Dòng sự kiện:
Nghiêm cấm bán rượu bia cho trẻ em: Liệu có khả thi?
02/06/2017 14:15:51
Điều 6 Luật trẻ em có hiệu lực từ 1/6/2017 quy định nghiêm cấm bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu bia, thuốc lá và chất gây nghiện; chất kích thích khác; thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em. Tuy nhiên, quy định này được cho rằng khó khả thi khi đi vào thực hiện.

Trao đổi với PV, Luật sư Quách Thị Thu Thủy – Giám Đốc công ty Luật Thanh Thiên Trường cho rằng Luật trẻ em được ban hành là một điều tất yếu, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của trẻ em. Điều này nhằm tạo ra hành lang pháp lý bảo vệ trẻ em một cách toàn diện trước nguy cơ bị xâm phạm về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, thân thể…

LS. Quách Thị Thu Thủy – Giám Đốc công ty Luật Thanh Thiên Trường.

Trong Luật trẻ em có rất nhiều quy định được đánh giá là tiến bộ, phù hợp với sự phát triển của xã hội trong thời điểm hiện nay, trong đó có quyền được bảo vệ đời sống riêng tư. Bên cạnh đó, cũng có những vấn đề đã được quy trong các văn bản chuyên ngành khác, cụ thể như quy định nghiêm cấm hành vi bán rượu bia, dụ dỗ, lôi kéo trẻ em sử dụng rượu bia, thuốc lá và chất kích thích có hại cho sức khỏe.

Chế tài cụ thể cho hành vi này được quy định tại khoản 2, Điều 25, Nghị định 144/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em . Theo đó, hành vi “dụ dỗ, lôi kéo trẻ em, cho trẻ em sử dụng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích khác có hại cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ em” sẽ bị xử phạt hành chính 5-10 triệu đồng. Những ai bán rượu bia cho trẻ em, cho trẻ em sử dụng rượu bia, chất kích thích khác có hại cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ em cũng bị xử phạt với số tiền như trên.

Tuy nhiên, bàn về tính khả thi của quy định nghiêm cấm hành vi bán rượu bia cho trẻ em, nhiều câu hỏi được đặt ra về trường hợp cha mẹ "sai" con chạy sang nhà hàng xóm mua rượu, bia, thuốc lá... thì người hàng xóm có quyền được bán hay không? Cơ chế kiểm soát ra sao? Khi cả khía cạnh pháp lý và thực tế đều cho thấy quy định này vẫn chủ yếu mang tính hình thức, khẩu hiệu.

Về vấn đề này, LS Thủy chia sẻ: “Thực tế vấn đề này để được người dân thực hiện trong thực tiễn rất khó, bởi thói quen, tập quán địa phương và đặc biệt là nhận thức của đại đa số nhân dân không hiểu hành vi trên là vi phạm pháp luật. Để triển khai được quy định trên thì việc tuyên truyền đến tận mọi ngõ ngách, mọi khu vực vùng sâu và xa là tiên quyết. Đặc biệt là tăng cao nhận thức cho những người bán rượu để họ chính là 1 kênh truyền thông luật cũng là 1 giải pháp hữu hiệu”.

Nguyễn Hảo

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến