Dòng sự kiện:
Nghệ An tập trung 5 lĩnh vực kinh tế trụ cột, 6 trung tâm đô thị động lực
13/01/2024 16:39:44
Theo Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định mục tiêu phát triển Nghệ An trở thành tỉnh khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Nghệ.

Sáng 13/1, tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An đến năm 2040.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ tham dự.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị

Tại hội nghị,  ông Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An thông báo trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 6 dự án với tổng số vốn đăng ký hơn 9.550 tỷ đồng được đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An. Đây là những dự án quan trọng đầu tiên để cụ thể hóa các quy hoạch đã được phê duyệt.

"Nghệ An nhận thức sâu sắc rằng đây sẽ là bước khởi đầu, chặng đường thực hiện quy hoạch rất dài, nhiệm vụ to lớn, bên cạnh những yếu tố thuận lợi thì còn có không ít thách thức. Dẫu vậy, toàn tỉnh sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết truyền thống vốn có, thể hiện tính sáng tạo, phối hợp cùng các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương một cách hiệu quả các quy hoạch đã được Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt, thực hiện thành công Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cho biết.

 Ông Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An

Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã gửi lời cảm ơn và lời chúc tốt đẹp đến Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong vùng.

Chủ tịch tỉnh Nghệ An khẳng định kiên định mục tiêu phát triển bền vững; phát triển toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, quyết tâm tạo đột phá ở một số ngành, lĩnh vực, khu vực trọng điểm; quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, giữ vững cân bằng sinh thái, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu hướng tới nền kinh tế xanh, tuần hoàn; bảo đảm phát triển hài hòa, cân đối giữa các vùng, miền; đẩy mạnh liên kết vùng và liên kết nội tỉnh; coi liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu, là động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển.

 Ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An

Theo Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định mục tiêu phát triển Nghệ An trở thành tỉnh khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ.

Nội dung nhấn mạnh, Nghệ An sẽ là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, thích ứng với biển đối khí hậu; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao; các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy; môi trường sinh thái được bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

Một số mục tiêu cụ thể hóa để tỉnh Nghệ An thực hiện như: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 10,5- 11,0%/năm; năng suất lao động tăng bình quân 10 -11%/năm; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân khoảng 12%/năm; huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2021 - 2030 khoảng 1.650 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 58%.

Toàn cảnh Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, tỉnh Nghệ An đến năm 2040

Nghệ An sẽ thực hiện đột phá chiến lược, như: đồng bộ thể chế, chính sách; cái thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cấp, các ngành; tập trung đầu tư, tạo bước đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển, trong đó, phát triển mạnh hạ tầng giao thông chiến lược, tạo sự kết nối, lan tỏa phát triển; phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với phát huy giá trị văn hóa, con người xứ Nghệ; tập trung giáo dục và đào tạo, thu hút nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nhìn chung về kinh tế, tỉnh Nghệ An sẽ hình thành và phát triển 4 hành lang kinh tế, gồm: Hành lang kinh tế ven biển gắn với trục Quốc lộ 1, đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường ven biển, đường sắt quốc gia và đường biển; Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh; Hành lang kinh tế Quốc lộ 7A; Hành lang kinh tế Quốc lộ 48A. Trong đó, phát triển hành lang kinh tế ven biển là trọng tâm.

Thêm nữa, Nghệ An sẽ phát triển 5 ngành, lĩnh vực như: phát triển công nghiệp, trọng điểm là công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp hỗ trợ; phát triển thương mại, dịch vụ, nhất là dịch vụ giáo dục và đào tạo, y tế chất lượng cao; phát triển du lịch dựa trên 3 loại hình chính gồm du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, giải trí và thể thao biển và du lịch sinh thái, mạo hiểm gắn với cộng đồng; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh.

Để tạo sự đồng bộ và cân bằng trên một diện tích rộng lớn, Nghệ An sẽ tập trung đầu tư 6 trung tâm đô thị: đô thị Vinh mở rộng, đô thị Hoàng Mai (phát triển gắn với Quỳnh Lưu), đô thị Thái Hòa (phát triển gắn với Nghĩa Đàn), đô thị Diễn Châu, đô thị Đô Lương, đô thị Con Cuông.

Phan Huy

Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags : , fdi , nghệ an , đầu tư
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến