Dòng sự kiện:
Nghệ An: Huyện Quỳ Hợp khởi công phục dựng đền linh thiêng
24/05/2023 15:45:44
Sáng 24/5, UBND huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) cùng hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn làm Lễ Khởi công xây dựng, phục dựng đền Le tại xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp.

Dự buổi Lễ Khởi công có các vị lãnh đạo trong Ban thường vụ Huyện ủy Quỳ Hợp, UBND huyện Quỳ Hợp; đại diện của Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ huyện Quỳ Hợp và đông đảo người dân xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp.

Nghi thức cúng trong ngày động thổ.

Đền Le (hiểu theo tiếng Thái là: Tến bàn Le) được dựng trên một đỉnh đồi thấp, gọi Pu Nhả Póm (núi bà thần), gần sát với bờ sông Nặm Huống, thuộc đất của xóm Bản Lè, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp (Nghê An). Đền nằm lệch về phía Đông Nam của xã Châu Quang, cách thị trấn Quỳ Hợp chừng khoảng 2 km. Phía Bắc giáp sông Nậm Huống (Châu Quang); Phía Nam giáp núi Pu Chẻ (xã Châu Quang); phía Tây giáp bản Yên Luốm (xã Châu Quang); Phía Đông giáp Bản Lè (xã Châu Quang).

Tương truyền, đây chính là khu vực mà “cô gái bản Le” đã dùng “cái liếc mắt” (tiếng Thái: Le tá) của mình để ra hiệu cho nghĩa quân xông lên tiêu diệt toàn bộ quân địch ở trên núi Pu Chẻ. Khi cô gái qua đời, đồng bào đã chôn cất ở nơi này (hiện vẫn còn nguyên dấu tích ngôi mộ) sau đó lập đền thờ cúng tại đây để mãi mãi ghi nhớ công lao của cô gái. Họ đặt tên cho ngọn đồi này là “Đồi Nhả Phóm” (tiếng Thái có nghĩa là “đồi Bà Thần”).

Trải qua khoảng 600 năm lịch sử, bản Lè ngày ngay vẫn là một bản nhỏ, chỉ có  44 hộ với 180 nhân khẩu, trong đó chỉ có 12 hộ người Thái. Trước đây người Thái ở Bản Le khá nhiều, thuộc ba họ chính là họ Vi (Hủn Vi), họ Lo (Quán Lo) và họ Lữ. Do nước sông Nậm Huống xói lở, bản thu hẹp dần, làm ăn ngày càng khó khăn cho nên đa số đã bỏ bản Lè đi chỗ khác sinh sống. Họ Lữ vẫn bám trụ mãi ở bản Le cho đến tận khi người Kinh ở miền xuôi lên dắm dân ở bản Lè (năm 1964) và một số người Kinh quanh vùng thuộc họ Cao, họ Trần đến ở rể trong những năm gần đây mà thôi.

Đền Le được dựng lên để thờ bà Nhả Póm, là người có công lớn trong trận tiêu diệt giặc “Xấc Hãn” (giặc Minh) ở trên núi Pu Chẻ.

Nhả Póm thực chất là tên của một ngọn đồi gắn với một bà thần, đó chính là cô gái đã có công lớn trong trận đánh thắng địch trên núi Pu Chẻ, tương truyền là người bản Đôn (nay là xóm Đồn Mộng, thuộc xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An), bị địch bắt lên trên núi Pu Chẻ để phục dịch chúng. Tuy nhiên cô gái này không ai biết tên thật là gì, con của ai, bao nhiêu tuổi, đồng bào chỉ lấy một ngọn đồi để gắn với sự tích truyền thuyết về khởi điểm mà cô gái ấy lập nên chiến công trong trận đánh thắng giặc trên núi Pu Chẻ (đó là cái liếc mắt ra hiệu, giống như một tín hiệu đặc biệt) để đặt tên cho đền thờ đã dựng lên.

Trong tiếng Thái (thuộc nhóm Tày Mường) thì Nhả có nghĩa là bà thần, Póm có nghĩa là ngọn đồi. Nhả Póm có nghĩa là Đồi Bà Thần.

Xây dựng Đền Le là việc làm mang ý nghĩa to lớn, góp phần gìn giữ văn hóa, lịch sử đồng bào dân tộc Thái, mang lại nơi thờ cúng tâm linh cho người dân huyện Quỳ Hợp nói riêng, du khách trong và ngoài tỉnh nói chung.

Các đại biểu đến dự cùng thực hiện nghi thức khởi công công trình.

Công trình Đền Le được chia thành hai giai đoạn với nhiều hạng mục khác nhau.

Kinh phí để xây dựng Đền Le được huy động từ các mạnh thường quân, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Hiện nay, số tiền để xây dựng Đền Le chưa được tiết lộ do có nhiều doanh nghiệp chưa đưa ra con số ủng hộ cụ thể, tuy nhiên, theo nguồn tin mà PV có được, giá trị để xây dựng Đền Le lên đến hơn 10 tỉ đồng.

Dự kiến, đến cuối năm 2024, khuôn viên mới của Đền Le sẽ đi vào hoạt động.

Hồ Phương

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến