Nghỉ việc chờ đủ tuổi hưởng lương hưu có được nhận trợ cấp thất nghiệp? (Ảnh minh họa)
Điều kiện để hưởng lương hưu đối với người lao động
Căn cứ vào Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên sẽ được hưởng lương hưu nếu thuộc các trường hợp sau:
- Lao động nam từ đủ 60 tuổi, lao động nữ từ đủ 55 tuổi trở lên.
- Lao động nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ tuổi từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có tối thiểu 15 năm làm việc trong các môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc ở khu vực đặc biệt được phụ cấp từ 0.7 trở lên theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Bộ Y tế.
- Lao động từ đủ 50 đến đủ 55 tuổi và có ít nhất 20 năm làm công việc khai thác trong các hầm lò.
- Lao động bị nhiễm căn bệnh HIV/AIDS do các rủi ro, tai nạn nghề nghiệp.
- Lao động nữ có tham gia BHXH và hoạt động tại xã, phường, thị trấn và có số năm tham gia BHXH là 15 đến 20 năm thì 55 tuổi được về hưu.
Theo khoản 4 Điều 15 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, người lao động đủ tuổi hưởng lương hưu mà thời gian đóng BHXH bắt buộc còn thiếu tối đa 6 tháng thì được lựa chọn đóng một lần cho số tháng còn thiếu với mức đóng hàng tháng theo mức tiền lương tháng đóng BHXH trước khi nghỉ việc.
Như vậy, trường hợp thông thường thì độ tuổi về hưu của nam là 60 tuổi, nữ là 55 tuổi trở lên và phải có đủ 20 năm đóng BHXH. Một số trường hợp đặc biệt theo quy định thì độ tuổi có thể thấp hơn.
Đủ 20 năm đóng BHXH nhưng chưa đủ tuổi nghỉ hưu thì giải quyết thế nào?
Trường hợp người lao động đã đủ 20 năm đóng Bảo hiểm mà chưa đến độ tuổi theo các trường hợp ở mục trên thì có thể lựa chọn hai hướng giải quyết: bảo lưu BHXH đợi đến đủ tuổi nghỉ hưu hoặc xét các trường hợp nghỉ hưu sớm nếu đủ điều kiện.
Bảo lưu BHXH chờ đủ tuổi hưởng lương hưu
Căn cứ vào Điều 61 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu đồng thời chưa hưởng chế độ BHXH một lần theo Điều 60 thì được bảo lưu để chờ đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Như vậy, xét trường hợp người lao động đủ số năm, chưa đủ tuổi về hưu thì có thể thực hiện bảo lưu để chờ đến thời điểm đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu.
Hồ sơ người lao động cần chuẩn bị như sau:
- 1 bản mẫu D01B-TS đề nghị bảo lưu Bảo hiểm xã hội.
- 2 mẫu D02-TS kê khai danh sách lao động thực hiện bảo lưu.
- Bản sao quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, quyết định nghỉ việc, hợp đồng lao động hết thời hạn,... để xác nhận lao động không còn tiếp tục làm việc tại đơn vị đang thực hiện đóng Bảo hiểm.
- Sổ Bảo hiểm xã hội và thẻ bảo hiểm Y tế.
Về hưu sớm khi đủ 20 năm đóng BHXH
Trường hợp người lao động không muốn bảo lưu BHXH vì không có thời gian đợi đến tuổi về hưu thì có thể xét các trường hợp về hưu sớm. Tuy nhiên, chỉ các trường hợp đặc biệt dưới đây mới đủ điều kiện về hưu trước tuổi.
Căn cứ vào Điều 16 của Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, người lao động có đủ 20 năm đóng BHXH sẽ được hưởng chế độ hưu sớm nếu thuộc các trường hợp sau:
- Tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80% và đáp ứng yêu cầu độ tuổi: nam đủ 55 và nữ phải đủ 50 tuổi.
- Tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và lao động nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi.
- Tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và lao động có ít nhất 15 năm làm việc trong các môi trường, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Bộ Y tế.
Người lao động đủ các điều kiện như mục trên cần chuẩn bị các giấy tờ sau để hưởng hưu sớm:
- Sổ Bảo hiểm xã hội.
- Giấy tờ xác nhận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do Hội đồng giám định Y khoa cung cấp (bản chính).
- Chứng minh thư hoặc thẻ căn cước công dân của người lao động.
- Sổ Hộ khẩu.
Tất cả các giấy tờ trên người lao động cần nộp lên Cơ quan Bảo hiểm trong vòng 30 ngày kể từ thời điểm đủ điều kiện hưởng lương hưu. Thời gian giải quyết thông thường là 20 ngày kể từ khi nộp hồ sơ.
Nghỉ việc chờ đủ tuổi nghỉ hưu được hưởng chế độ gì?
Người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng thì sẽ không được giải quyết trợ cấp thất nghiệp.
Một điều kiện nữa là người lao động phải đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp có hợp đồng lao động; hợp đồng làm việc không xác định thời hạn và hợp đồng xác định thời hạn.
Đối với trường hợp có hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ ba tháng đến dưới 12 tháng thì phải đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Sau khi có đủ điều kiện trên, người lao động phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm.
Nếu chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động sẽ được chi trả trợ cấp thất nghiệp.
Như vậy, sau khi chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật, người lao động sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Khoản 2 Điều 50 Luật Việc làm 2013 quy định, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng = 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:
- Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp
- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc:
+ Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng.
+ Quyết định thôi việc.
+ Quyết định sa thải.
+ Quyết định kỷ luật buộc thôi việc.
+ Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
- Sổ bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, người lao động cũng cần mang theo Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân và sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú kèm theo bản gốc để đối chiếu.
Sau khi có đủ hồ sơ, người lao động thực hiện theo trình tự sau:
Bước 1, nộp hồ sơ tới trung tâm dịch vụ việc làm
Khoản 1 Điều 17 Nghị định 28 năm 2015 của Chính Phủ quy định, trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 1 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi muốn nhận trợ cấp (không phụ thuộc vào nơi đang ở hay nơi đang làm việc).
Bước 2, giải quyết hồ sơ
Cũng theo Nghị định 28, cụ thể khoản 1 Điều 18, trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ, người lao động chưa tìm được việc làm thì trung tâm giới thiệu việc làm thực hiện xác nhận giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trong vòng 20 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ, trung tâm giới thiệu việc làm ra quyết định duyệt chi trả trợ cấp thất nghiệp kèm theo sổ bảo hiểm xã hội có xác nhận trả cho người lao động
Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16 theo ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp.
Bước 3, nhận tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp
Trong trường hợp được nhận trợ cấp thất nghiệp, theo khoản 2 Điều 18, trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định chi trả trợ cấp thất nghiệp, cơ quan bảo hiểm xã hội tại địa phương thực hiện chi trả tiền trợ cấp tháng đầu tiên cho người lao động kèm theo thẻ bảo hiểm y tế.
Hàng tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp thất nghiệp trong vòng 12 ngày tính từ ngày hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng đó nếu không nhận được quyết định tạm dừng, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.
Tuy nhiên, Điều 53 Luật việc làm 2013 quy định, người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu không thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định tại Điều 52 của Luật này trong 3 tháng liên tục.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy