Ngày 19/4, Đầu tư Hải Phát nhận được đơn từ nhiệm của hàng loạt lãnh đạo bao gồm thành viên HĐQT ông Vũ Hồng Sơn, thành viên HĐQT ông Lã Quốc Đạt và thành viên Ban kiểm soát ông Bùi Đức Tuế.
Lý do từ nhiệm của ba lãnh đạo Đầu tư Hải Phát là do bận công việc cá nhân nên không thể đảm nhận chức vụ.
Trong đó, đáng lưu ý, ông Vũ Hồng Sơn là người của nhóm cổ đông CTCP Đầu tư Toàn Tín Phát, được bổ nhiệm vào vị trí thành viên HĐQT Đầu tư Hải Phát từ ngày 21/10/2023 sau khi nhóm CTCP Đầu tư Toàn Tín Phát mua vào nâng sở hữu lên 16,54% vốn điều lệ tại Đầu tư Hải Phát vào ngày 14/9/2023.
Tuy nhiên, mới đây ngày 1/4/2024, nhóm cổ đông liên quan CTCP Đầu tư Toàn Tín Phát bất ngờ thông báo đã bán ra hơn 35,1 triệu cổ phiếu HPX, giảm sở hữu từ 16,54%, về 4,997% và chính thức không còn là cổ đông lớn tại Đầu tư Hải Phát.
Như vậy, sau khi không còn là cổ đông lớn tại Đầu tư Hải Phát, nhóm cổ đông liên quan CTCP Đầu tư Toàn Tín Phát cũng thực hiện rút người khỏi Hội đồng quản trị Đầu tư Hải Phát.
Thực tế, với động thái bán ra không còn là cổ đông lớn và đồng thời rút người khỏi Đầu tư Hải Phát sau hơn 6 tháng của nhóm CTCP Đầu tư Toàn Tín Phát, điều này đặt ra nhiều câu hỏi về quá trình tái cơ cấu, đặc biệt là Đầu tư Hải Phát vừa thông qua kế hoạch huy động vốn lớn.
Đẩy mạnh chào bán cổ phiếu để huy động 3.000 tỷ đồng
Sau hơn 6 tháng bị đình chỉ giao dịch kể từ ngày 11/9/2023, cổ phiếu HPX đã được giao dịch trở lại từ ngày 20/3/2024 và tính tới ngày 19/4/2024 đang giao dịch vùng 6.060 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 39,4% so với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Điểm đáng lưu ý, ngay khi niêm yết trở lại, Đầu tư Hải Phát cũng đồng thời công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên vào ngày 26/4 với nhiều nội dung liên quan tới kế hoạch gọi vốn mới.
Đầu tiên, Công ty trình cổ đông kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 2:1, tương ứng chào bán thêm 159,69 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, huy động 1.596,9 tỷ đồng và triển khai trong năm 2024.
Thứ hai, Công ty cũng sẽ chào bán 140,3 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, huy động 1.403,1 tỷ đồng từ các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (dưới 100 nhà đầu tư). Trong đó, cổ phiếu phát hành riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm.
Đầu tư Hải Phát cho biết thêm, toàn bộ số tiền huy động từ phát hành cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ là khoảng 3.000 tỷ đồng, Công ty sẽ sử dụng để tái cơ cấu nợ vay và thanh toán các khoản nợ phải trả đến hạn; đầu tư góp vốn vào Công ty con để tái cơ cấu và thanh toán các khoản nợ phải trả đến hạn của Công ty con; đầu tư phát triển các dự án của Công ty; và bổ sung vốn lưu động.
Được biết, tại thời điểm 31/12/2023, Đầu tư Hải Phát chỉ sở hữu 31,16 tỷ đồng tiền mặt, chiếm 0,38% tổng tài sản và ngược lại, tổng nợ vay lên tới 2.465,4 tỷ đồng, bằng 68,7% vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 1.828,4 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 637 tỷ đồng.
Theo thuyết minh Báo cáo tài chính năm 2023, Đầu tư Hải Phát cho biết ngày 28/10/2024 sẽ phải trả 248,8 tỷ đồng trái phiếu phát hành do CTCP Chứng khoán Dầu khí tư vấn; ngày 5/11/2024 sẽ phải trả 193,88 tỷ đồng trái phiếu do CTCP Chứng khoán MB tư vấn; ngày 31/12/2024 sẽ phải trả 300 tỷ đồng trái phiếu do CTCP Chứng khoán Smart Invest tư vấn; ngày 25/11/2024 sẽ phải trả trái phiếu trị giá 250 tỷ đồng do CTCP Chứng khoán Bảo Việt tư vấn phát hành..
Như vậy, lịch trả trái phiếu đáo hạn chủ yếu nằm trong quý IV/2024, Công ty đang lên kế hoạch huy động vốn để có dòng tiền đáo nợ vay và trái phiếu cuối năm 2024 trong bối cảnh quỹ tiền mặt hạn chế, hoạt động kinh doanh bất động sản vẫn còn nhiều thách thức trong năm 2024.
Được biết, Đầu tư Hải Phát dự báo năm 2024 tiếp tục khó khăn đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, Công ty khó tiếp cận được nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, khó phát hành được trái phiếu.
Lên kế hoạch đi lùi trong năm 2024
Xét về kế hoạch kinh doanh, trong năm 2024, Đầu tư Hải Phát đặt kế hoạch doanh thu 2.800 tỷ đồng, tăng 66,7% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế 105 tỷ đồng, giảm 22,2% so với thực hiện trong năm 2023 và cổ tức dự kiến với tỷ lệ 5%.
Nhận định về thị trường, Đầu tư Hải Phát dự báo năm 2024 tiếp tục khó khăn đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, Công ty khó tiếp cận được nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, khó phát hành được trái phiếu.
Trong đó, mục tiêu trong năm tài chính, Đầu tư Hải Phát sẽ tăng vốn để có nguồn lực và dòng tiền phục vụ hoạt động của Công ty, tập trung cơ cấu và xử lý nguồn vốn cho các gói trái phiếu đến hạn, mua lại trước hạn các gói trái phiếu và trả nợ các tổ chức tín dụng trong quý IV/2024.
Đối với việc đầu tư, Đầu tư Hải Phát tập trung hoàn thành giải quyết các vướng mắc về pháp lý các dự án đã được giao đầu tư, cần hoàn thiện pháp lý như dự án 1,4ha Phú Yên, dự án Mai Pha, dự án Điện Biên. Ngoài ra, Công ty cũng nghiên cứu, tìm kiếm các dự án mới, cơ hội đầu tư mới để có dự án gối đầu cho năm 2025.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, trong năm 2023, Đầu tư Hải Phát trình cổ đông kế hoạch trả cổ tức với tỷ lệ 5% bằng cổ phiếu, tương ứng phát hành thêm khoảng hơn 15,2 triệu cổ phiếu để trả cổ tức.
Tác giả: Duy Bắc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy