"Khổ đủ đường"
Dự án nâng cấp Quốc lộ 15 đoạn qua tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa - Tiểu dự án 3: Nâng cấp đoạn Km53+00 - Km109+00 qua tỉnh Thanh Hóa có chiều dài 53,3 km. Tuyến đường được triển khai thi công từ tháng 8/2020 với tổng mức đầu tư 1.051 tỷ đồng, quy mô đường cấp III miền núi, do Sở Giao thông - Vận tải Thanh Hóa làm chủ đầu tư.
Tại Thanh Hóa, tuyến đường đi qua địa phận các huyện Ngọc Lặc, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa.
Bà Dinh cho biết phải dựng lều để tránh ngập nước khi trời mưa
Theo phản ánh của nhiều hộ dân ở thôn Cú, xã Thiết Ống, huyện Bá Thước, quá trình thi công dự án ảnh hưởng đến nhà cửa, gây khó khăn cho cuộc sống sinh hoạt của họ.
Bà Trương Thị Mai, thôn Cú, đưa ra nhiều hình ảnh làm bằng chứng khi ngôi nhà bị ngập nước, nứt toác do ảnh hưởng bởi con đường.
“Cuộc sống của chúng tôi bị đảo lộn, khổ đủ đường từ khi dự án thi công. Họ nâng cao nền đường, khiến nhà tôi trở thành cái hầm, không còn đường ra vào. Mỗi khi mưa là nước xối vào nhà, không thể ở nổi”, bà Mai nói sau nhiều lần ngược xuôi đòi quyền lợi thì mới đây chính quyền cũng đã đồng ý đền bù cho gia đình bà.
Sau nhiều lần đi đòi quyền lợi, chính quyền mới đồng ý đền bù cho ngôi nhà của bà Mai
Không may mắn như nhà hàng xóm, bà Phạm Thị Dinh, thôn Cú cho biết, cũng giống như nhà bà Mai, ngôi nhà của gia đình cũng nằm ngay cạnh đường. Khi thi công, nền đường bị nâng lên cao, khiến ngôi nhà bị chênh với nền đường đến hơn 2m, không còn lối vào nhà, lấp cả giếng nước sinh hoạt.
Theo bà Dinh, gia đình phải dựng lán ra phía sau để có nơi khô ráo ngủ mỗi khi trời mưa. Khi việc thi công ảnh hưởng, gia đình bà và các hộ dân nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương đến ghi nhận và có phương án đền bù nhưng không có người đến.
“Không có nơi ở, cực chẳng đã, vợ chồng tôi đã phải dỡ nhà, tự bỏ chi phí nâng nền cao lên để dựng nhà mới. Thậm chí tiền làm nhà chưa có, còn phải đi vay ngân hàng. Giờ đây, chính quyền lại trả lời chúng tôi rằng không có căn cứ để xác định đền bù vì đã dỡ nhà, ai sẽ chịu trách nhiệm cho sự thiệt thòi của chúng tôi”, bà Dinh bức xúc nói.
Cùng một dãy với nhà bà Dinh là hộ ông Trương Trần Trung, Phạm Văn Phương, Trương Văn Luận cũng cùng cảnh bị chênh cốt với nền đường, thiệt hại đến đời sống sinh hoạt nhưng không được xem xét hỗ trợ.
Ngoài ra, tại thôn Cú, xã Thiết Ống cũng còn nhiều hộ dân khác cho rằng quá trình giải phóng mặt bằng, nhà chức trách đã không tính toán kỹ lưỡng đến mức độ ảnh hưởng mà các hộ dân nằm ngoài mốc GPMB phải hứng chịu để có phương án đền bù phù hợp.
Dân chịu thiệt
Ông Lê Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, Chủ tịch hội đồng GPMB của huyện cho rằng: Trong quá trình thi công quốc lộ, nhiều hộ dân tại xã Thiết Ống bị ảnh hưởng do chênh lệch cao độ nền nhà ở so với nền đường. Chính quyền đã khảo sát và xem xét, đối với các hộ có nhà không thể sử dụng được nữa thì Nhà nước đền bù cho họ di dời nơi khác.
“Chúng tôi đã đến kiểm tra tại thôn Cú, nhiều hộ có nhà ở chỉ chênh lệch cốt 1m, cách xa đường 5-7m với đường thì hộ dân đó phải tự cải tạo. Huyện đã xin ý kiến của tỉnh để có cơ chế hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng chênh cao cốt nền nhưng tỉnh không đồng ý vì không có quy định nào phù hợp”, ông Huy cũng nói đây là điều thiệt thòi cho các hộ dân, song không còn cách nào khác.
Về việc một số hộ phản ánh bị thu hồi đất hành lang nhưng chưa được đền bù, ông Huy giải thích, chính quyền đang phải tiếp tục rà soát, kiểm tra nguồn gốc đất, những hộ có nhà ở trên đất trước năm 1982 thì mới được đền bù theo quy định.
Còn theo ông Nguyễn Đức Anh, Phó Chủ tịch hội đồng GPMB huyện Bá Thước, đối với một số hộ dân tự ý dỡ nhà, hiện chính quyền không thể đền bù do không có căn cứ xác định mức độ thiệt hại. Các hộ phải tự chịu trách nhiệm.
Đi qua địa phận huyện Bá Thước, hiện dự án vẫn đang được thi công bởi Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Miền Trung.
Ông Phạm Phi Mão, Chủ tịch UBND xã Thiết Ống, huyện Bá Thước cho biết, ngoài những bức xúc về việc đền bù, người dân địa phương cũng nhiều lần phản ánh về việc thi công tuyến đường gây ô nhiễm bụi bặm.
“Trời mưa thì bẩn lầy lội, còn nắng thì bụi mù mịt. Tôi thấy đơn vị thi công rất ít khi phun nước tưới. Chăn mền trên nhà cũng đổi màu, quần áo phơi bám đầy bụi , mái ngói thì bung ra vì lu rung nền đường. Mong sao họ sớm làm xong để cuộc sống người dân được ổn định trở lại”, ông Trương Văn Sáu, thôn Cú nói.
Lương Diễn - Hồ Phương
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy