Dòng sự kiện:
Người dân rơi vào cảnh 'màn trời chiếu đất' khi áp thấp tiếp tục xuất hiện
23/08/2018 10:31:00
Mặc dù bão số 4 đã đi qua được mấy ngày nhưng hiện nay công tác khắc phục vẫn chưa xong do sạt lở, giao thông bị chia cắt, nhiều nơi bị cô lập. Thế nhưng, trên Biển Đông tiếp tục xuất hiện áp thấp nhiệt đới.

Ở tạm trong trụ sở xã

Trong bão số 4, các xã vùng biên Mường Ải, Mường Típ và Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) là những nơi bị thiệt hại nặng nề nhất. Theo thống kê ban đầu, trên địa bàn 2 xã Mường Ải và Mường Típ mưa lũ đã làm 1 người chết, 1 người mất tích, 2 người bị thương; 5 ngôi nhà bị sập hoàn toàn; 25 nhà phải di chuyển tránh sạt lở; bùn đất sạt lở tràn vào 32 hộ gia đình.

Ông Lữ Quang Hưng, Chủ tịch UBND xã Mường Ải cho biết, lũ đã khiến một khối lượng đất đá cực lớn lấp nhà dân, các trụ sở cơ quan chức năng, trường học, đồn biên phòng.

Cơn lũ quét vào ngày 17/8 đã khiến xã Mường Ải bị thiệt hại nặng nề (Ảnh: Lữ Hưng).

Riêng trên địa bàn, lũ khiến cha con ông Moong Phò Uôn (gần 80 tuổi), Moong Phò Tuấn (47 tuổi), trú bản Xốp Phong, thiệt mạng. Đến thời điểm hiện tại cơ quan chức năng mới tìm thấy thi thể ông Uôn. Cơ quan chức năng đang mở rộng phạm vi tìm kiếm anh Tuấn nhưng vẫn chưa có kết quả.

“Chúng tôi đang cố gắng khắc phục hậu quả sau lũ, thế nhưng do mưa kéo dài nên nhiều nơi bị sạt lở, cắt đứt hoàn toàn đường từ thị trấn vào trung tâm xã. Đến thời điểm hiện tại, 6 bản của xã gồm bản Pụng, Huồi Khe, Nha Nang, Xốp Xăng, Xốp Lau và Xốp Phong vẫn đang bị cô lập, chia cắt nên chúng tôi chưa thể thống kê hết những thiệt hại do cơn lũ gây ra”, ông Hưng nói.

Theo vị chủ tịch xã, lũ quét đã khiến 9 ngôi nhà bị sập và cuốn trôi, gần 40 người dân rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”. Để giúp người dân có chỗ ở, UBND xã đã nhờ các hộ dân có điều kiện, thậm chí sử dụng trụ sở để mọi người tạm thời tránh mưa gió. Điều lo lắng nhất là chỉ sau vài ngày trời hửng nắng thì trên địa bàn Kỳ Sơn lại xuất hiện mưa giông, trong khi công tác khắc phục chưa làm xong.

Đường từ trung tâm huyện vào xã Mường Ải đã bị cắt đứt hoàn toàn do sạt lở.

“Với khối lượng đất đá như thế này thì chỉ có thể dùng máy móc chứ sức người không thể làm xuể, muốn vậy thì trời không mưa và đất khô ráo. Nhưng nếu để lâu, lũ quét lại về thì khả năng sẽ tràn lên hai bên bờ, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân”, ông Hưng lo lắng.

Nguyên nhân là do cuối tháng 7/2018, cơn bão số 3 ập đến đã khiến xã Mường Ải, Mường Típ bị thiệt hại vô cùng nặng, phải hơn nửa tháng sau mới khắc phục được cơ bản. Đặc biệt, nước lũ dâng lên đã cuốn trôi 2 gian văn phòng nhà trường, 3 gian nhà ở của cán bộ giáo viên, 1 bể nước, 1 công trình vệ sinh trường tiểu học Mường Ải, ước tính thiệt hại lên đến gần 1 tỷ đồng. Giờ bão số 4 lại khiến toàn bộ  những gian nhà gần sông bị cuốn hoàn toàn.

Cơn bão số 3 đã khiến gian phòng trường tiểu học Mường Ải bị cuốn trôi.

“Cầu trời đừng mưa nữa”

Ông Nguyễn Thanh Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, toàn huyện có 6 người chết. Về tài sản, toàn huyện có gần 300 nhà dân và 4 trường học bị ngập lụt. Trong đó có 16 ngôi nhà bị trôi và ngập hoàn toàn, 40 nhà bị sạt lở phải di dời.

Mưa lũ cũng đã làm hư hỏng, ách tắc nhiều tuyến đường giao thông. Đặc biệt là Quốc lộ 7B và đường tuần tra biên giới. Cách thức để tiếp cận chỉ có thể đi bộ, nhưng với phương thức này thì ít nhất phải 4 – 5 ngày, mới đến được các nơi bị cô lập.

Bùn ngập cao tại trung tâm xã Mường Ải.

Để giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, UBND xã đã tự nỗ lực, cùng với sự giúp đỡ của đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, đồn Biên phòng Mường Típ huy động toàn bộ lực lượng giúp người dân vệ sinh môi trường, dọn dẹp nhà cửa ổn định cuộc sống; hỗ trợ thực phẩm, kinh phí cho các hộ gia đình bị thiệt hại nặng.

Tuy nhiên, theo thông tin từ trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng nay (22/8), trên rãnh áp thấp đi qua vùng biển Bắc Biển Đông hình thành một áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Lúc 7h cùng ngày, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 22,0 độ Vĩ Bắc; 119,0 độ Kinh Đông, cách đảo Đài Loan khoảng 160km về phía Tây Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 7. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 50km tính từ vùng tâm ATNĐ.

Người dân dùng gỗ để đổi dòng chảy tránh vào nhà dân.

“Hiện, xã vẫn đang còn 7 hộ dân nằm trong nguy cơ bị sạt lở, cuốn trôi xuống suối. Bên cạnh vận động người dân di dời, chính quyền xã cũng cử lực lượng túc trực để kịp thời sơ tán người dân khi bất trắc ập đến. Điều người dân ở đây mong muốn là trời đừng đổ mưa để sớm khắc phục hậu quả, khai thông đường vào những nơi bị cô lập”, ông Lữ Quang Hưng, Chủ tịch UBND xã Mường Ải cho biết.

Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5km. Đến 7h ngày mai (23/8), vị trí tâm ATNĐ ở khoảng 23,1 độ Vĩ Bắc; 120,1 độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển phía Tây Nam đảo Đài Loan. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 50km tính từ vùng tâm ATNĐ.

Do ảnh hưởng của ATNĐ, vùng biển Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông trong ngày và đêm nay có mưa dông mạnh; gió mạnh cấp 6, giật cấp 7; biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai do ATNĐ ở vùng biển Đông Bắc Biển Đông: Cấp 3.

NĐT

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến