Dòng sự kiện:
'Ngịch lý' Coma 18: Lỗ kỷ lục, tài chính ảm đạm vẫn được giao đầu tư KCN gần 165 ha
24/03/2021 18:23:56
Giá cổ phiếu của COMA 18 đã tăng gần 100% sau thông tin COMA 18 được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Kim Thành.

Cổ phiếu COMA 18 tăng phi mã

Chốt phiên giao dịch ngày 23/3, cổ phiếu công ty cổ phần COMA 18 (HOSE: CIG) đóng cửa ở mức 6.700 đồng/cp, tăng hơn 30% so với một tuần trước đó và tăng 100% kể từ cuối tháng 2/2021. Nếu tính tại thời điểm kết thúc năm 2020, giá cổ phiếu CIG thậm chí đã tăng giá gấp 3 lần.

Giới phân tích cho rằng, cổ phiếu CIG tăng mạnh trong thời gian qua chủ yếu do nhà đầu tư kỳ vọng vào thông tin dự án KCN Kim Thành quy mô gần 165 ha tại Hải Dương đã được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký quyết định chủ trương đầu tư, trong đó nhà đầu tư là CTCP COMA 18.

Ngoài dự án KCN Kim Thành, COMA 18 đang trong quá trình xin phép đầu tư KCN Nhuận Trạch (tỉnh Hòa Bình) quy mô 213,68ha tại 2 xã của huyện Lương Sơn. 

COMA 18 từng là thành viên của Tổng công ty Cơ khí Xây dựng (Coma), Bộ Xây dựng. Sau khi cổ phần hóa thành công, năm 2011 COMA 18 niêm yết cổ phiếu của mình trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE).

Ngành nghề kinh doanh chính của CIG là đầu tư bất động sản; hạ tầng khu công nghiệp; dịch vụ cho thuê mặt bằng, nhà xưởng. Vốn điều lệ hơn 315 tỷ đồng.

Cổ phiếu CIG tăng trần trong thời gian gần đây.

Bản báo cáo bạch niêm yết cho biết, COMA 18 là chủ đầu tư các công trình dự án lớn như: Đầu tư và xây dựng dự án khu chung cư và nhà liền kề La Khê - Văn Khê - Hà Đông; Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Cụm Công nghiệp Thanh Oai; Khu nhà ở liền kề cán bộ chiến sỹ Cục cảnh sát điều tra tội phạm ma túy - C17 Bộ Công An.

Đầu tư xây dựng tòa nhà cao cấp Westa; Dự án KCN Nhuận Trạch (Hòa Bình); Dự án KCN Kim Thành (Hải Dương); Dự án KĐT Nam Dương (Quảng Nam).

Bên cạnh đó, CIG còn đầu tư vào lĩnh vực Thủy điện. Theo đó năm 2017, doanh nghiệp thành lập Công ty cổ phần thủy điện Hùng Lợi - Yên Sơn, tham gia Dự án Thủy điện Hùng Lợi 1,2.

Đáng nói, dù là công ty nhiều tiềm năng trong lĩnh vực đầu tư xây dựng KĐT và nhà ở, đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp. Tuy nhiên, kể từ khi niêm yết đến nay, doanh nghiệp này hoạt động sa sút, Tổng công ty Coma sau đó thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Coma 18 vào năm 2016.

Tham dự cuộc họp Ðại hội đồng cổ đông năm 2016, nhiều cổ đông vui mừng khi thấy doanh nghiệp “thay máu”, cán bộ, công nhân viên cũng kỳ vọng làn gió mới sẽ thay đổi COMA 18 với các dự án thủy lợi, khu công nghiệp… Nhưng đổi lại, 4 năm qua  doanh nghiệp hầu như không có chuyển động tích cực nào.

Trong cơ cấu cổ đông hiện nay của COMA 18, Công ty cổ phần Ðầu tư Fidel sở hữu trên 57% cổ phần, còn lại là các nhà đầu tư cá nhân.

Lỗ kỷ lục, mòn mỏi chờ "đổi vận"

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020, COMA 18 ghi nhận doanh thu thuần vỏn vẹn 594 triệu đồng, giảm 43% so với cùng kỳ. Doanh thu không đáng kể nhưng giá vốn CIG lại lên đến hơn 30 tỷ đồng. Chốt quý, doanh nghiệp lỗ ròng 28 tỷ đồng.

COMA 18 cho biết đây là doanh thu cho thuê hạ tầng Cụm công nghiệp và doanh thu phí nước thải tại Cụm công nghiệp Thanh Oai. Công ty hiện nay đang tạm thời dừng các hoạt động xây lắp, cơ khí và nhà hàng do một thời gian dài hoạt động không hiệu quả.

Ngoài ra, CIG đang đầu tư vào các dự án hạ tầng khu công nghiệp nhưng vẫn đang còn ở giai đoạn đầu và chưa có doanh thu. Theo chia sẻ của doanh nghiệp, toàn bộ nhân lực Công ty đều đang tập trung vào mảng kinh doanh này.

Lũy kế cả năm 2020, COMA 18 lỗ ròng đến 164 tỷ đồng, cũng là mức lỗ lớn kỷ lục của doanh nghiệp này kể từ năm 2007.

Đến cuối năm 2020, lỗ lũy kế của COMA 18 tăng lên mức gần 300 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu giảm từ hơn 331 tỷ đồng về mức 160 tỷ đồng chỉ sau một năm.

Tính đến thời điểm 31/12/2020, tổng tài sản của COMA 18 đạt 692 tỷ đồng, giảm 23% so với giá trị đầu năm. Nợ phải trả 531 tỷ đồng, chiếm 77% tổng nguồn vốn; riêng nợ vay 177 tỷ đồng. Trong khi đó, lượng tiền mặt của doanh nghiệp duy trì ở mức ít ỏi 2,4 tỷ đồng.

Trước đó, do tình hình kinh doanh suy giảm, COMA 18 đã từng phải gán đất (số 38 Phùng Hưng, phường Phúc La, quận Hà Đông) để đối trừ công nợ phải trả 87,5 tỷ đồng cho Tổng công ty 36 hồi tháng 7/2018.

Tháng 11/2020, doanh nghiệp tiếp tục phải chuyển nhượng 3,4 triệu cổ phần tại CTCP Đầu tư KCN Kinh Đô nhằm đối trừ công nợ số tiền 33,8 tỷ đồng với CTCP Tập đoàn VIDEC.

Ngoài ra, COMA 18 còn đang ghi nhận khoản góp vốn dài hạn trị giá 271 tỷ đồng vào hai doanh nghiệp là Công ty Đầu tư KCN Kinh Đô và Công ty thuỷ điện Hùng Lợi Yên Sơn.

Không chỉ thể hiện kết quả kinh doanh kém khả quan, trước đó năm 2019, Coma18 còn đang vướng hàng loạt lùm xùm pháp lý như nợ thuế, kiện tụng với các công ty khác.

Theo văn bản giải tình gửi UBCKNN và HOSE, tại ngày 24/10/2018, tổng số tiền nợ thuế và chậm nộp là 31,3 tỷ đồng.

Dù được nhận bàn giao nhà đã 5 năm, nhưng đến nay gần 300 hộ dân tòa nhà Westa vẫn chưa được làm sổ hồng, chưa được bàn giao quỹ bảo trì

Không chỉ vướng nợ thuế, COMA 18 đang vướng kiện tụng với Tổng Công ty 36 – CTCP. Cụ thể, công trình xây dựng phần móng, hầm và thân dự án Tòa nhà cao cấp Westa tại số 104 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội có chủ đầu tư là CTCP Coma18 đã hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, Coma18 không thực hiện thanh quyết toán công trình.

Liên quan đến Tòa nhà cao cấp Westa, hiện nay nhiều cư dân mua nhà tại đây vẫn đang mòn mỏi đợi chờ sổ hồng. Theo phản ánh của cư dân, dù được nhận bàn giao nhà đã 5 năm, nhưng đến nay gần 300 hộ dân tòa nhà Westa vẫn chưa được làm sổ hồng, chưa được bàn giao quỹ bảo trì. COMA 18 mới chỉ trả cho cư dân 200 triệu đồng tiền phí bảo trì trên tổng số gần chục tỷ đồng.

Tác giả: Quang Dân

Theo: Dân Việt
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến