Dòng sự kiện:
Người dân các tỉnh từ Thanh Hoá đến Hà Tĩnh mừng vì 'bão số 3 chỉ như áp thấp'
19/07/2018 10:44:53
Khác hẳn với cảnh tan hoang sau những cơn bão trước đây, sáng 19/7, ghi nhận tại các địa phương chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3, dường như chưa có thiệt hại nào đáng kể.

Những ngày vừa qua, các tỉnh miền Trung liên tục xảy ra mưa lớn bởi tác động kép của cơn bão số 3. Lượng mưa lớn liên tục trong nhiều ngày đã khiến nhiều vùng tại tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh bị ngập lụt, một số nơi xảy ra sạt lở...

Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng Thuỷ văn Trung ương đã dự báo, hồi 22h ngày 18/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 106,4 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Dự báo, trong đêm 18/7, vùng tâm bão với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh, sau đó bão sẽ đi sâu vào đất liền.

Đây được đánh giá là cơn bão có tốc độ di chuyển nhanh, gấp đôi bình thường, tập trung đúng vùng đang bị 'tổn thương", là tình thế bất lợi trong bối cảnh mưa lớn vừa qua khá rộng. Do vậy, hàng loạt công điện khẩn được hoả tốc, mọi công tác chỉ đạo ứng phó được triển khai rất khẩn trương và gấp rút. Theo đó, hàng nghìn hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm đã được sơ tán đến nơi an toàn, tàu thuyền đã được kêu gọi về neo đậu tại các bến cảng, công tác hộ đê, cắm chốt cũng được triển khai đầy đủ, cẩn thận...

Dự báo là vậy, thế nhưng thực tế, theo ghi nhận của PV tại hiện trường các địa phương, từ tối 18/7 đến sáng 19/7 trên đất liền tại các địa phương chỉ có mưa to từng đợt, hầu như chưa có ghi nhận đáng kể nào về thiệt hại do bão số 3 gây nên.

Tại Thanh Hóa: Sáng 19/7, trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Thương, Bí thư Đảng ủy xã Đảo Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa cho biết, suốt đêm qua địa phương đã túc trực để phòng, chống bão số 3 đổ bộ vào đất liền. Tuy nhiên, đến sáng nay không ghi nhận có bão mà sức gió chỉ giống một trận áp thấp nhiệt đới.

Các tàu thuyền an toàn sau cơn bão.

Ông Nguyễn Xuân Thủy, Bí thư Huyện ủy Tĩnh Gia cho biết, theo ghi nhận tại địa phương thì bão số 3 không vào như dự báo mà chỉ có gió nhẹ của trận áp thấp nhiệt đới. Gió cũng làm đổ ít cây cối gây mất điện một số khu vực.

Ông Phạm Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP.Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa cũng xác nhận, bão số 3 không vào địa phương như dự báo mà chỉ có gió nhẹ như một trận áp thấp nhiệt đới. Đến thời điểm hiện tại, địa phương chưa ghi nhận thiệt hại về người và tài sản.

Tại Nghệ An: Theo thông tin của PV Báo Người Đưa Tin trực tiếp tại TX.Cửa Lò - nơi được dự báo tâm bão sẽ đổ bộ trực tiếp nhưng từ đầu giờ tối 18/7 đến sáng 19/7, khu vực này chỉ có mưa vừa rải rác.

Dự báo tâm bão sẽ đổ bộ vào khu vực thị xã Cửa Lò (Nghệ An) nhưng đêm 18/9, khu vực này chỉ có mưa nhỏ đến mưa vừa.

Ông Doãn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TX.Cửa Lò cũng xác nhận: Tại địa phương dù được dự báo là trung tâm của cơn bão số 3 khi đổ bộ vào đất liền, nhưng rất may mắn lại không xảy ra. Suốt đêm 18/7, TX.Cửa Lò chỉ có mưa nhỏ, gió không quá lớn. Ông Dũng nhận định, có thể bão số 3 đã tan trên biển trước khi vào bờ.

Tại Hà Tĩnh: Sáng 19/7, thời tiết tại một số nơi trên địa bàn tỉnh có mưa nhỏ không đáng kể. Theo báo cáo nhanh của PV địa bàn, ngoài ảnh hưởng của cơn lốc tố tối 18/7 khiến 13 nhà dân tại huyện Nghi Xuân bị tốc mái, thì suốt đêm đến rạng sáng 19, chưa ghi nhận thêm thiệt hại nào do bão số 3.

Khoa học Việt Nam cần nghiên cứu sâu về cấu trúc cơn bão

Chiều 18/7, tại buổi sơ kết ba năm hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ trong nghiên cứu khoa học, Bộ trưởng Tài nguyên Trần Hồng Hà cho rằng, việc hai bên hợp tác đã giúp hoạt động nghiên cứu khoa học của Bộ thời gian qua đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, trong tình hình mới ông đặc biệt nhấn mạnh những nghiên cứu cần ưu tiên, nhất là công tác dự báo khí tượng, thủy văn.

Bộ trưởng Hà cho rằng các nước khác nghiên cứu cơ bản về một cơn bão rất bài bản. Vì thế chỉ cần nhìn cấu trúc hình thành cơn bão sẽ biết ngay được tâm bão, sức tàn phá ra sao. "Việt Nam chưa có nghiên cứu đến nơi đến chốn về cấu trúc hình thành cơn bão. Đây là một nhiệm vụ cần tập trung thời gian tới", ông Hà nhấn mạnh.

Hương Nguyễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến