Tin liên quan
Các dự án hợp tác công - tư (PPP), trong đó nhiều nhất là hình thức BOT và BT được xem là một “lối thoát” cho việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trong sáu năm trở lại đây, khi mà nguồn vốn ngân sách mỗi ngày một thu hẹp. Từ năm 2011-2015, đã có 26 dự án BOT được đưa vào khai thác với tổng mức đầu tư 74.806 tỉ đồng, chưa kể 18 dự án khởi công trước 2011 với tổng mức đầu tư 37.212 tỉ đồng. Hiện tại, Bộ GTVT đang triển khai đầu tư 36 dự án với tổng mức đầu tư 111.854 tỉ đồng.
Phải thừa nhận các dự án BOT, mà chủ yếu là BOT đường bộ, đã làm thay đổi bộ mặt giao thông, rút ngắn thời gian đi lại và khoảng cách vùng miền, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương. Nhưng nếu chỉ như vậy thì chắc chắn các dự án BOT và BT luôn được chào đón, thay vì gặp những phản ứng gay gắt ở nhiều góc độ như trong thời gian qua. Và nếu các dự án này thực sự hiệu quả, Bộ GTVT đã không tiến hành rà soát lại tất cả dự án BOT trên toàn quốc và đề xuất tạm dừng triển khai các dự án BOT mới, trong khi nhu cầu xã hội hóa các dự án đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông vẫn còn rất bức thiết.
Đến khi nào Bộ GTVT rời vị trí “cùng thuyền” với nhà đầu tư BOT và đứng về phía những người trả phí nuôi dự án thì sẽ hiểu, tại các dự án BOT, người dân không thể đứng ngoài mà không biết tiền “thuế đường” đang chảy về đâu.
Tính minh bạch và hiệu quả thực sự của các dự án BOT luôn là nỗi bức xúc của người dân - người trả phí để nuôi các dự án BOT trong hàng chục năm. Ảnh: Tuệ Doanh
Thực tế, tính minh bạch và hiệu quả thực sự của các dự án BOT luôn là nỗi bức xúc của người dân - người trả phí để nuôi các dự án BOT trong hàng chục năm cho đến khi nó hoàn vốn và bàn giao lại cho Nhà nước. Những người trả tiền để “nuôi” dự án lại luôn là những người đứng ngoài cuộc khi muốn giám sát tính minh bạch tại các dự án BOT.
Bằng chứng rõ nhất là tại cuộc tọa đàm về BOT do báo Tiền Phong tổ chức cuối tuần trước, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng: người dân không thể vào kiểm tra hoạt động của dự án BOT được. Ông này nói ngay cả việc giám sát, kiểm tra chéo giữa các nhà đầu tư trong cùng một dự án với nhau (như trường hợp Công ty Thái Sơn - cổ đông của Tổng công ty CIENCO 1 tổ chức đếm xe ở dự án nâng cấp BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ mới đây - NV) mà không được phép của Bộ GTVT là không đúng. Theo quan điểm của vị lãnh đạo Bộ GTVT này, chỉ Bộ GTVT mới được quyền vào kiểm tra, giám sát hoạt động tại các dự án BOT.
Các câu trả lời của ông Trường vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của những người có mặt tại tọa đàm và dư luận xã hội. Bởi lẽ, người dân hoặc thông qua các tổ chức, đoàn thể xã hội của họ phải có quyền vào giám sát các dự án BOT. Nhà nước, mà ở đây là Bộ GTVT và Bộ Tài chính đứng ra thay mặt người dân đàm phán, chấp thuận đầu tư dự án, cho phép dự án đi vào khai thác, thu phí nhưng người trả phí nuôi các dự án này chính là người dân, chứ không phải Bộ GTVT hay Bộ Tài chính.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chỉ Bộ GTVT được quyền kiểm tra các dự án BOT? Chính bộ này mới đây đã bị Thanh tra Bộ Tài chính phát hiện tại tám dự án nâng cấp quốc lộ 1 qua các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận sử dụng vốn trái phiếu chính phủ đã tăng sai vốn đầu tư 1.866 tỉ đồng, khiến Bộ Tài chính yêu cầu phải giảm tổng mức đầu tư tương ứng với số tiền được phát hiện trên!
Bộ GTVT cũng thừa nhận tại Báo cáo tổng kết năm năm (2011-2015) về việc thực hiện dự án BOT: “Việc áp dụng hình thức chỉ định thầu các dự án, chưa tham vấn người sử dụng dẫn đến còn có quan ngại về tính công khai, minh bạch tại các dự án”.
Việc Bộ GTVT chủ động nêu đề xuất tạm dừng triển khai các dự án BOT là cần thiết. Tuy nhiên, việc này không xuất phát từ nhận thức của bộ về tính minh bạch và hiệu quả của các dự án BOT. Đề xuất này là việc bộ bắt buộc phải làm sau khi Chính phủ có hàng loạt nghị quyết, quyết định, chỉ đạo về việc hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó yêu cầu rà soát mức phí tại các dự án BOT, không tăng phí vì vấn đề này đã trở thành gánh nặng của doanh nghiệp và người dân trong điều kiện kinh doanh còn nhiều khó khăn.
Khi chưa có văn bản quy phạm pháp luật về quy trình, nguyên tắc xác định trạm thu phí, mức thu phí và tham vấn người sử dụng thì sao xây dựng được quy hoạch các trạm thu phí và thu phí một cách công bằng? Hiện nay chính các cơ quan quản lý cũng không đủ cơ sở để giám sát chặt chẽ công tác thu phí các dự án BOT. Bởi việc kiểm soát doanh thu đối với các dự án BOT hiện chỉ bao gồm: báo cáo doanh thu tháng, quí, sáu tháng và hàng năm trong khi nhà đầu tư thực hiện chưa nghiêm chế độ báo cáo theo quy định.
Đến khi nào Bộ GTVT rời vị trí “cùng thuyền” với nhà đầu tư BOT và đứng về phía những người trả phí nuôi dự án thì sẽ hiểu, tại các dự án BOT, người dân không thể đứng ngoài mà không biết tiền “thuế đường” đang chảy về đâu.
Nên đọc
Theo TBKTSG
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy