Dòng sự kiện:
Ngôi nhà 30m2 đơn sơ treo đầy huy chương của cô gái vàng SEA Games
18/05/2023 16:06:05
Cao Thị Duyên – cô gái 22 tuổi đến từ Thanh Hóa, vừa đoạt 3 HCV, 2 HCB tại SEA Games 32 có hoàn cảnh khó khăn ít ai biết đến.
Những chiếc huy chương đáng giá

Những ngày này, trong căn nhà nhỏ cheo leo trên một quả đồi tại thôn Quý Tân, xã Cẩm Quý, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) luôn tràn ngập tiếng cười và những lời thăm hỏi chúc tụng của hàng xóm. Đó chính là ngôi nhà của vận động viên (VĐV) Cao Thị Duyên, người vừa đoạt 3 HCV, 2 HCB SEA Games 32 tại Campuchia, phá 2 kỷ lục SEA Games 32 cho đoàn thể thao Việt Nam. 

Nữ VĐV 22 tuổi đã giành 3 HCV bộ môn lặn ở các nội dung: 4x200m vòi hơi chân vịt tiếp sức nữ, 4x100m vòi hơi chân vịt tiếp sức nữ, 100m chân vịt đôi nữ; giành 2 HCB ở các nội dung: 50m cá nhân vòi hơi chân vịt nữ và 4x50m tiếp sức hỗn hợp. Đây là thành tích cao nhất, một kỷ lục của thể thao Thanh Hóa mà 1 VĐV giành được tại 1 kỳ SEA Games.

Ngoài việc tập luyện, thi đấu, Duyên hiện đang là sinh viên ngành Quản lý thể thao của Trường Đại học Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. 

Ngôi nhà của VĐV Cao Thị Duyên

Trong căn nhà rộng 30m2, mái lợp ngói với những vách tường nham nhở, không có tài sản gì đáng giá. Có lẽ quý giá nhất với gia đình này là những tấm huy chương, giấy khen, bằng khen treo đầy tường chính.

Bố của Duyên, ông Cao Văn Kỷ (45 tuổi) đang lâng lâng trong niềm hạnh phúc, ông chưa thể tin con gái đạt được “kỳ tích” tại Đại hội thể thao Đông Nam Á. 

Ông Kỷ làm phu đá ở một mỏ đá huyện Yên Định (Thanh Hóa) – một công việc nguy hiểm và vất vả nhưng thu nhập chẳng đáng là bao. Ông cho biết, những ngày Duyên thi đấu ở Campuchia, gia đình đang phải chịu tang người bác ruột nên không xem tivi (theo phong tục của người Mường). Ngoài ra, hai vợ chồng ông cũng không có điện thoại thông minh. Do vậy, không ai nắm được nhiều thông tin về kết quả thi đấu của con gái. 

Bố mẹ Duyên tự hào về thành tích của con gái 

Người bố chỉ nghe con giành HCV thông qua những người hàng xóm nói. Dù vậy, ông bà cũng không gọi điện để con gái tập trung thi đấu. 

“Mãi đến khi Duyên thi xong các nội dung, thầy Tuấn Anh (HLV Phạm Tuấn Anh) và sau đó là Duyên gọi điện thông báo, cả nhà mới biết cháu đã giành 3 HCV, 2 HCB. Hôm qua, Duyên gọi điện nói sắp về, anh em, họ hàng đang háo hức đón cháu. Cháu nó đi biền biệt quanh năm, nhớ nó lắm”, ông Kỷ vui vẻ nói.

10 tuổi, con gái đã rời xa gia đình xuống Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh Thanh Hóa, cách nhà hơn 100km luyện bơi. Những ngày đầu con gái xa nhà, nhiều đêm bố mẹ chỉ biết khóc vì thương. Tuy vậy, hi vọng con gái có tương lai sáng sủa, ông Kỷ và vợ nén nỗi nhớ để động viên con gái luyện tập cho tốt.

Bà Cao Thi Quang - mẹ VĐV Cao Thị Duyên dù mới 43 tuổi nhưng do cuộc sống vất vả, bà có dáng vẻ khắc khổ của một người phụ nữ tần tảo. Nhà có 2 sào ruộng, bà phải chăm quanh năm vẫn không đủ ăn. Những ngày con tập luyện và thi đấu, người mẹ vẫn đang “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” ngoài cánh đồng. 

Bà thương con gái, không muốn đời con vất vả như mình, nên lúc nào cũng chỉ biết động viên con phấn đấu và kiên trì với con đường con đang đi. 

Con gái sắp về, người mẹ vừa mừng nhưng cũng vừa lo. Ngôi nhà nhỏ chật chội ngày nắng thì nóng, mà mưa thì dột, không có phòng riêng cho con gái. Mỗi khi về nhà, Duyên phải xuống nhà người chú ngủ cùng bà nội. 

“Tôi không mong gì hơn là con gái sẽ có tương lai tốt, công việc ổn định để lo cho cuộc đời nó. Bố mẹ nghèo khó không thể làm được gì cho con, nhiều lúc tôi cũng khổ tâm”, bà Quang xúc động nói. 

Sự nghiệp thể thao đáng nể

Năm 2011, Cao Thị Duyên được các nhà tuyển trạch thể thao Thanh Hóa phát hiện, đào tạo để trở thành VĐV bơi lội chuyên nghiệp. Cùng lứa với Duyên tại xã Cẩm Quý có 5 bạn nhưng giờ còn mỗi mình Duyên trụ lại với nghề.

HLV Phạm Tuấn Anh, người trực tiếp huấn luyện Cao Thị Duyên từ năm 2015 cho biết, ban đầu cô gái quê Cẩm Thủy được lựa chọn, đào tạo môn bơi. Trong quá trình tập luyện, Duyên phát hiện bị viêm gan B, khó có khả năng phát triển. Thông thường, những VĐV như thế sẽ được khuyên trở về gia đình, tiếp tục theo học văn hóa, lựa chọn con đường khác.

Trong ngôi nhà, những chiếc huy chương và bằng khen quý giá nhất

Tuy nhiên, HLV Phạm Tuấn Anh đã tin tưởng, chuyển Cao Thị Duyên sang môn lặn. Theo vị HLV vừa cùng Duyên giành 3 HCV, 3 HCB SEA Games thì bơi và lặn có nhiều điểm chung nên việc chuyển môn không gặp nhiều khó khăn.

Việc quyết định đổi từ bơi sang lặn của Duyên là một quyết định đúng của những người làm thể thao Thanh Hóa. Ngay trong năm đầu tiên chuyển sang thi đấu môn lặn, Cao Thị Duyên đã giành 2 HCV, phá 2 kỷ lục quốc gia tại giải vô địch các nhóm tuổi. 1 năm sau đó (2016), Duyên đoạt HCV giải vô địch trẻ quốc gia. Năm 2017, ở tuổi 16, Duyên đoạt 3 HCV, phá 1 kỷ lục tại giải VĐQG; đồng thời giành 2 HCV giải vô địch trẻ Châu Á.

Bảng thành tích của Cao Thị Duyên ngày một dày thêm khi tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2018, Duyên giành 1 HCV, 2 HCB, phá 1 kỷ lục đại hội. Các năm 2020 và 2021, Cao Thị Duyên giữ vừng thành tích đoạt 2 HCV giải VĐQG. Năm 2022 được xem là năm bội thu huy chương khi cô gái quê Cẩm Thủy giành 2 HCV SEA Games 31, 3 HCV, 3 HCB tại Đại hội TDTT toàn quốc, phá 2 kỷ lục đại hội.

Hy vọng Duyên sẽ có tương lai tươi sáng với sự nghiệp thi đấu để có thể thay đổi cuộc sống của gia đình

HLV Phạm Tuấn Anh cho biết, năm 2023, Cao Thị Duyên sẽ tiếp tục tham dự 2 giải đấu quan trọng là giải VĐQG vào tháng 10 và giải vô địch châu Á vào tháng 11.

Ngay sau SEA Games 32, thầy trò sẽ tiếp tục luyện tập để chuẩn bị cho các giải đấu quan trọng khác. Mục tiêu SEA Games 32 đã hoàn thành. 

“Tiếc là môn lặn mới chỉ tổ chức ở SEA Games và cao nhất là giải vô địch Châu Á, chưa được đưa vào thi đấu tại Asiad hay Olympic. Hy vọng một ngày bộ môn này sẽ được quan tâm hơn để những VĐV như Duyên có cơ hội thi đấu ở những đấu trường cao hơn", HLV Phạm Tuấn Anh nói.

Lương Diễn

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến