Mục đích nhằm tránh tình trạng thao túng giá.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Tuy nhiên, kể từ khi thị trường này đi vào hoạt động, nhà đầu tư cũng nhiều lần được trải nghiệm sự “biến sắc” đầy bất thường của chỉ số VN30 tại ngày đáo hạn hợp đồng tương lai VN30F.
Đặc sản không mấy dễ chịu này diễn ra thường xuyên, khiến không ít lần nhà đầu tư đặt ra nghi vấn về việc thao túng giá chỉ số để trục lợi trên thị trường phái sinh.
Chỉ số VN30 bất ngờ “nổi loạn”
Theo ghi nhận của VietTimes, tại phiên giao dịch đáo hạn hợp đồng VN30F1908 ngày 15/8 vừa qua, chỉ trong vòng 15 phút phiên khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa (ATC), chỉ số VN30 bất ngờ tăng vọt lên gần 11 điểm, đóng của tại mức 890,78 điểm. Biên độ giao dịch của chỉ số VN30 trong phiên lên tới 22,83 điểm.
Đà tăng mạnh được hỗ trợ tích cực bởi một số cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn trong rổ VN30 như: SAB, VIC hay VNM với mức tăng lần lượt là 2,7%, 1% và 2% so với trước thời điểm bước vào phiên ATC.
Đáng chú ý, các giao dịch trên toàn thị trường vẫn diễn ra bình thường trước đó.
Mặt khác, trong phiên giao dịch ngày 15/8, thị trường đang chịu nhiều áp lực giảm giá từ những biến động kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới. Dự đoán thị trường có xu hướng đi xuống, nhiều nhà đầu tư có xu hướng nắm giữ vị thế “short” hợp đồng tương lai chỉ số VN30.
Tuy nhiên, diễn biến thị trường, đúng hơn là 15 phút cuối cùng, lại đi ngược hướng dự đoán của số đông.
Chỉ số VN30 bất ngờ tăng mạnh trong phiên ATC ngày 15/8/2019
Đối với những nhà đầu tư trên thị trường phái sinh, đây không phải là lần đầu tiên hiện tượng này xảy ra. Họ đã dần quen với việc chỉ số VN30 đảo chiều bất ngờ trong 15 phút phiên ATC, thậm chí là chỉ vài phút trước khi đóng cửa, tại những ngày đáo hạn hợp đồng phái sinh.
“Cứ mỗi khi đến ngày đáo hạn hợp đồng tương lai, chỉ số VN30 lại trở nên rất náo loạn” - một số nhà đầu tư cho biết.
Diễn biến bất thường này khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi nghi ngờ về việc một số tổ chức, cá nhân cố tình mua vào hoặc bán ra các cổ phiếu có ảnh hưởng lớn đến chỉ số VN30 nhằm thao túng giá chỉ số này, “trục lợi” trên thị trường phái sinh.
Mối lo ngại này phần nào có cơ sở khi một số cổ phiếu vốn hóa lớn như SAB cũng thường xuyên “tăng trần, giảm sàn” đầy bất ngờ tại ngày đáo hạn hợp đồng. Trong khi, giá sử dụng để tất toán hợp đồng tương lai VN30F được lấy theo giá đóng cửa của chỉ số VN30.
Các thị trường khác “chốt sổ” phái sinh ra sao?
“Tại các quốc gia khác, giá tất toán hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán sẽ không tính theo giá đóng cửa cuối phiên như ở Việt Nam. Các phương pháp tính sẽ linh hoạt và phức tạp hơn nhiều với mục đích nhằm phòng ngừa tình trạng thao túng giá” - ông Hoàng Tùng - Phó Chủ tịch của quỹ đầu tư AlphaGrep và Cố vấn chiến lược quỹ Finpros tại Việt Nam - chia sẻ với VietTimes.
Lấy dẫn chứng tại sàn giao dịch SGX của Singapore, ông Tùng cho biết các hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán sẽ được định giá tất toán bằng một trong các phương pháp: Xác định giá tại phiên đóng cửa của các cổ phiếu thành phần; Tính trung bình theo một khoảng thời gian nhất định (không công bố rõ); Tính dựa theo giá tất toán của các hợp đồng lao động trong các tháng khác; và Giá được tính toán từ giá lý thuyết.
Trong khi đó, tại sàn giao dịch Bursa của Malaysia - được vị chuyên gia này đánh giá là có thanh khoản cao hơn không quá nhiều so với thị trường Việt Nam - giá thanh toán được tính bằng giá trung bình của chỉ số cơ sở trong khoảng thời gian 30 phút từ 3:45 PM đến 4:15 PM tại ngày giao dịch cuối cùng.
Cụ thể, giá được lấy mỗi 15 giây trong khoảng thời gian này. Sau đó, cơ quan quản lý sẽ loại bỏ đi 3 giá cao nhất và 3 giá thấp nhất rồi lấy giá trị bình quân để tính ra mức giá thanh toán cuối cùng.
Phương án tính giá trị thanh toán cuối cùng của một hợp đồng phái sinh trên sàn Bursa của Malaysia (Nguồn: www.bursamalaysia.com)
“Đối với các thị trường phát triển, nhà chức trách sử dụng nhiều phướng án xác định giá thanh toán có phần phức tạp hơn, mục đích sau cùng vẫn là để tránh tình trạng thao túng giá” - ông Tùng cho biết.
Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng đề cập tới sự thiếu vắng của các nhà đầu tư tổ chức tại thị trường phái sinh Việt Nam. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thanh khoản mà còn khiến cho hợp đồng phái sinh đôi khi được giao dịch ở một mức giá có phần phi lý, hoặc chênh quá nhiều so với chỉ số cơ sở - tình trạng hiếm thấy ở các thị trường khác.
Theo Viettimes
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy