Dòng sự kiện:
Nghệ An: Dân bức xúc trạm trộn bê tông nhựa hoạt động 'chui', chính quyền không biết?
29/08/2022 08:54:11
Trạm trộn bê tông nhựa xây dựng tại bản Quang Thịnh, xã Tam Đình, huyện Tương Dương (Nghệ An) hoạt động “chui” trong nhiều tháng nhưng chính quyền sở tại không hề hay biết.

Vừa qua, Đời sống và Pháp luật nhận được phản ánh của người dân về việc trạm trộn bê tông nhựa trên địa phận bản Quang Thịnh, xã Tam Đình, huyện Tương Dương (Nghệ An) hoạt động “chui” trong nhiều tháng nay.

Trạm trộn bê tông nhựa mọc "chui" cách QL 7 chừng 500m.

Thông tin phản ánh cho rằng, trạm trộn bê tông nhựa đã được xây dựng và hoạt động tại bản Quang Thịnh không có giấy phép xây dựng, không có đánh giá tác động môi trường và không hề thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.

Trong ngày 22/8 vừa qua, PV Đời sống và Pháp luật đã trực tiếp lên hiện trường để tìm hiểu, xác minh những thông tin từ người dân phản ánh.

Cách QL7 chừng 500m, men theo đường mòn được đổ bê tông kiên cố vào mỏ đá của Công ty Đại Nam là vị trí xây dựng trạm trốn bê tông nhựa thuộc bản Quang Thịnh. Trạm trộn bê tông to đồ sộ gồm nhiều khối hệ thống máy móc nằm trên một thửa đất rộng chừng 100m2.

Hệ thống máy móc đồ sộ của trạm trộn đứng cách xa 1km cũng có thể trông thấy.

Bên cạnh trạm trộn là khoảng đất rộng chừng 300m2 đang chứa vật liệu xây dựng. Tại nơi tập kết vật liệu có 1 chiếc máy xúc lật in dòng chữ "Công ty cổ phần 456" đang xúc đá.

Thời điểm PV có mặt, tiếng nổ từ trạm trộn bê tông vẫn phát ra. Cùng thời điểm, có 2 chiếc xe tải đang chờ để "ăn hàng" đưa đến địa điểm thi công.

Theo quan sát, phía dưới trạm trộn bê tông không hề có bể thải, phía dưới trạm trộn là vũng nước đổi màu. Cách đó không xa, một vài tấm nhựa đường thải được đổ vầy vã bên mương nước đang bị sạt lở.

Một số người dân địa phương khi được hỏi thì cho biết, điểm xây dựng trạm trộn và nơi tập kết vật liệu là đất của mỏ đá Công ty 484 đã dời đi từ những năm trước đó.

Vật liệu được chất đầy trong các khoang để trạm trộn vận hành.

Đưa những ý kiến phản ánh của người dân trao đổi với lãnh đạo xã Tam Đình, ông Vi Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Tam Đình khẳng định rằng những phản ánh của người dân là có cơ sở.

Ông Thắng thông tin, trạm trộn bê tông nhựa không biết là của đơn vị nào, lúc mới xây dựng (khoảng đầu năm 2022), phía Phòng Tài Nguyên và Môi Trường huyện Tương Dương và xã Tam Đình, trong đoàn có cả ông Thắng cũng đã vào lập biên bản. Sau đó, họ dừng thi công xây dựng nhà máy. Bẵng đi một thời gian, phía xã lại thấy họ xây dựng trở lại.

“Đến nay, phía đại diện của trạm trộn chưa hề xuất trình một giấy tờ gì cho xã”, ông Thắng cho hay.

Trạm trộn bê tông không hề xây dựng các bề thải hay vách ngăn để bảo vệ môi trường trong và ngoài khu vực.

Cũng liên quan đến sự việc nói trên, ngày 24/8 trả lời PV, ông Nguyễn Phùng Hùng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Tương Dương xác nhận, khi vừa xây trạm trộn bê tông nhựa tại xã Tam Đình, phía phòng cũng đã xuống lập biên bản và yêu cầu đình chỉ hoạt động.

Theo ông Hùng, trạm trộn bê tông nhựa nói trên của Công ty cổ phần 456. Phía công ty này dựng trạm trộn nhựa để rải thảm một số tuyến đường trong khu vực.

Đặt vấn đề về việc, trạm trộn bê tông đã có giấy phép hay chưa, ông Hùng cho biết: "Ngày mới bắt đầu thì chưa có giấy phép nên bên phòng mới xuống lập biên bản".

Như vậy, những phản ánh của người dân đến Đời sống và Pháp luật về trạm trộn bê tông mọc "chui" tại xã Tam Đình là hoàn toàn có cơ sở.

Theo tìm hiểu của PV, trạm trộn nói trên đã hoạt động trong nhiều tháng nay, cấp vật liệu cho một công trình thi công đường thuộc huyện Kỳ Sơn.

Các chất thải thừa bị vứt bừa bãi trong khu vực.

Vì sao trạm trộn với hệ thống máy móc hiện đại hoạt động suốt nhiều tháng trời nhưng phía chính quyền xã không hề hay biết của đơn vị nào? Điều này khiến cho người dân trong và ngoài khu vực rất bất bình.

Một số hình ảnh do PV ghi lại:

Đời sống và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin./.

Hồ Phương

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến