Dòng sự kiện:
'Ngóng' phiên chiều, hàng bắt đáy rẻ nhất về tài khoản
31/08/2022 13:09:25
Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8 không thu hút được dòng tiền, dù cổ phiếu giằng có khá ổn định. Thanh khoản 2 sàn giảm 21% so với sáng hôm qua, chỉ còn chưa tới 5,9 ngàn tỷ đồng, kém nhất trong 5 tuần trở lại.

VN-Index đánh võng liên tục quanh tham chiếu.

Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8 tiếp tục không thu hút được dòng tiền, dù cổ phiếu giằng có khá ổn định. Tổng thanh khoản hai sàn giảm 21% so với sáng hôm qua, chỉ còn chưa tới 5,9 ngàn tỷ đồng, kém nhất trong 5 tuần trở lại đây, nhưng chiều nay hàng giá rẻ sẽ về...

VN-Index đánh võng quanh tham chiếu tới 5 lần, hết tăng lại giảm, và cuối cùng đang +1,87 điểm tương đương 0,15%. Ảnh hưởng từ các cổ phiếu vốn hóa lớn là rất rõ ràng.

Hai trụ VIC, VHM từng là “thảm họa” của VN-Index, sáng nay lại tỏa sáng. VIC tăng 1,89% và VHM tăng 0,83%. Chỉ hai mã này đã đem lại 1,74 điểm cho chỉ số, coi như “gồng” hết mức tăng, các mã còn lại bù trừ lẫn nhau là đủ.

Cả hai cổ phiếu lớn nhất nhì thị trường này đều đang trong xu thế giảm rất sâu. VIC đầu tuần này chạm đáy từ cuối tháng 3/2020. VHM đang luẩn quẩn nhiều tuần quanh vùng đáy thấp nhất 2022 và cũng chỉ tương đương vùng giá hồi tháng 11/2020. Trong nhịp phục hồi của VN-Index 2 tháng nay, VIC và VHM chính là “phanh hãm” khiến biên độ tăng hạn chế.

Cả rổ VN30 sáng nay có 11 mã tăng/13 mã giảm. Ngoài VIC thì chỉ còn POW tăng 2,53%, BVH tăng 2,44%, MSN tăng 1,14% là đáng kể. Tuy vậy số giảm cũng chỉ duy nhất VJC là trên 1%, giảm 1,23% so với tham chiếu. Nhờ cổ phiếu giảm cũng nhẹ nên dù số tăng ít, biên độ nhỏ, tác động của các blue-chips còn lại lên chỉ số cũng không nhiều. Khác biệt nằm ở các trụ mạnh nhất và lớn nhất.

Nhóm vốn hóa lớn nhất thị trường sáng nay chủ yếu là giằng co, biên độ tăng giảm cũng không quá chênh lệch.

Thị trường sáng nay phản ứng khá nhẹ nhàng, nhất là khi đêm qua chứng khoán thế giới lại giảm mạnh, giá dầu cũng rơi sâu. Cổ phiếu dầu khí, phân bón hóa chất sáng nay hầu hết giảm, nhưng cũng không quá nhiều. GAS giảm 0,59% là trụ trong VN30 khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất. Các mã dầu khí còn lại như PVD, BSR, PVS cũng đỏ. Nhóm phân bón hóa chất chỉ sót lại DCM tăng 0,66%.

Liên tục các nhịp trồi sụt tăng giảm trong phiên sáng nay không đi kèm sự hoảng loạn hoặc biến động lớn nào rõ rệt. Độ rộng không quá chênh lệch ở cổ phiếu và biên độ tăng giảm tổng thể cũng vậy. Ở hai nhịp tạo đáy sâu nhất của VN-Index buổi sáng, độ rộng hẹp nhất là 98 mã tăng/290 mã giảm lúc 10h55. Đến cuối phiên sáng độ rộng cải thiện lên 169 mã tăng/224 mã giảm. Biên độ phía tăng chỉ có 64 mã trên 1% và phía giảm là 71 mã. Như vậy mức độ tổn thương cho danh mục nhà đầu tư cũng không quá lớn.

Thanh khoản quá thấp nên biên độ giá của nhiều cổ phiếu ít độ tin cậy về sức mạnh. Tuy nhiên nếu tập trung vào những mã thanh khoản lớn nhất thì dòng tiền nâng đỡ giá vẫn hoạt động khá hiệu quả. Trên toàn thị trường sáng nay có 16 cổ phiếu giao dịch từ 100 tỷ đồng trở lên thì có 7 mã giảm giá, còn lại là tăng. DBC, HAG, POW, BVH, HSG là những cổ phiếu có cầu tốt và giá tăng mạnh. Ngược lại, DIG, PVD, IDC lao dốc nặng với thanh khoản cao.

Khối ngoại đang mua bán cầm chừng, với tổng giải ngân trên HoSE chỉ đạt 267,4 tỷ đồng, chiếm 5% tổng giao dịch, bán ra 303,8 tỷ, chiếm 5,7%. Mức bán ròng khoảng 36,4 tỷ đồng là không đáng kể. Cũng không có mã nào được mua bán ròng vượt trội. Mua nhiều nhất là MSN cũng chỉ +18,6 tỷ và bán nhiều nhất là KBC với -19,6 tỷ đồng.

Hôm nay là phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8 trước kỳ nghỉ lễ kéo dài thêm 2 ngày. Chiều nay lượng cổ phiếu của phiên bắt đáy kỷ lục hơn 21,4 ngàn tỷ đồng hôm đầu tuần về tài khoản. Với mức giảm giá khá nhẹ buổi sáng, hầu hết các cổ phiếu bắt đáy vẫn có lãi, dù nhiều mã khá mỏng.

Trong các đợt T+2 mới nhất thì hôm nay là phiên thử thách đầu tiên của lượng hàng ngắn hạn có lời. Nhà đầu tư sẽ phải quyết định chốt lãi ngay hay giữ lại qua tuần tới và phải đối diện với rủi ro biến động xấu từ thế giới trong 3 phiên giao dịch nữa. Thanh khoản hôm đầu tuần là đột biến cao nhát trong nhịp tăng hiện tại, một phần trong đó là mua lướt sóng với hàng có sẵn, nhưng cũng có vị thế mua mới.

Tác giả: Kim Phong

Theo: Vneconomy
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến