Dòng sự kiện:
Ngôi làng nơi người chết phải mượn đất của Ban quản lý rừng phòng hộ để an táng
19/04/2019 17:33:42
Không điện, không đường, không có đất ở và cả đất sản xuất, khi có người chết phải mượn đất của Ban quản lý rừng phòng hộ để chôn là nghịch lý đáng buồn ở làng Húng, xã Giao Thiện, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa).

Làng khát ánh sáng

Làng Húng là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Thái ở xã Giao Thiện, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa).

“Húng” trong tiếng Thái nghĩa là “sáng”, có lẽ cái tên cũng chính là ước vọng của người dân về một cuộc sống tươi sáng cho mảnh đất vẫn còn đầy “bóng tối” này.

Đây là bản vùng cao, vùng sâu của xã Giao Thiện, cách trung tâm xã chỉ hơn chục cây số, thế nhưng con đường đi vào làng thật không dễ dàng bởi đường rừng khúc khuỷu, trời nắng thì sỏi đá gập ghềnh, trời mưa thì nhão nhoẹt, trơn tuột như đổ mỡ.

Ngôi nhà được xây trên đất rừng phòng hộ ở làng Húng

Sau hành trình nhọc nhằn, chúng tôi đến làng Húng khi trời đã nhập nhoạng tối. Bản làng không điện lưới, không sóng điện thoại, không gian u tịch chỉ có sương rừng và khói bếp tà tà trên những nóc nhà bên sườn núi, cuộc sống nơi này cứ như đang cách biệt với thế giới bên ngoài hàng thế kỉ.

Làng có hơn 122 hộ dân, chiếm phần lớn trong số đó là hộ nghèo, nếu không thì cũng là hộ cận nghèo. Mặc dù làm lụng chăm chỉ nhưng người dân nơi đây vẫn không thể khấm khá, “cái khó bó cái khôn” bởi lẽ nhu cầu cơ bản và thiết yếu không được đáp ứng.

Trưởng thôn Vi Văn Hùng tâm sự: “Vì giao thông cách trở và điện chưa có nên rất khó khăn để liên lạc với bên ngoài, mỗi khi có việc hệ trọng, những chính sách, chủ trương của nhà nước chúng tôi chậm nắm bắt. Khổ nhất là khi có người đau ốm cần đi cấp cứu, ban ngày còn đỡ chứ đêm là cơ cực lắm. Dù vậy, cái quan trọng nhất mà chúng tôi cần để nuôi sống gia đình là mảnh đất mang tên mình sản xuất cũng không có thì biết nuôi con gì, trồng cây gì để ăn”.

Mong mỏi được "an cư lạc nghiệp"

Theo ông Hùng, dù người dân đã sinh sống ở đây hàng trăm năm nay, cho đến khi những khu đất này được chính quyền quy hoạch vào đất rừng phòng hộ thì các hộ dân đã không còn được phép sử dụng để sản xuất hay dựng nhà, nhưng cũng không được bố trí quỹ đất khác thay thế.

Trong làng hiện nay chỉ khoảng 40% hộ dân được cấp sổ đỏ cho mảnh đất gia đình đang sinh sống. Các hộ còn lại do nhà ở nằm trong khu vực rừng phòng hộ, nên không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Vì vậy, muốn sửa sang hay cải tạo nền đất để dựng nhà đều không được nên bà con chỉ có thể ở những ngôi nhà lụp xụp, chắp vá. Nhiều trường hợp, con cái khi dựng vợ, gả chồng muốn tách hộ riêng nhưng không có đất làm nhà nên dù biết tự ý lấp đất ruộng là sai quy định nhưng người dân vẫn đánh liều để làm. Hiện nay, đã có khoảng 8 sào (4.000m2) ruộng bị lấp đi để xây nhà cửa.

“Muốn trồng rừng, 48 hộ dân làng phải thuê đất của Ban quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh để làm kinh tế. Như gia đình tôi, thuê được 5ha đất, sau 7 năm trồng thì thu hoạch một lứa keo, chúng tôi phải trả phí thuê đất là 10 triệu đồng cho diện tích 5ha. Khi thu hoạch cây keo, cũng phải cam kết bán cho Ban quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh. Thậm chí ngay cả khi trong làng có người qua đời cũng không có nơi để chôn cất mà phải mượn đất của Ban quản lí rừng phòng hộ”, trưởng thôn làng Húng cho biết.

Người dân làng Húng mong mỏi có đất để "an cư lạc nghiệp"

Trao đổi về vấn đề trên, ông Lê Văn Tá, Chủ tịch UBND xã Giao Thiện thừa nhận: “Thời gian qua, trong các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND huyện, tỉnh và đại biểu Quốc hội, chính quyền địa phương và người dân đã kiến nghị nhiều lần về việc chính quyền các cấp cần phải có ngay giải pháp để khắc phục khó khăn cho người dân. Tỉnh, huyện cũng đã tiếp thu ý kiến và giao cho đơn vị, chức năng tập trung giải quyết. Tuy nhiên, đến nay, mọi thứ vẫn chưa được giải quyết”.

Ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh cho biết thêm: Năm 2017, đơn vị cũng đã rà soát lại 3 loại rừng trên địa bàn. Tiếp đó, đề xuất với UBND tỉnh, thu hồi một khu đất rừng nghèo kiệt không có giá trị, để giao lại cho xã Giao Thiện quản lý và làm khu nghĩa trang cho người dân làng Húng.

“Việc này, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, để tiến hành thực hiện các thủ tục cần thiết. Hiện nay, lãnh đạo huyện cũng đề xuất với các cơ quan liên quan của tỉnh giải quyết dứt điểm thủ tục pháp lý để sớm bàn giao đất cho địa phương, giúp bà con ổn định đời sống”, ông Công nói.

 Lương Diễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến