Dòng sự kiện:
Nghị trường nóng chuyện 'làm lớn' thị trường chứng khoán
11/11/2019 17:02:46
Vốn hoá TTCK hiện nay là 5,6 triệu tỷ đồng, so với GDP của năm 2018 là đạt trên 100% GDP, trong khi đó dư nợ tín dụng đạt tới khoảng 7,8 triệu tỷ đồng, tương đương 130% GDP.

Tỷ trọng này không có sự khác biệt so với 1 năm trước đây khiến nhiều đại biểu Quốc hội sốt ruột, đề xuất những giải pháp "làm lớn” TTCK.

Vẫn còn lệch vai

Báo cáo với Quốc hội về các giải pháp điều hành phát triển nền kinh tế trong năm 2020, một nội dung đáng chú ý được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập là thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán (TTCK).

“Đề bài” trên được người đứng đầu Chính phủ đưa ra trong bối cảnh thực tế việc dịch chuyển bớt gánh nặng tài trợ vốn trung và dài hạn từ thị trường tiền tệ sang thị thị trường tài chính, chứng khoán chưa có những chuyển biến sắc nét.

Minh họa bằng con số, TS. Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, vốn hoá TTCK đến thời điểm này là 5,6 triệu tỷ đồng, so với GDP của năm 2018 là đạt trên 100% GDP, trong khi đó dư nợ tín dụng đạt tới khoảng 7,8 triệu tỷ đồng, tương đương 130% GDP.

Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là kết thúc năm 2019, nhưng tương quan về tỷ lệ vốn hóa thị trường và dư nợ tín dụng so với GDP hầu như không có sự cải thiện so với con số chốt năm 2018.

Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, hết năm 2018, quy mô của TTCK tương đương 109% GDP (bao gồm cả thị trường cổ phiếu, trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp), trong khi tỷ lệ tín dụng/GDP đạt khoảng 134%.

Từ trực trạng trên, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhìn nhận, Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia có tỷ trọng tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu, trái phiếu trên GDP thấp hơn tổng giá trị tín dụng ngân hàng.

Ở Việt Nam, tỷ trọng vốn tín dụng ngân hàng/vốn hóa TTCK là 134%/109%, trong khi ở Thái Lan là 129%/200%, Singapore là 140,8%/243%, Malaysia là 140%/145%…

Điều này cho thấy quy mô đóng góp của TTCK vào tài trợ vốn cho nền kinh tế còn hạn chế. Trong khi tỷ lệ tín dụng cho nền kinh tế năm 2018 chiếm tới hơn 130% GDP cho thấy kênh rót vốn chủ yếu, bao gồm cả vốn trung hạn và dài hạn, vẫn phụ thuộc phần lớn vào hệ thống ngân hàng.

Vì bản chất hoạt động của hệ thống ngân hàng là cấp vốn ngắn hạn và lưu động, với cơ cấu 70% tiền gửi ngân hàng là ngắn hạn như hiện nay sẽ gây rủi ro cho các ngân hàng cũng như nền kinh tế...

“Làm lớn” TTCK, cách nào?    

Trước thực tế tỷ lệ tín dụng cho nền kinh tế trên GDP tăng song hành với tỷ lệ vốn hóa TTCK so với GDP tăng, khiến vai trò cung ứng vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế của TTCK chưa cải thiện, nhiều đại biểu Quốc hội, các chuyên gia đề xuất cần triển khai các giải pháp “làm lớn” TTCK.

“Chính phủ cần tiếp tục tái cơ cấu thị trường tài chính để TTCK trở thành kênh cung ứng vốn trung, dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Chính phủ cần có sự hỗ trợ để Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng và phát triển thành công Trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế...”, ông Ngân đề xuất.

Theo góc nhìn của đại biểu Quốc hội, để “làm lớn” TTCK, về phía công ty chứng khoán, mấu chốt là cần có các cơ chế hiệu quả trong bảo vệ nhà đầu tư, từ đó cải thiện niềm tin nhà đầu tư để Việt Nam đạt được kết quả như các nước đã làm, đó là chứng khoán thực sự là kênh để nhà đầu tư giữ tiền, chứ không phải “đánh lên, đánh xuống”, “lướt sóng” như hiện tại.

Xuất phát từ góc tiếp cận TTCK cần huy động nguồn vốn nhàn rỗi từ trong dân để đưa vào sản xuất, kinh doanh, ý kiến từ một số đại biểu Quốc hội cho rằng, nên có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ bỏ vốn vào thị trường, qua đó góp sức thúc đẩy nền sản xuất, nền kinh tế phát triển.

Tuy nhiên, cơ chế bảo vệ nhà đầu tư chưa đủ, bởi để thị trường vận hành chuyên nghiệp, còn đòi hỏi ý thức và tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư cần được cải thiện, tính minh bạch và liêm chính trong hoạt động của các doanh nghiệp trên thị trường cần được tăng cường, đồng thời cơ quan quản lý cần cải thiện tính công bằng, minh bạch và kịp thời trong xử lý các hành vi vi phạm.

“Là người hoạt động nhiều năm trên TTCK, nhưng bản thân tôi chưa có niềm tin vào thông tin của nhiều doanh nghiệp niêm yết công khai ra TTCK. Điều này giải thích tại sao nhà đầu tư chưa thực sự yên tâm khi bỏ tiền vào thị trường và tâm lý lướt sóng, “ăn theo” tin đồn vẫn là chủ đạo”, Tổng giám đốc một công ty chứng khoán thẳng thắn chia sẻ.

Ông cũng cho biết, ở công ty ông đang điều hành, hoạt động tự doanh rất ít. “Chúng tôi phải đi tìm kiếm những doanh nghiệp thực sự tốt và khi chúng tôi am hiểu sâu về họ, thì mới rót vốn vào đầu tư”.

Khi tính minh bạch và tin cậy của các thông tin mà doanh nghiệp công khai ra thị trường chưa đạt được niềm tin từ nhà đầu tư, chưa được cải thiện từ chính ý thức của doanh nghiệp, thì bản thân doanh nghiệp khó hút được vốn của nhà đầu tư. Đây là cái gốc khiến quy mô của TTCK “khó lớn”.

Theo ông Huỳnh Thành Chung, Tổng giám đốc CTCP Sản xuất - Xây dựng - Thương mại và Nông nghiệp Hải Vương, Ủy viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, kỳ này Luật Chứng khoán sửa đổi bổ sung loại hàng hóa mới là chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết.

Đây là loại hình chứng khoán hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của thị trường và kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài, cũng như các công ty của Việt Nam.

Tuy nhiên, quy định về sản phẩm này cần rõ ràng và phù hợp, nhất là cần chi tiết về thủ tục, điều kiện phát hành, cơ chế kiểm soát giao dịch từ phía nhà nước, để việc triển khai sản phẩm này có tính khả thi.

Khắc phục các bất cập hiện tại, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp huy động vốn qua TTCK, cũng là cách theo góc nhìn của đại biểu Quốc hội sẽ góp phần gia tăng quy mô của TTCK thời gian tới, từ đó giúp thị trường thể hiện rõ nét vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ lực cho nền kinh tế, cũng như doanh nghiệp.

Bởi vậy, một nội dung mới tại dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đang được đại biểu Quốc hội, doanh nghiệp trông đợi thông qua là cho phép doanh nghiệp chào bán cổ phiếu dưới mệnh, vì đây là hoạt động phản ánh đúng bản chất của doanh nghiệp, đúng quy luật cung cầu trên TTCK.

Tuy nhiên, để quy định này có tính khả thi và tránh phát sinh các vướng mắc, cần đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ với sửa đổi các nội dung liên quan tại Luật Doanh nghiệp sửa đổi cũng đang được trình ra Quốc hội thảo luận. 

fig come here

Về kế hoạch trung và dài hạn, tôi kiến nghị Quốc hội và Chính phủ cần có giải pháp phát triển thị trường vốn, tăng cường các chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp phát triển để tăng niềm tin và tạo sự an tâm cho người dân, từ đó nhà đầu tư tiếp tục đưa vốn đầu tư vào nền kinh tế. Quốc hội cần nghiên cứu và ban hành Luật Bảo vệ nhà đầu tư, bảo vệ doanh nghiệp thay vì các quy định này còn rời rạc trong các luật khác nhau.- TS. Phạm Phú Quốc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

 

Theo: Đầu tư Chứng Khoán
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến