nhiên xây dựng nhà 5 tầng cả tầng áp mái”. UBND phường Hưng Dũng cho biết: Về hiện trạng gia đình ông Hồ Sỹ Tiến (bố vợ ông Lý) đã xây dựng nhà 04 tầng (chưa bao gồm phần mái che bằng tôn), kết cấu bê tông cốt thép trên thửa đất số 89, tờ bản đồ 25, gia đình ông Hồ Sỹ Tiến đã đưa vào sử dụng từ tháng 12/2017.
Về nội dung: “Xây dựng diện tích m2 nhà ở và số tầng không đúng theo thiết kế, giấy phép xin 3 tầng mà làm nhà lên 5 tầng”.
Ngày 11/5/2020, UBND phường Hưng Dũng lại tiến hành kiểm tra và lập biên bản hiện trạng số 36/BB-QTTTTĐT và ngày 13/05/2020 UBND phường Hưng Dũng tiếp tục lập biên bản vi phạm hành chính số 84/BB-VPHC đối với hành vi vi phạm hành chính của hộ gia đình ông Hồ Sỹ Tiến gửi báo cáo về UBND thành phố Vinh xử lý.
Thế nhưng, ông Lê Sỹ Chiến - Phó chủ tịch UBND thành phố Vinh đã ký ban hành Văn bản số 2497/UBND-QLĐT, ngày 18/5/2020 về việc xử lý vi phạm hành chính của ông Hồ Sỹ Tiến.
Tại Văn bản số 2497 này, UBND thành phố Vinh ghi rõ: Về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự xây dựng của ông Hồ Sỹ Tiến có vi phạm nhưng đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính vì vi phạm trên kết thúc từ 12/2017. Theo đó, hành vi vi phạm hành chính nêu trên không bị người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.
Tuy nhiên, đối chiếu với quy định tại Khoản 5, Điều 79, Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 17/11/2017, hành vi vi phạm hành chính của ông Hồ Sỹ Tiến không bị áp dụng biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp tính theo tỷ lệ giá trị phần xây dựng sai phép.
Cũng tại Văn bản số 2497, UBND thành phố Vinh đã “mở lối” cho ông Hồ Sỹ Tiến hoàn thiện các thủ tục liên quan và hồ sơ cấp phép điều chỉnh theo đúng quy định và nộp hồ sơ xin cấp phép qua bộ phận tiếp nhận của thành phố trước ngày 20/7/2020.
Lạ thay, với việc cấp Giấy phép xây dựng sai quy định trên đất trồng cây hàng năm, từ đó tiếp tay cho hành vi sai phạm của ông Hồ Sỹ Tiến. Rõ ràng là sai phạm chồng sai phạm nhưng Văn bản này không hề đả động gì đến.
Mặt khác, theo quy định từ chính UBND thành phố Vinh thì các bước trình tự thủ tục cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ trong thành phố cần phải qua ký xác nhận nguồn gốc đất, vị trí, địa giới và giáp ranh các công trình xung quanh của chính quyền phường, xã thì khi nộp vào bộ phận 1 cửa mới được tiếp nhận hồ sơ. Tiếp đến, chuyên viên phòng Quản lý đô thị thành phố tiến hành kiểm tra thủ tục pháp lý liên quan, kiểm tra hiện trạng thực tế thửa đất rồi mới trình tham ký Giấy phép xây dựng.
Nhưng không hiểu vì lý do gì, thửa đất của ông Tiến đã sử dụng hết 150m2 đất ở để xây dựng nhà 2 tầng trước đó. Đất còn lại chỉ là đất vườn không được phép cấp phép xây dựng, vẫn lọt qua được khâu kiểm tra nghiêm ngặt để được ông Lê Sỹ Chiến ký cấp phép cho xây dựng nhà trên khu đất chưa phải là đất ở này?
Hơn nữa, dư luận đang đặt ra câu hỏi, vì sao một công trình triển khai xây dựng rầm rộ ngay mặt tiền đường phố Tôn Thất Tùng, thành phố Vinh lại không hề bị kiểm tra, giám sát và phát hiện sai phạm ngay từ những ngày đầu xây dựng, mà mãi đến hơn 2 năm sau khi thời hiệu xử lý đã quá thời hiệu, các lực lượng chức năng, chính quyền sở tại mới rốt ráo kiểm tra, lập biên bản xử phạt hành chính để rồi kết quả không thể xử phạt?
Vậy chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động xây dựng trên địa bàn theo phân cấp của UBND phường Hưng Dũng, Đội Trật tự đô thị thành phố cũng như các lực lượng chức năng của UBND thành phố Vinh đã có thể làm những gì đối với công trình sai phạm tại hộ gia đình ông Hồ Sỹ Tiến? Phải chăng đây là trường hợp “tắc trách” trong thực hiện nhiệm vụ hay cố tình “nhắm mắt làm ngơ” để công trình sai phạm tồn tại đến lúc hết thời hiệu mới tiến hành xử lý nhằm “hợp thức hóa hồ sơ”?
Cũng theo quy định tại Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng quy định: Trong trường hợp hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả. Trong trường hợp này, biện pháp khắc phục hậu quả là trả lại hiện trạng ban đầu hoặc phá bỏ những phần xây dựng sai phép.
Việc giải thích của ông Lê Sỹ Chiến – Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh và nội dung Văn bản chỉ đạo 2497/UBND-QLĐT có nội dung như ông Chiến nêu là không phù hợp với quy định tại Nghị định 139/2017/NĐ-CP. Việc này đã gây bức xúc trong dư luận.
Thiết nghĩ, đã đến lúc, UBND tỉnh Nghệ An cần chỉ đạo các ngành chức năng sớm vào cuộc thanh tra, kiểm tra, nhằm làm sáng tỏ các sai phạm có dấu hiệu cố tình “bị bỏ quên” trên nếu có? Cần làm rõ tránh nhiệm của từng cá nhân liên quan để có câu trả lời thỏa đáng trước dư luận và nhân dân.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy