Người giữ xe và hình ảnh doanh nghiệp
02/11/2016 14:01:17
Khi người nhân viên giữ xe cẩn thận lấy từng chiếc mũ bảo hiểm đặt úp trên yên xe máy để tránh nước mưa làm ướt mặt trong của chiếc mũ cũng là lúc anh ấy tạo được nhiều thiện cảm với thực khách trong quán ăn mà anh phục vụ.

Tin liên quan

Theo suy nghĩ thông thường, nhân viên giữ xe thường chỉ lo bảo vệ xe. Do vậy, trong trường hợp nêu trên, nếu người nhân viên không làm như vậy, khách cũng sẽ cảm thấy bình thường và không có cớ để phàn nàn. Bởi bình thường nên khi thấy nhân viên làm vượt mức mình mong đợi, tự nhiên khách sẽ thấy hài lòng.

Ở đây, thử đặt câu hỏi, nhiệm vụ nhân viên bãi xe là gì?

Dĩ nhiên câu trả lời sẽ là trông giữ xe của khách hàng. Thế nhưng sẽ ra sao nếu người giữ xe ăn mặc luộm thuộm, nói năng cộc lốc, trên tay phì phèo điếu thuốc hoặc mắt dính vào chiếc điện thoại di động?

Có lẽ khách sẽ cho qua nếu đâu cũng vậy. Nhưng thực tế ngày càng có nhiều doanh nghiệp quan tâm đến dịch vụ bảo vệ giữ xe để đem đến cảm giác hài lòng cho khách hàng. Khi ấy, tất nhiên khách hàng sẽ có sự so sánh. Dịch vụ giữ xe tốt, hình ảnh doanh nghiệp trở nên thân thiện và chiếm được cảm tình của khách hàng và ngược lại.

Những chiếc mũ bảo hiểm được người bảo vệ chủ động đặt úp lại để tránh nước mưa làm ướt. Ảnh: ĐT

Như vậy, ngay lúc này đây, dù muốn hay không, người giữ xe không chỉ có nhiệm vụ giữ xe mà còn là người “nắm giữ” một phần hình ảnh của chính doanh nghiệp.

Họ chính là người đầu tiên tiếp xúc với khách hàng và họ cũng chính là người cuối cùng mà khách hàng tiếp xúc trước khi rời công ty. Theo tâm lý thông thường, đây là hai thời điểm mà mọi ấn tượng của doanh nghiệp, dù tốt hay xấu, tích cực hay tiêu cực, đều rất dễ được khắc sâu vào tâm trí trong mắt khách hàng.

Nhìn như vậy, ta thấy họ không chỉ đơn thuần là một nhân viên bảo vệ mà là một mắt xích quan trọng trong dịch vụ khách hàng. Điều này dễ hiểu bởi lẽ dịch vụ khách hàng nên xây dựng ngay từ lúc khách hàng tiếp xúc đầu tiên, chứ không phải lúc khách bắt đầu mua hàng hay sau mua hàng.

Xin kể ví dụ về một chuỗi cửa hàng chuyên bán điện thoại di động tại Việt Nam. Vào cửa hàng, bạn được niềm nở chào đón ngay từ người nhân viên giữ xe. Ra về, cũng chính người nhân viên ấy dắt xe cho bạn, chu đáo hỏi đi về hướng nào, và rồi đặt bàn tay vào ngực trái – nơi trái tim, cúi chào cảm ơn tiễn khách.

Nếu để ý, bạn sẽ thấy trên bảng hiệu người ấy mang, chức vụ ghi rõ “Tiếp đón khách hàng”. À, ra thế, cũng là dắt xe, trông xe và trả xe, nhưng nhiệm vụ chính của anh là tiếp đón khách hàng. Hay nói cách khác, việc anh ta đang làm chính là một phần của dịch vụ khách hàng. Và đây chính là điểm tạo sự khác biệt giữa chuỗi cửa hàng điện thoại di động này với những chuỗi khác.

Khi các cửa hàng bán cùng những sản phẩm giống nhau với mức giá không khác nhau, sự cạnh tranh về dịch vụ khách hàng sẽ nằm chính ở nụ cười và câu nói đầu tiên mà khách hàng nhận được từ họ tiếp xúc khi mới bước vào cửa hàng.

Từ chuyện người giữ xe, nói rộng ra dịch vụ bảo vệ, ta thấy ở đây cũng có một câu chuyện tương tự. Do vậy, chẳng lạ khi một chuỗi siêu thị nổi tiếng của Nhật đang hoạt động tại Việt Nam khi đăng tuyển dụng, ngoài những tiêu chí thông thường như sức khỏe, nhanh nhẹn, trung thực, thì ứng viên còn phải luôn tươi cười chào khách, nhiệt tình hướng dẫn, hỗ trợ khách hàng khi cần thiết.

Trong bối cảnh làm ăn ngày nay, khi khách hàng ngày càng khắt khe và có nhiều lựa chọn, chính thái độ phục vụ, đôi khi chỉ đơn giản từ nụ cười, xuất phát từ tâm đã là một điểm cộng trong việc chinh phục khách hàng. Việc tưởng chừng dễ, nhưng để làm thường xuyên, thành hệ thống, thiết nghĩ cũng là một vấn đề người kinh doanh cần có sự quan tâm đúng mực.

Theo TBKTSG

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến