Dòng sự kiện:
Nghệ An: Thực hư việc cấp đất trên dự án đường kè ven biển
19/08/2018 08:00:16
Hơn 20 năm vẫn chưa thể hoàn thiện 10m đường kè ven biển cảng Lạch Quèn, xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), thay vào đó biến đất dự án thành quyền “sở hữu” của cá nhân.

Hơn 20 năm vẫn chưa hoàn thiện 10m đường kè ven biển cảng Lạch Quèn

Năm 1997, dự án đường kè ven biển và cầu cảng Lạch Quèn, xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) được triển khai nối từ đầu cửa biển Lạch Quèn vào trung tâm cảng cá với mức đầu tư hàng chục tỷ đồng do công ty TNHH Hồng Đào thi công. Đến năm 2012, dự án đường kè ven cảng, khu neo đậu tàu thuyền, tránh trú bão tại âu thuyền Lạch Quèn, thuộc bờ nam thuộc xã Quỳnh Thuận với tổng vốn hơn 100 tỷ đồng tiếp tục được triển khai và do đơn vị này thi công, đấu nối với tuyến đường kè ven cảng biển đã xây dựng trước đó để hoàn thiện hệ thống hạ tầng, đường cảng Lạch Quèn.

Dự án đường kè, khu neo đậu tàu thuyền, tránh trú bão tại âu thuyền Lạch Quèn, thuộc bờ nam thuộc xã Quỳnh Thuận được đầu tư hơn 100 tỷ đồng.

Việc đầu tư dự án sẽ góp phần đảm bảo nơi neo đậu tránh trú bão cho hàng chục phương tiện tàu thuyền, đồng thời là bến đỗ để ngư dân vận chuyển hải sản cũng như cung cấp các dịch vụ trên biển.  

Tuy nhiên, năm 2013, dự án đường kè ven cảng, khu neo đậu tàu thuyền, tránh trú bão tại âu thuyền Lạch Quèn, xã Quỳnh Thuận bỗng nhiên dừng lại. Khoảng 10m đường còn lại bỗng nhiên không thi công để đấu nối hoàn thiện toàn tuyến đường ven biển cảng Lạch Quèn. Vì vậy, đường kè ven biển cảng Lạch Quèn bỗng nhiên bị chia cắt. Thay vào đó, khoảng 10m đường kè ven biển của Cảng Lạch Quèn, xã Quỳnh Thuận lại thuộc quyền “sở hữu” của ông Trần Huy Hoàng, trú tại xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu.

 Tuyến đường kè ven biển cảng Lạch Quèn bỗng nhiên bị chia cắt.

Thực trạng trên đã gây khó khăn và trở ngại không riêng cho những người dân xã Quỳnh Thuận khi lưu thông trên tuyến đường từ cảng Lạch Quèn ra Quốc lộ 48B mà còn ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa, vận chuyển hải sản cũng như cung cấp các dịch vụ trên biển của hàng nghìn ngư dân. Đặc biệt, khi tàu thuyền vào âu tránh trú bão, việc ứng cứu, di chuyển của ngư dân trên tuyến đường cảng cũng ách tắc, gặp khó khăn

Đề cập việc dừng thi công và để trống khoảng 10m đường không thể đấu nối toàn tuyến, ông Phạm Hồng Đào, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Đào- Đơn vị thi công tuyến đường kè ven biển cảng Lạch Quèn cho rằng: "Trước đó, khi khảo sát và theo thiết kế của dự án thì chỉ được thi công đến điểm cuối ngay sát vùng đất của ông Trần Huy Hoàng. Do vậy, chúng tôi chỉ xây dựng đến đó rồi dừng để lại khoảng 10m không thi công".

Nhà thầu chỉ thi công đến đây là dừng và để trống khoảng 10m đường ven biển cảng Lạch Quèn. 

Ông Nguyễn Đức Đông, Cảng trưởng Cảng cá Lạch Quèn, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho biết: “Hiện nay, dự án tuyến đường cảng từ khu âu thuyền, tránh trú bão đến đoạn đất cảng của ông Trần Huy Hoàng vẫn chưa được giao cho Cảng cá Lạch Quèn quản lý. Vì vậy, việc dự án chưa hoàn thành, hay, đoạn đường cảng ven biển khoảng 10m của ông Trần Huy Hoàng được thuê hay cấp đất chúng tôi cũng chưa nắm rõ”.

Trước thực trạng đó, qua các buổi tiếp xúc cử tri, người dân thôn Đức Long, xã Quỳnh Thuận đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương và cơ quan chức năng để làm rõ việc dự án tuyến đường ven biển cảng Lạch Quèn bỗng nhiên bị chia cắt và khoảng 10m đường ven biển trở thành “sở hữu” của cá nhân nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời.

Cấp đất trên đường kè ven biển?

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Huy Hoàng, trú xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Giờ đây, đoạn đường đê kè ven cảng Lạch Quèn khoảng 10m đó, thuộc quyền sở hữu của tôi và được cấp bìa năm 2012?. Nếu muốn xây dựng đường kè ven biển đấu nối, thông tuyến thì huyện phải hỗ trợ, đền bù. Nhưng triển khai dự án đường kè ven cảng thì không thấy ai có ý kiến gì thì thôi”.

Không những thế, ông Trần Huy Hoàng còn cho rằng, đất của gia đình ông kéo dài ra tận ngoài đê kè ven biển cảng Lạch Quèn. Hiện tại, đất của ông liền thửa, nếu làm đường kè ven cảng biển Lạch Quèn thì đất của tôi sẽ bị cắt đôi và chia thành 2.

Như lời ông Trần Huy Hoàng nói, ngay từ đoạn đường cảng ven biển ông đang “sở hữu”, phía ngoài đê kè ven biển cảng Lạch Quèn là 1 nhà máy sản xuất đá lạnh và cầu cảng được ông xây dựng “án ngữ” ngay tại đầu vùng lạch âu thuyền khu neo đậu tàu thuyền và tránh trú bão của ngư dân tại Lạch Quèn.

Nhà máy sản xuất đá lạnh được ông Trần Huy Hoàng xây dựng ngoài đường kè ven biển cảng Lạch Quèn, “án ngữ” ngay tại đầu vùng lạch âu thuyền khu neo đậu tàu thuyền và tránh trú bão.

Tuy nhiên, khi đề cập thực trạng này, ông Nguyễn Văn Lới, cán bộ địa chính xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu cho biết, dọc tuyến đường kè ven cảng Lạch Quèn theo quy hoạch từ trước nay đều để khoảng 10m làm đường ven cảng. Vì vậy không thể nói là đường kè ven cảng thuộc quyền sở hữu của cá nhân. Huyện phải yêu cầu cá nhân để lại đường ven cảng để hoàn thiện, đúng quy hoạch đường đê kè ven cảng.

Qua kiểm tra bản đồ số năm 2013, trên máy vẫn không hiển thị vùng đất được cho là quyền sở hữu của ông Trần Huy Hoàng phía ngoài đường kè biển cảng Lạch Quèn – ông Lới cho biết thêm.

Bản đồ quy hoạch đường ven biển cảng Lạch Quèn.

Trong khi đó, trao đổi với PV, ông Đặng Ngọc Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết, trước mắt, huyện sẽ thành lập đoàn để kiểm tra, xác minh làm rõ việc đất đường ven biển tại thôn Đức Long để có hướng xử lý cũng như hoàn thiện dự án đường kè ven cảng Lạch Quèn, xã Quỳnh Thuận.

Ngọc Tuấn

 

 

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến