Người dân nghèo chưa được 'giải cứu' thực sự?
31/08/2014 14:01:58
ANTT.VN - Trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề hiệu quả của gói 30.000 tỉ đồng sau hơn 1 năm triển khai, tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm đánh giá: "Gói tín dụng này chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi".

Tiến sỹ Cao sỹ Kiêm: "Gói 30.000 tỉ - Thủ tục cho vay còn quá nhiều vòng vo, chồng chéo"

 

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về hiệu quả thực tiễn của gói tín dụng 30 nghìn tỉ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà giá rẻ, sau hơn một năm triển khai?

Về chủ trương, đây là một hướng đi đúng của Chính phủ. Gói tín dụng ra đời sẽ hỗ trợ trực tiếp, tháo gỡ khó khăn cho đa số người dân có thu nhập thấp chưa có nhà ở, đồng thời là cú hích, phá băng thị trường BĐS. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, đến thời điểm này, sau hơn 1 năm triển khai, gói tín dụng này chưa được hiện thực hóa. Vì vậy, thị trường BĐS chưa được "giải cứu" thực sự, đặc biệt là người dân nghèo, người có thu nhập thấp vẫn chưa thể tiếp cận được với nhà ở thông qua sự hỗ trợ của gói tín dụng này.

Như vây liệu có thể nói rằng "mục tiêu lớn" của gói tín dụng chưa hiệu quả thưa ông? Đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng này?

...Trước mắt, những khó khăn xuất hiện trong quá trình triển khai bước đầu đã cản trở mục tiêu mà gói tín dụng này hướng tới.

Theo tôi, đo là những đểm nghẽn cơ bản như: Thủ tục cho vay còn quá nhiều và vòng vo, chồng chéo, điều kiện cho vay còn chưa hợp lý (người thu nhập thấp, người nghèo không thể có đủ tiền để trả lãi vay và trừ gốc mỗi tháng khoảng 7-8 triệu đồng); đặc biêt, thời hạn cho vay hiện cũng bị ràng buộc 10-15 năm là chưa phù hợp với khả năng chi trả của người nghèo, người thu nhập thấp... Đó là chưa kể tới nguyên nhân giá nhà được gọi "nhà giá rẻ" trên thực tế vẫn quá cao, nên người thu nhập thấp dù có vay được tín dụng hỗ trợ thì cũng không "mặn mà"...

Theo ông, để tháo gỡ các vấn đề này, cần những giải pháp nào?

Các điểm nghẽn của gói tín dụng này nhìn chung là đến từ khâu cơ chế chính sách, nên muốn tháo gỡ, theo tôi cần tháo gỡ trước tiên từ các cơ chế, chính sách tổng thể.

Trong đó, cần nhất là nới lỏng các điều kiện cho vay để người nghèo có thể tiếp cận được. Đây không chỉ là vấn đề lãi suất thấp, mà còn là các điều khoản đi kèm như giấy tờ xác minh (hiện đang cần quá nhiều khâu, nhiều cấp xác minh..., là thời hạn cho vay (theo tôi nên tham khảo các nước trong khu vực và trên thế giới, bởi thời hạn cho vay của họ thường kéo dài 25 thậm chí 30 năm để người vay có thể chi trả...

Đặc biệt, cần có các giải pháp đồng bộ từ phía thị trường như: Kéo giáo nhà trở về giá trị thực, chia nhỏ hoặc cho phép xây dựng các căn hộ diện tích nhỏ, công năng phù hợp với nhu cầu người thu nhập thấp.... Có như vậy, gói tín dụng 30 nghìn tỉ mới có thể đẩy mạnh được giải ngân, thực hiện được các "sứ mệnh" xã hội quan trọng của mình.

Về phía các ngân hàng, theo ông, các ngân hàng đã thực sự vào cuộc?

Thực ra ngân hàng nào cũng muốn đẩy mạnh cho vay, nhưng do các điều kiện ràng buộc từ phía Ngân hàng Nhà nước cho gói tín dụng này chưa thực sự rõ ràng, chưa đủ đảm bảo để họ có thể mạnh dạn vào cuộc. Vì vậy, rất cần những thay đổi cơ chế từ Ngân hàng Nhà nước đủ đảm bảo thanh khoản để ngân hàng thương mại có thể mạnh dạn giải ngân, tạo điều kiện cho người thu nhập thấp dễ dàng tiếp cận gói tín dụng này. Đây cũng là một cách để giúp thị trường BĐS từng bước sôi động trở lại.

Xin cảm ơn ông

Nam Nam (Thực hiện)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến