Chúng tôi đến thăm ngôi nhà 48 Hàng Ngang, Hoàn Kiếm (Hà Nội) - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vào một buổi sáng mùa thu tháng 8 trong lành. Chị Quách Thị Hương Trà - cán bộ quản lý di tích 48 Hàng Ngang là người dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng, kể về lịch sử của ngôi nhà và những kỷ niệm gắn bó với mình kể từ khi làm việc tại đây.
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi với chị Quách Thị Hương Trà là dáng người mảnh khảnh và nụ cười tươi tắn, hiền hậu. Tốt nghiệp ngành du lịch, chị về Ban Quản lý di tích danh thắng của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và được phân công về di tích 48 Hàng Ngang làm việc. Đến nay, chị Trà đã gắn bó với ngôi nhà 48 Hàng Ngang 4 năm.
Ngôi nhà 48 Hàng Ngang - nơi Bác Hồ viết bản Tuyên ngôn độc lập.
Chị Quách Thị Hương Trà (cán bộ quản lý căn nhà 48 Hàng Ngang) trò chuyện với phóng viên ANTT.
Tầng 1 của căn nhà trưng bày những bức ảnh về cuộc đời Cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Một hướng dẫn viên đang giới thiệu về căn nhà và câu chuyện lịch sử gắn liền với nơi đây cho hai du khách nước ngoài.
Bàn đánh mày chữ của chủ tịch Hồ Chí Minh
Những hiện vật lịch sử được giữ gìn nguyên trạng
Bàn họp nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trung ương Đảng thông qua Tuyên ngôn độc lập.
Khi nhận quyết định, chị đã rất vui và hào hứng vì trước đây chị đã được học, được đọc rất nhiều về ngôi nhà 48 Hàng Ngang nhưng chưa bao giờ đặt chân đến. “Công việc này cho chị những khoảng lặng quý giá để sống cùng lịch sử”, chị Trà hào hứng.
Trải qua 4 năm gắn bó chị đã được tìm hiểu sâu hơn những câu chuyện về Bác, thấy Bác Hồ vừa vĩ đại mà vừa gần gũi. Ngoài ra, chị còn biết thêm những câu chuyện về ông bà chủ nhà. Điều làm chị Trà thích thú nhất đó là hàng ngày được ngắm nhìn những hiện vật thiêng liêng gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng có tiếng nói riêng, kể một câu chuyện riêng.
Chị thuộc lòng từng ngóc ngách trong ngôi nhà và nó đã trở thành một phần trong cuộc sống của chị. Chị Trà chia sẻ những hôm chị bị sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị, nghỉ làm hơn một tuần trời. Nằm trong viện, lòng chị cứ nao nao nhớ về ngôi nhà 48 Hàng Ngang.
Tủ đựng tài liệu của Bác
Một du khách chăm chú đọc bản Tuyên ngôn độc lập.
Chiếc giường Bác nằm nghỉ ngơi trong thời gian trong những ngày lưu lại và làm việc tại số nhà 48 Hàng Ngang.
Chị Trà xúc động: “Chị nhớ cách đây 2 năm, tức là ngày 2/9/2015 có một vị khách mặc quân phục, đeo huân huy chương tìm đến và đứng chờ từ sáng sớm tinh mơ để dự khai mạc Triển lãm trưng bày kỷ niệm 70 năm ngày Quốc Khánh. Nhưng khi được biết triển lãm đã được khai mạc cách đó hơn một tuần, bác ấy tiếc nuối lắm, cứ đứng đây, loanh quanh mãi xem ảnh chụp ngày khai mạc xong rồi chụp ảnh lẵng hoa người ta gửi chúc mừng, đến tận trưa mới ra về. Nhìn dáng vẻ bác cui cút bước ra cửa bọn chị rơm rớm nước mắt”.
Theo như chị Trà chia sẻ, có những khách du lịch nước ngoài thăm quan phố cổ, khi vô tình vào căn nhà này, họ đã rất ngỡ ngàng. Bởi họ không nghĩ, nằm giữa lòng phố cổ lại có một nơi ý nghĩa, ghi dấu sự hình thành của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Nhiều người lại ấn tượng về những câu chuyện của Bác Hồ hoặc cuộc sống của chủ nhà, thiết kế ngôi nhà.
Tại chiếc bàn này, 72 năm trước, Bác Hồ đã khởi thảo bản Tuyên ngôn độc lập.
Phòng tiếp khách
Khung cửa sổ nhìn ra khoảng sân có giếng nước rêu phong
Mỗi hiện vật kể một câu chuyện riêng.
Cuốn sổ ghi lại những chia sẻ xúc động của du khách sau khi tham quan căn nhà 48 Hàng Ngang
Những ngày đầu chuyển về đây, lực lượng quản lý, hướng dẫn viên, thuyết minh viên khá mỏng mà mỗi ngày phải đón tiếp lượng khách lớn nên khá vất vả. Nhưng bây giờ có sự chung tay của nhiều tổ chức như Hà Nội free walking tour, Hà Nội free tour guide… nên công việc của những người như chị Trà cũng bớt tất bật phần nào.
Ngoài ra còn có chương trình hợp tác 3 bên là Viện Đại học Mở Hà Nội, Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Trung tâm thông tin Du lịch (28 Hàng Dầu), họ tổ chức đào tạo hướng dẫn viên, thuyết minh viên từ các bạn sinh viên để thực hiện các tour du lịch vòng quanh phố cổ miễn phí.
Chúng tôi chia tay chị Trà khi trời đã quá trưa với lời hẹn sẽ sớm quay lại vì chị nói, còn rất nhiều những câu chuyện muốn kể cho chúng tôi nghe.
72 năm trước, ngôi nhà 48 Hàng Ngang là của gia đình ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ, một doanh nhân buôn tơ lụa nổi tiếng giàu có. Ngày 25/8/1945, Bác Hồ đã được các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Bằng, Trường Chinh, Trần Đăng Ninh… đưa đến bằng lối cửa sau là số 35 phố Hàng Cân. Các đồng chí giới thiệu với chủ nhà là “Ông cụ dưới quê lên chơi”. Bác được chủ nhà bố trí ở một căn phòng trên tầng 2 và bác đã ở lại đây trong 3 ngày, từ 28 đến 30/8/1945. Tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang, Bác đã viết bản Tuyên ngôn độc lập. Sau này, ngôi nhà 48 Hàng Ngang đã được gia đình ông Trịnh Văn Bô hiến tặng cho Nhà nước. Nơi đây trở thành một di tích lịch sử bởi đã gắn liền với sự kiện quan trọng của đất nước. |
Mạnh Long - Dương Nga
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy